Chiều qua, ngày 2/5/2018, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đã đến thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT.

Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn đã đến thăm Đại học FPT, Làng phần mềm Fville tại Hòa Lạc, báo điện tử Vnexpress, lắng nghe các chuyên gia công nghệ của FPT trình bày về giải pháp quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital phiên bản mới. Đây là hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện ứng dụng công nghệ 4.0 đầu tiên tại Việt Nam với nhiều tính năng đặc biệt như tích hợp bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa, trợ lý ảo thông minh, ứng dụng trên thiết bị di động… hỗ trợ công tác quản lý, khám chữa bệnh cho các lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ và bệnh nhân. Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, FPT cũng đưa ra một số đề xuất ứng dụng CNTT cho ngành y tế.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết trong lịch sử hơn 20 năm hợp tác với ngành y tế, FPT đã có hàng trăm chuyên gia công nghệ chuyên sâu về nghiệp vụ ngành Y và triển khai hệ thống công nghệ tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ 4.0, FPT mong muốn sẽ cùng với Bộ Y tế thảo luận để tìm ra các hướng hợp tác mới trong tương lai.

Chúc mừng FPT về những thành tựu vượt trội mà công ty đã đạt được trên mọi lĩnh vực trong 30 năm qua để nâng tầm Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tin tưởng FPT sẽ có những đóng góp tích cực hơn nữa cho Việt Nam nói chung và Y tế nói riêng. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng đánh giá cao FPT vì sự đầu tư nghiêm túc, lâu dài và có những hiểu biết sâu rộng về ngành từ đó có những đề xuất sát với nhu cầu của ngành.

Đối với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng có 3 bài toán cấp thiết cần thúc đẩy làm nhanh là Bệnh viện thông minh, Chăm sóc sức khỏe thông minh, Quản trị hệ thống y tế thông minh.

Theo Bộ trưởng, việc ứng dụng công nghệ cần hướng đến việc đem lại sự hài lòng cho người dân và các y bác sĩ trong quá trình sử dụng. Cụ thể với phần mềm bệnh viện thông minh cần đáp ứng được các yêu cầu là thủ tục đơn giản, giảm thời gian chờ đợi, công khai minh bạch. Với các quản lý bệnh viện thì phần mềm cần tốn ít thời gian, quản lý hiệu quả, chống thất thoát… Đối với phần mềm Chăm sóc sức khỏe thông minh (ứng dụng tại các trạm y tế xã/phường gắn với mô hình bác sĩ gia đình), cần làm theo nguyên tắc đơn giản, dễ làm, dễ tiếp cận, phổ cập, hiệu quả từ đó mang lại sự hài lòng cho người dân… Bộ trưởng đề nghị các tập đoàn công nghệ lớn như FPT có thể nhanh chóng bắt tay vào triển khai sớm có lộ trình để ra sản phẩm ứng dụng trong thực tế.

Mới đây, Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện thông minh FPT.eHospital phiên bản mới đã là 1 trong do Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) phát triển đã là 1 trong 4 sản phẩm, dịch vụ mang về các danh hiệu Sao Khuê năm 2018 cho FPT. Được vinh danh ở lĩnh  vực y tế, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp thuộc nhóm các sản phẩm, giải pháp phần mềm thương mại tiêu biểu của Việt Nam của chương trình danh hiệu Sao Khuê năm nay, hệ thống minh FPT.eHospital  phiên bản mới được đánh giá cao nhờ việc ứng dụng những công nghệ 4.0 mới nhất như Trí tuệ nhân tạo (AI), Phân tích dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), thiết bị di động (Mobility), Kết nối vạn vật (IoT)… giúp lãnh đạo bệnh viện quản lý toàn bộ hoạt động với các số liệu trực tuyến theo thời gian thực, tích hợp chữ ký số, bệnh án điện tử… hướng đến xây dựng bệnh viện không giấy tờ; tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh theo hướng nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian/khối lượng công việc thủ tục hành chính; nâng cao công suất, hiệu suất bệnh viện; Quản lý chặt chẽ tài chính, chống thất thoát, tăng thu, giảm chi...

Với các bác sĩ, FPT.eHospital phiên bản mới hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa; Giảm rủi ro, sai sót thông qua việc cảnh báo tương tác thuốc, sự trùng lặp của trong các toa thuốc; Trợ lý ảo, chatbot thông minh hỗ trợ công việc hàng ngày như tìm kiếm bệnh nhân, mở sổ khám bệnh…

Còn với bệnh nhân, FPT.eHospital phiên bản mới cung cấp nhiều tính năng thông minh giúp bệnh nhân giảm thời gian đăng ký khám chữa bệnh (trung bình từ 4 phút xuống dưới 1 phút, đặc biệt với bệnh nhân đã từng khám tại bệnh viện thì thời gian tiếp nhận chỉ còn 15 giây); tương tác với bệnh viện qua điện thoại hoặc cổng thông tin như: đặt lịch hẹn, xem hồ sơ y tế cá nhân, thanh toán viện phí trực tuyến, trợ ý ảo nhắc lịch, tìm kiếm thông tin qua chatbot …

Theo Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2018 của Bộ Y tế, Bộ này đã đặt ra hàng loạt mục tiêu trong năm như: 50% đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành và chuyên môn chủ yếu của đơn vị; 80% đơn vị thuộc va trực thuộc Bộ Y tế triển khai hồ sơ cán bộ công chức, viên chức trên môi trường mạng; 100% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS), trong đó có 95% bệnh viện tích hợp hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS) với hệ thống HIS; 50% bệnh vệnh trực thuộc Bộ Y tế tích hợp hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh y học (RIS-PACS); 20% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai Bệnh án điện tử; Hoàn thành triển khai phần mềm quản lý hoạt động Trạm y tế xã tại 26 xã mô hình điểm của Bộ Y tế; Hoàn thành phần mềm Hồ sơ sức khỏe điiện tử; Triển khai phần mềm hệ thống thông tin thống kê y tế điện tử tại 8 tỉnh, thành phố.

Riêng với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, cùng với mục tiêu đảm bảo 20% thủ tục hành chính của Bộ Y tế được trực tuyến hóa mức độ 3 trở lên, trong đó có ít nhất 15% đạt mức độ 4, năm 2018, ngành Y tế cũng hướng đến các mục tiêu kết nối Hải quan một cửa quốc gia theo đúng kế hoạch của Chính phủ và có 85% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có hệ thống xếp hàng điện tử.