The New York Times gọi lớp học về hạnh phúc tại Đại học Yale là “lớp học phổ biến nhất từ trước đến nay” của trường. Hàng trăm người học phản hồi đã có những cải thiện và thay đổi cuộc đời sau khi tham gia khóa học.
Giáo sư Santos bắt đầu lớp học bằng cách giải thích lý do tại sao những điều chúng ta muốn trong cuộc sống không thực sự khiến chúng ta hạnh phúc.
Đó là hiện tượng “mong muốn sai lầm” (miswantings), đề cập đến ý tưởng rằng mọi người đôi khi “dự đoán sai” về mức độ họ sẽ thích một thứ gì đó trong tương lai.
Nhiều tiền không đồng nghĩa hạnh phúc
Giáo sư Santos đề cập đến một số “đặc điểm khó chịu của tâm trí” ảnh hưởng đến việc con người chạy theo những thứ không thực sự khiến họ hạnh phúc.
Cô Santos lập luận rằng nhiều mục tiêu vật chất mà chúng ta cố gắng đạt được thì ít hoặc không có tác động lâu dài đến sự hài lòng trong cuộc sống nói chung, đặc biệt là tiền.
Người học đã trích dẫn nghiên cứu nổi tiếng của Đại học Princeton (2010) khảo sát 450.000 người Mỹ cho thấy mức độ hạnh phúc tăng lên cùng với thu nhập của một người và một nghiên cứu khác của Harvard (2018) cho rằng "càng giàu càng hạnh phúc".
Phản biện lại, giáo sư Santo cho rằng: “Tiền quan trọng thật, nhưng tôi nghĩ sự giàu có có ảnh hưởng rất nhỏ đến hạnh phúc.”
Những thực hành như thiền định, bày tỏ lòng biết ơn và dành thời gian cho các mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng lớn nhất đến hạnh phúc của con người. Chúng dễ đạt được hơn nhiều so với việc cố gắng có thu nhập vượt qua mốc 10 triệu USD, theo giáo sư.
“Tiền không làm tăng hạnh phúc theo cách chúng ta nghĩ. Tâm trí đang lừa dối chúng ta về tác động của việc có thêm tiền đối với hạnh phúc của chúng ta.”
"Tâm trí đang lừa dối chúng ta về mức độ ảnh hưởng của tiền mặt đối với hạnh phúc của chúng ta." Giáo sư Tâm lý học Đại học Yale Laurie Santos |
Tiêu tiền vào trải nghiệm, không phải vào vật chất
Trong một buổi học, cô Santos đã phỏng vấn Elizabeth Dunn, một nhà nghiên cứu về hạnh phúc và là đồng tác giả cuốn sách “Tiền hạnh phúc”.
Họ thảo luận tại sao tiêu tiền vào trải nghiệm, chứ không phải vật chất, là điều khiến con người hạnh phúc.
Sinh viên lập tức phản biện rằng để trải nghiệm lái xe trên một con đường cao tốc có cảnh đẹp thì cần chi hàng ngàn USD cho một chiếc ô tô xịn. Trải nghiệm đi du lịch thưởng lãm cần chi hàng ngàn USD cho vé và chi phí khách sạn, ăn uống và tham quan.
“Còn tùy. Nếu bạn quan tâm đến cảm giác của chiếc xe mới khi bạn lái nó, ví như trang bị thêm âm nhạc trong xe, quan tâm đến nó chạy tốt như thế nào thì một chiếc xe mới có thể giống như một trải nghiệm”, cô Santos nói.
Thiết lập mục tiêu mới: Thay đổi lối sống và suy nghĩ
Giáo sư Santos kết thúc buổi học như sau: “Vậy tiền có thực sự khiến chúng ta hạnh phúc hơn không? Có lẽ một chút. Có lẽ nếu bạn ở Mỹ và bạn chỉ kiếm được 10.000 USD/năm, thì nhiều tiền hơn sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn.”
Tuy nhiên, đối với những người khác, nhiều tiền hơn sẽ không tạo ra quá nhiều khác biệt.
Cuối cùng, giáo sư Santos khuyên người học thử nghiệm các cách khác nhau để xem cách nào đạt hạnh phúc hiệu quả nhất. Đó là:
- Học những kỹ năng mới để có kết quả cuộc sống tích cực hơn, không chỉ vì tiền hay thăng tiến trong sự nghiệp.
- Tử tế hơn bằng cách "tiêu tiền" cho người khác (giúp đỡ, từ thiện...), thay vì cho bản thân mình.
- Dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và gia đình, thay vì làm việc (đặc biệt là vào cuối tuần).
- Chi tiêu ít tiền hơn cho những thứ không bền vững, chẳng hạn như đồ dùng đắt tiền.
- Kết hợp các thói quen lành mạnh với nhau, chẳng hạn như tập thể dục, viết nhật ký và thiền định.
Nhìn chung, lớp học được nhận xét đã thay đổi cách nhiều người nghĩ về tiền, đặc biệt là cách chi tiêu và mức độ ưu tiên đối với nó.
Bảo Huy