‘Từ bé mọi người hay nhầm con là người Trung Quốc nhưng con cảm giác mình không thuộc về nơi đó. Con hỏi bố mẹ nuôi về gốc gác bản thân. Thật bất ngờ khi họ tiết lộ, đã xin con ở Việt Nam. Con tự hào vì điều đó. Giờ đây, con đang đặt chân lên quê hương mình, bắt đầu hành trình tìm mẹ. Mẹ đợi con nhé...'.
Những dòng tâm sự Lauren Hồng Herremans viết cho người mẹ ruột khiến bao người xúc động. 23 năm trước, cô bị bỏ rơi sau khi chào đời.
Lauren Hồng Herremans khi mới chào đời và tờ giấy khai sinh mang tên Đinh Thị Hồng. |
Bước ngoặt cuộc đời
Khoảng 20 giờ ngày 14/1 năm 1996, một sản phụ trẻ tên Đinh Thị Phúc (SN 1976) đến bệnh viện đa khoa Gia Lâm (Nho Quan, Ninh Bình) sinh con một mình. Các bác sĩ trực lúc ấy là Trần Thuật và Trần Thị Hưng.
Theo thông tin cung cấp, cô Phúc (giờ khoảng 43 tuổi) có địa chỉ ở xóm Lội, xã Lạc Văn (Nho Quan, Ninh Bình). 1 ngày sau khi sinh, người mẹ này đã để lại con rồi biến mất.
Người phụ trách phòng khám đã cử người về địa chỉ trên xác minh nhưng không có kết quả. Đứa trẻ được các nhân viên y tế đặt cho cái tên Đinh Thị Hồng và chuyển đến bệnh viện Đồng Giao (Tam Điệp, Ninh Bình).
3 tháng sau, một cặp vợ chồng người Bỉ hiếm muộn con cái đã nhận nuôi Hồng. Cô bé được đưa sang nước ngoài với cái tên mới: Lauren Hồng Herremans.
Lauren Hồng Herremans có cuộc sống hạnh phúc sau khi sang Bỉ làm con nuôi. |
‘Trước khi nhận nuôi tôi, bố mẹ nuôi đã nhiều lần cố gắng có con nhưng vô vọng. Lần nào, mẹ nuôi có thai cũng bị sảy. Cuối cùng, họ quyết định nhận con nuôi.
Bố nuôi đã một mình đến Việt Nam làm thủ tục đón tôi sang Bỉ. 4 tháng sau, điều kỳ diệu đã đến. Mẹ nuôi mang thai và sinh được một người con trai. Dẫu vậy, họ vẫn dành cho tôi tình yêu thương tuyệt đối. Mỗi tối đi ngủ, mẹ nuôi ôm tôi vào lòng vào nói: ‘Con là món quà của tạo hóa’’.
Lauren Hồng chia sẻ, cô chưa bao giờ nhận ra mình là con nuôi. Bố nuôi của Lauren làm trong ngân hàng còn mẹ làm luật sư.
Ở đất nước xa lạ cùng những con người khác màu da, khác dòng máu nhưng cô có cuộc sống viên mãn. Cô được học múa balê suốt 10 năm, học vẽ và các môn năng khiếu theo sở thích. Mỗi ngày trôi qua, với cô đều là giây phút đáng nhớ.
Một ngày, các bạn hỏi cô có phải người Trung Quốc không? Cô bối rối, không biết trả lời ra sao. Mang trăn trở hỏi bố mẹ nuôi, Lauren Hồng mới biết mình là người Việt Nam. Họ nói những người mang cô đến thế gian này không thể chăm sóc cô. Lauren còn nghĩ, có thể bố mẹ ruột đã qua đời.
‘Nhiều lần tôi nhìn lên bầu trời xanh, tưởng tượng bố mẹ đang ở trên đó và viết thư gửi bố mẹ ruột bằng bút chì, đặt chúng vào phong bì. Hy vọng bố mẹ ở thiên đường sẽ nghe được lời tôi nói’, quệt nước mắt cô gái Bỉ kể tiếp.
Đau đáu tìm lại máu mủ
Lauren Hồng bộc bạch, năm 14 tuổi, trong giờ học về tôn giáo, giáo viên đã yêu cầu các học sinh viết ra những đặc điểm về ngoại hình, năng khiếu… mà họ được thừa hưởng từ bố mẹ. Trong khi các bạn cắm cúi viết, những dòng chữ dần lấp đầy trang giấy trắng, đầu óc cô vẫn trống rỗng.
