Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Phát triển thanh toán (Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước), chia sẻ hiện nay, hành lang pháp lý cho thẻ ngân hàng, trong đó bao gồm cả thẻ tín dụng nội địa đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ.
Mặt khác, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã xác định được trách nhiệm trong việc phát hành thẻ tín dụng nội địa để hướng tới góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phổ cập tài chính toàn diện.
Ông Giang cũng lưu ý, mặc dù đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhưng do đi sau nên thẻ tín dụng nội địa cần tận dụng mọi lợi thế để mở rộng thị phần. Theo đó, ông Giang đưa ra 3 giải pháp chính.

Thứ nhất, tổ chức phát hành thẻ phải có chương trình quảng bá, giới thiệu thẻ tín dụng đến đông đảo người dân. Bởi lẽ, người dân ở khu vực thành thị đã quen với thẻ tín dụng nhưng chủ yếu là thẻ tín dụng quốc tế. Đối với thẻ tín dụng nội địa, người dân còn chưa quen, đặc biệt với người dân ở vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo, chưa từng tiếp cận với thẻ tín dụng. Vì vậy, tổ chức tín dụng cần làm nổi bật tính cần thiết.
Bên cạnh đó, đôi khi người dân cũng chưa cần tiền ngay và họ thường nghĩ tiếp cận vốn tại các công ty tài chính, ngân hàng rất tốn thời gian. Do đó, tổ chức phát hành thẻ cần đơn giản hóa thủ tục phát hành.
Đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư hướng dẫn và các tổ chức có thể phát hành thẻ qua online. Như vậy, việc chấm điểm khách hàng rất quan trọng, để khi khách hàng mở thẻ thì các ngân hàng, công ty tài chính xử lý được hồ sơ ngay. Điều này cũng giúp ngân hàng đáp ứng được ngay yêu cầu về vốn, nhu cầu chi tiêu cấp thiết trong trường hợp khẩn cấp của người dân. Qua đó, thẻ tín dụng nội địa trở nên rất quan trọng trong việc phổ cập tài chính toàn diện, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Thứ hai, khi khách hàng mở thẻ tín dụng nội địa, tức tiếp cận nguồn vốn chính thống nhưng muốn sử dụng nguồn vốn này cho các nhu cầu hàng ngày thì phải cần thêm điểm chấp nhận thanh toán.
Hiện tại, ở khu vực đô thị đã tương đối phổ biến. Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa thì cần phải cung cấp thêm các điểm, nơi mà khách hàng có thể sử dụng thẻ tín dụng nội địa này. Nếu điểm giao dịch nào cũng hỏi khách hàng có thẻ tín dụng nội địa không thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tìm hiểu và đăng ký mở thẻ.
Thứ ba, hầu hết các tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa cũng phát hành song song thẻ tín dụng quốc tế do một số lợi ích về kinh tế. Ví dụ, với phí chuyển đổi ngoại tệ (Interchange Rate), các tổ chức quốc tế trả cao hơn so với thẻ tín dụng nội địa. Do đó, với vai trò là công ty chuyển mạch thẻ, Napas cần phối hợp với các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ để có một mức phí hợp lý. Cần phải có mức phí chia sẻ, hài hòa hợp lý giữa các bên.
Tuyết Nhung, Anh Dũng, Duy Tuấn