Hà Nội dự kiến sẽ chi trên 2000 tỷ đồng thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Số tiền này được chi tiêu ra sao và liệu có giảm được ùn tắc?

Góc nhìn thẳng mời ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia để cùng trao đổi về vấn đề này.


Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, tờ trình của UBND Thành phố Hà Nội nêu khá cụ thể về từng giải pháp giảm ùn tắc với số tiền dự kiến chi là gần 2.200 tỷ, cá nhân ông đánh giá thế nào về số tiền và cách chi để giảm ùn tắc của Hà Nội?

Ông Khuất Việt Hùng: Bản thân tôi là người làm chuyên môn nên tôi đánh giá rất cao đề xuất của UBND Thành phố Hà Nội, vì đề xuất này khá toàn diện. Bản đề xuất tập trung vào công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện quy định pháp luật để đảm bảo trật tự giao thông, từ việc vận động người dân thực hiện quy định pháp luật, không lấn chiếm vỉa hè, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông, rồi giải pháp tổ chức lại giao thông.

Đặc biệt, chúng tôi đánh giá rất cao, đề xuất lần này rất là toàn diện, từ tuyên truyền vận động, nâng cao hiệu quả của công tác tổ chức giao thông, điều khiển giao thông, quản lý vận tải nơi công cộng và đầu tư, phát triển công trình kết cấu hạ tầng, những công trình giải quyết nút thắt như một số cầu vượt, cầu qua sông Tô Lịch mở rộng, ở những vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

2.200 tỷ chúng ta thấy rất là lớn, nhưng rõ ràng, chúng ta thấy những giải pháp này chủ yếu là giải pháp mềm, yêu cầu kinh phí không lớn. Vì rõ ràng, 2.200 tỷ, theo một suất đầu tư hạ tầng thì chúng ta thấy hình như chỉ được hơn 1km đường sắt đô thị thôi.

Nhà báo Phạm Huyền: Với sự gia tăng chóng mặt của lượng xe ô tô cá nhân trong nước thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng sắp tới, tình trạng ùn tắc ở Hà nội sẽ còn nặng nề hơn nữa, ông đánh giá ra sao về tình trạng này?

Ông Khuất Việt Hùng: Trong quá trình phát triển của tất cả quốc gia, các thành phố lớn, những siêu đô thị như Hà Nội, TP.HCM, vấn đề chúng ta sử dụng quá mức phương tiện cơ giới cá nhân và chúng ta chưa có giải pháp quản lý điều tiết phù hợp thì rõ ràng, đó là một thách thức không chỉ của Hà Nội. Chắc chắn, đấy là một áp lực rất lớn để mà đặt ra đầu bài trong đề xuất của Thành phố Hà Nội.

Tôi nhớ không rõ, nhưng chắc chắn trong này sẽ phải có 3 đề án, thứ nhất là đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải ở Thủ đô Hà Nội mà chúng ta cứ hay gọi nôm na hạn chế hay kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Thứ hai là đề án nâng cao hiệu quả hiệu lực của hệ thống vận tải công cộng hiện hữu và đề án về tổ chức lại giao thông, tức là nâng cao năng lực cũng như khả năng vận hành của hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu. Ba đề án này chắc chắn là phải có.

Thách thức liên quan đến vấn đề tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là vấn đề ô tô đã được Hà Nội tính toán trước và đã đề xuất trong đề án chung mà chúng ta gọi là gói 2.200 tỷ.

Nhà báo Phạm Huyền: Theo ông, vì sao thời gian qua dù nhiều giải pháp đã được thực hiện nhưng ùn tắc giao thông tại thủ đô vẫn như bài toán chưa có lời giải? Gần 2200 tỷ này nên được chi tiêu thế nào thì hiệu quả chống ùn tắc sẽ đạt được cao nhất?

Ông Khuất Việt Hùng: Nếu như chúng ta nói rằng, bài toán giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội chưa có lời giải thì tôi lại có cách khác. Bài toàn giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội có lời giải và trong lời giải đó, chúng ta phải làm một số bài toán.

Có những bài toán mang tính tổng thể như công tác quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch giao thông và quản lý thực hiện quy hoạch đó. Có những bài toán được giải mang tính chất tạo ra năng lực xương sống để giải quyết nhu cầu giao thông khối lớn như các tuyến đường sắt đô thị, các trục và các đường vành đai.

Đấy cũng là bài toán. Bài toán về quản lý giúp người dân sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân một cách thông minh phù hợp để chúng ta cùng nhau sử dụng hiệu quả nhất phần diện tích kết cấu hạ tầng đang có và sẽ có.

Con số 2.200 tỷ như tôi nói ngay từ đầu, nếu chúng ta tính thì chỉ bằng 1km đường Metro thôi và không ai giải quyết ùn tắc giao thông của một đô thị 10 triệu dân, bao gồm cả dân đăng ký hộ khẩu và những người đến đây làm việc công tác, một đô thị 10 triệu dân, không ai giải quyết bằng 1 km đường sắt đô thị cả.

Rõ ràng, trong 5 năm, 2.200 tỷ này có kế hoạch rất rõ, từng dự án một, dự án này bao nhiêu tiền, đề án kia bao nhiêu tiền. Ví dụ về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực của vận tải công cộng bằng 1.700 tỷ đồng, tuyên truyền vận động và tổ chức lại giao thông khoảng 300 tỷ đồng.

Rõ ràng, kết cấu này rất phù hợp, rải ra trong 5 năm. Bình quân mỗi năm khoảng 400 tỷ. Tôi cho đây hoàn toàn không phải là con số lớn. Với thông điệp thông tin rất rõ ràng về từng dự án là bao nhiêu tiền, được công bố với HĐND, với người dân.

Rõ ràng, chúng ta hiện nay đang có những quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong đầu tư công, trong chi tiêu công thì HĐND Thành phố Hà Nội, người dân Hà Nội có thể giám sát quá trình thực hiện đó có đúng hay không. Họ giám sát xem, anh nói dự án này giúp giải quyết ùn tắc, có thể bớt đi 1 điểm ùn tắc hay bớt đi 3 điểm ùn tắc, thì anh làm xong có đúng như thế không?

Chúng ta hoàn toàn có thể giám sát. Tôi tin rằng, với sự vào cuộc rất sát sao của các cơ quan truyền thông thì người dân sẽ có được những thông tin, không chỉ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước của thành phố, có thông tin từ phía cơ quan truyền thông sẽ giúp cho người dân có nhiều thông tin đầy đủ hơn để giám sát, xem đề án này được HĐND thông qua, UBND thành phố Hà Nội và các sở ngành chức năng của Hà Nội có làm đúng đề án này hay không? Mục tiêu giải quyết ùn tấc giao thông trong từng dự án và của cả đề án có được thực hiện hay không?

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại.

VietNamNet