“Nhiều khi chỉ vì chiều khách nên lại là làm hại khách. Trong du lịch mạo hiểm, phải luôn nhớ: An toàn là quan trọng nhất”, nhiều chuyên gia du lịch lên tiếng.

Những ngày qua, dư luận lại "nóng" lên khi xảy ra vụ việc 3 du khách người Anh tử nạn  khi đang tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vuợt thác tại thác Datanla (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng đầu tư, khai thác và quản lý loại hình du lịch mạo hiểm này ở Việt Nam hiện nay.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Kinh doanh Công ty Du lịch TransViet cho rằng, cơ quan điều tra vẫn đang vào cuộc để xác định nguyên nhân cái chết của ba du khách. Tuy nhiên, dựa vào thông tin ban đầu, ông Đạt đặt giả thiết khách du lịch đã chủ quan, sơ xẩy dẫn đến tai nạn.

Ông Đạt cho rằng, “Qua báo cáo ban đầu, khách và hướng dẫn viên đi đường rừng vào khu vực thác, không mua vé của đơn vị khai thác nên không được trang bị bảo hộ và được giám sát. Có thể khách tuổi còn trẻ nên còn chủ quan, chưa lường hết được địa hình hiểm”.

Song, theo ông Đạt thì trách nhiệm trước hết là vẫn ở công ty du lịch Ban Mê Đà Lạt và hướng dẫn viên (HDV) khi tự dẫn khách đi du lịch mạo hiểm "chui", không thực hiện các biện pháp an toàn đầy đủ, không khuyến cáo, can ngăn khách. “Dù khách có muốn nhưng nếu khách không được HDV dẫn đi và bị can ngăn thì khách cũng không thể tự đi và tham gia chơi. Nhiều khi chỉ vì chiều khách nên lại là làm hại khách. Trong du lịch mạo hiểm, phải luôn nhớ: An toàn là quan trọng nhất”, ông Đạt nói.

{keywords}

Thác Dalanta.

Bàn về góc độ quản lý loại hình du lịch mạo hiểm hiện nay ở Việt Nam, ông Đạt cho rằng: “Việt Nam có địa hình rất đa dạng với nhiều sông núi, hang động, ghềnh thác thuận lợi cho việc khai thác du lịch mạo hiểm. Hình thức du lịch mạo hiểm ngày càng được giới trẻ trong nước, và khách nước ngoài yêu thích.

Điểm đặc biệt loại hình này  phát triển mạnh ở Việt Nam khoảng 5 năm gần đây. Hình thức du lịch mạo hiểm này cũng không cần mức đầu tư lớn (chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên), nhưng đã đem lại nguồn thu lớn nhiều tỷ đồng cho địa phương và đơn vị khai thác và góp phần làm đa dạng hoá các loại hình du lịch trong nước, trong địa phương hấp dẫn hơn”.

Tuy nhiên, theo ông Đạt thì du lịch mạo hiểm gắn nhiều đến rủi ro, thậm chí đến tính mạng của người tham gia.

“Về phía công ty du lịch khi khai thác cần cải tạo địa hình, cải tạo để giảm bớt sự nguy hiểm, nhưng vẫn có độ khó để khách chinh phục. Công ty cũng cần có người làm công tác cứu hộ có kinh nghiệm và các phương tiện cứu hộ giám sát và kịp thời cấp cứu khách khi cần, song song đó là phương án cứu hộ, cấp cứu tại chỗ.

Du khách khi tham gia du lịch mạo hiểm cần mua bảo hiểm tại chỗ, cần được trang bị bảo hộ kỹ càng, phù hợp với địa hình. Khách cũng cần được huấn luyện để biết cách chơi an toàn.

Cơ quan quản lý cũng cần có những quy định chặt chẽ về bảo đảm an toàn cho du khách đi du lịch; cần chặt chẽ trong khâu cấp phép và quản lý các doanh nghiệp khai thác loại hình du lịch mạo hiểm. Các cơ quan nên thường xuyên kiểm tra thực tế tính an toàn cho du khách và có chế tài xử phạt nặng, rút giấy phép các đơn vị khai thác, hướng dẫn viên không đáp ứng điều kiện”.

{keywords}

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể 3 du khách gặp nạn lên quốc lộ 20.

Ở một góc độ nhìn rộng hơn, một người kinh doạnh trong lĩnh vực du lịch (xin giấu tên) cho rằng: “Chính phủ cần phân loại và đưa ra các quy định cụ thể cho từng loại hình du lịch: Du lịch mạo hiểm, du lịch nguy hiểm, thể thao mạo hiểm...

Tôi cho rằng những hoạt động ở thác Datanla nên được xếp vào loại thể thao mạo hiểm hơn. (Du lịch mạo hiểm: Có yếu tố nguy hiểm nhưng đã triệt tiêu những mối nguy hiện hữu , như thiết bị an toàn, kỹ năng, kiến thức. Mạo hiểm ở đây là độ khó, khả năng người tham gia (khách), và các yếu tố không lường được trước, và người chơi chấp nhận tính chất mạo hiểm đó.

Du lịch nguy hiểm là có những mối nguy hiểm hiện hữu, người chơi biết và chấp nhận nguy hiểm tham gia.

Thể thao mạo hiểm là các môn thể thao tại điểm du lịch hay ở đâu đó, người ta thiết kế các môn thể thao kèm theo các yêu cầu an toàn tuyệt đối (đối với thiết bị), mạo hiểm ở đây là độ gây cấn và khả năng chấn thương từ những pha gây cấn đó”.

Vị này cũng cho biết, “Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa cụ thể hóa các quy chuẩn an toàn cho những loại hình này: zipline, leo núi, các thiết bị... nên đa số vẫn còn tham khảo các tiêu chuẩn nhà sản xuất nước ngoài”

Hạnh Thúy