Dịch bạch hầu tăng nhanh, 40 tuổi vẫn mắc
Tính đến ngày 3/7, Việt Nam đã ghi nhận 26 ca mắc bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong, trong đó bé 9 tuổi và 13 tuổi sống tại Đắk Lắk, bé 1 tuổi là người Gia Lai.
Hiện Đắk Nông cũng là địa phương ghi nhận số ca bạch hầu lớn nhất nước với 16 ca, kế đó là Kon Tum 8 ca, TP.HCM 1 ca, Gia Lai 1 ca.
Do dịch bạch hầu ít xuất hiện, không ít trường hợp bị chẩn đoán nhầm là viêm họng
Đáng lưu ý, không chỉ trẻ em, rất nhiều trường hợp trên 15 tuổi, 25 tuổi, thậm chí anh Giàng A P., 40 tuổi ở huyện Đắk G’long, Đắk Nông vẫn mắc bệnh.
TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính rất dễ lây qua đường hô hấp.
Đây được xem là bệnh cũ, cổ điển khi từng gây ra đại dịch lớn vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước tại Nga, Ucraina khiến hơn 40.000 ngưởi mắc, hơn 1.100 ngưởi tử vong.
Tại Việt Nam, dịch cũng từng lan khắp các tỉnh nhưng từ năm 1981 đến nay, khi trẻ được chích ngừa vắc xin diện rộng, số ca mắc bạch hầu giảm mạnh, thậm chí có năm không ghi nhận ca nào.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, bệnh bạch hầu quay trở lại nước ta, ghi nhận rải rác ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Tây Nguyên do tỉ lệ tiêm chủng thấp. Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin tại Tây Nguyên trong năm 2019 chỉ đạt 85%, trong khi để có miễn dịch cộng đồng, tỉ lệ này phải đạt 95%.
Trường hợp bệnh nhi 9 tuổi tử vong đầu tiên trong năm nay mới chỉ tiêm duy nhất 1 mũi vắc xin 5 trong 1.
Ngoài ra, do dịch ít xuất hiện nên rất nhiều trường hợp khi mới mắc bệnh được chẩn đoán nhầm là viêm họng nên không có các biện pháp kiểm soát kịp thời khiến dịch lây lan nhanh.
Theo TS Huyền, tỉ lệ tử vong chung khi mắc bạch hầu từ 5-10%, trong đó 3 biến chứng nghiêm trọng nhất là tổn thương tim gây viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, nhiễm độc thần kinh và biến chứng hô hấp gây chít hẹp đường thở…
Trẻ tiêm đủ 6 mũi, người lớn cũng cần tiêm
Hầu hết người dân đều cho rằng bệnh bạch hầu chỉ lây nhiễm cho trẻ nhỏ, TS Huyền nhấn mạnh đây là quan niệm hết sức sai lầm.
Mới đây, chương tình triêm chủng mở rộng đánh giá huyết thanh trên đối tượng nữ độ tuổi sinh đẻ (18-25 tuổi) tại Hải Dương cho thấy, trên 90% số này không có kháng thể phòng bạch hầu.
Với những trường hợp mắc bệnh vừa qua, hầu hết không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi, cá biệt một số trường hợp từng tiêm 3-4 mũi rồi vẫn mắc.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra hoạt động tiêm vắc xin ngừa bạch hầu tại Đắk Nông
“Lý do là miễn dịch bạch hầu sau tiêm sẽ giảm theo thời gian chứ không duy trì mãi. Đánh giá ở Kon Tim giai đoạn 2016-2017 cho thấy, gần 50% đối tượng từ 6-25 tuổi không có miễn dịch phòng bệnh dù nhiều em đã tiêm”, TS Huyền thông tin.
Do vậy, cách đơn giản nhất để ngừa bệnh bạch hầu là cả trẻ em và người lớn đều phải tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Hiện tại, WHO đã có khuyến cáo, với trẻ em không chỉ tiêm 5 mũi ngừa bạch hầu như trước kia mà cần tiêm 6 mũi, sau đó cứ 10 năm nhắc lại một lần.
Cụ thể, trẻ sẽ tiêm vắc xin mũi 1 lúc 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng, mũi 3 lúc 4 tháng, mũi 4 khi 18 tháng tuổi. mũi 5 khi trẻ 4-7 tuổi, mũi 6 tiêm khi 15 tuổi, các mũi sau nhắc lại sau 8-10 năm.
Tại Việt Nam, từ 2010 mới tiêm mở rộng vắc xin ngừa bạch hầu đến mũi thứ 4 cho trẻ, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu tại các vùng lõm tiêm chủng, từ 2021, cả nước sẽ tiêm miễn phí mũi 5 cho trẻ 7 tuổi.
Nếu trẻ lớn trên 15 tuổi và người trưởng thành chưa từng được tiêm nhắc lại vắc xin ngừa bạch hầu sau khi tiêm 3 mũi ngày nhỏ, cần tiêm mũi vắc xin nhắc lại ngay lập tức bằng vắc xin chứa thành phần bạch hầu giảm liều (Td hoặc Tdap).
Nếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cần tiêm mũi tiếp theo trong các lần mang thai cho đến khi hoàn thành lịch tiêm 6 mũi vắc xin.
Vắc xin Td đã được sản xuất trong nước với giá dưới 25.000 đồng/liều. Ngoài ra, nếu sử dụng vắc xin Tdap nhập khẩu, giá khoảng 500.000-600.000 đồng/liều. Các vắc xin này đều an toàn, có hiệu quả cao trong phòng chống bệnh bạch hầu và uốn ván.
Thúy Hạnh
Bệnh nhi 4 tuổi tử vong vì bạch hầu, Gia Lai chỉ đạo dập dịch khẩn
Một bệnh nhi 4 tuổi ở Gia Lai vừa tử vong do mắc bạch hầu, dù trước đó đã tiêm đầy đủ 3 mũi Quinvaxem (trong đó có vắc-xin phòng bạch hầu).