Cô gái Bỉ gốc Việt có năng khiếu về hội họa và âm nhạc. Cô cho rằng, đó là những đặc điểm cô thừa hưởng từ đấng sinh thành. |
‘Tôi tự hỏi: ‘Rút cuộc, bố mẹ đẻ là người ra sao? Tôi giống họ những điểm gì? Tôi bật khóc. Đó là khoảnh khắc thôi thúc tôi đi tìm mẹ'.
'Tôi là người sáng tạo, thích vẽ, thích ca hát, cảm thụ âm nhạc tốt. Có thể những đặc điểm đó tôi được thừa hưởng từ bố mẹ đẻ’, Lauren Hồng chia sẻ thêm.
Lauren thừa nhận, cô chưa bao giờ thấy thoải mái khi nhắc đến việc mình được nhận nuôi với bố mẹ người Bỉ.
‘Tôi sợ bố mẹ nuôi phải suy nghĩ. Tôi không muốn họ buồn phiền vì bất cứ điều gì. Họ đã cho tôi rất nhiều thứ, tình cảm, vật chất và không có gì đền đáp nổi. Nhưng bấy nhiêu đó cũng khó khỏa lấp được khoảng trống về mẹ ruột trong tâm hồn tôi’, Lauren Hồng ngập ngừng nói.
Sau 23 năm, đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi năm nào đã trở thành cô gái xinh đẹp, tốt nghiệp đại học Odisee Brussels (ở Bỉ) chuyên ngành sư phạm tiểu học và hiện tại đang học lên thạc sĩ chuyên ngành tâm lý học.
‘Tôi biết ở các nước châu Á, việc có con khi chưa kết hôn vẫn bị lên án. Mẹ ruột tôi thật dũng cảm khi vượt qua miệng lưỡi thế gian, mang thai tôi 9 tháng, sinh tôi ra đời.
Chắc hẳn bà rất đau khổ khi rời bỏ tôi. Lựa chọn đó rất khó khăn nhưng có lẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho tôi, mang đến cho tôi cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi có rất nhiều câu hỏi, chỉ mẹ mới có thể trả lời. Mẹ đã mang thai tôi khó khăn ra sao? Mỗi năm đến ngày sinh nhật, liệu mẹ có nhớ đến tôi - đứa con gái bà bỏ lại bệnh viên năm xưa không?
Cuộc sống của mẹ bây giờ thế nào? Tôi có anh chị em ruột thịt không? Nếu có cơ hội, mẹ sẽ cân nhắc việc gặp lại tôi chứ? Chồng của mẹ có biết gì về tôi không?’, Lauren tâm sự.
Bố nuôi làm thủ tục đón Lauren sang Bỉ. |
Nhờ một vài người quen biết qua mạng xã hội Facebook, Lauren Hồng liên hệ được với bác sĩ Trần Thị Hưng - người có mặt thời khắc cô ra đời. Tuy nhiên, thời gian quá lâu, bà Hưng không nhớ được gì nhiều.
‘Bác sĩ Hưng suy đoán, ngày đó mẹ tôi là sinh viên và chưa kết hôn. Mọi thứ vẫn chưa rõ ràng. Tôi hi vọng qua các kênh thông tin, mẹ đẻ sẽ nhận ra tôi. Tôi không trách giận gì mẹ mà luôn mong đợi ngày gặp lại bà.
Có thể bà e ngại chồng hiện tại và các con biết đến sự tồn tại của tôi nhưng trái tim tôi mách bảo, một ngày bà sẽ xuất hiện, ôm tôi vào lòng. Tình mẫu tử là sợi dây thiêng liêng, dù tôi có đi đâu, sợi dây đó vẫn kết nối với mẹ. Tôi tin là vậy.
Việc tìm lại gia đình thực sự có ý nghĩa lớn với tôi. Đó là mảng ký ức tôi đã đánh mất. Nếu không tìm được, tôi sẽ day dứt đến hết cuộc đời’.
Lauren cho biết, cô đang ở Việt Nam, sắp tới cô sẽ đến Ninh Bình, bắt đầu hành trình tìm mẹ của mình.
'Ông chủ’ 8 tuổi ngồi xe lăn sở hữu thư viện sách mini ở Hải Dương
‘Ước mơ của con là đi được và sưu tầm thật nhiều sách, ủng hộ cho các bạn ở các vùng xa xôi, hẻo lánh’, cậu bé Trần Vũ Long 8 tuổi tâm sự.
Diệu Bình