Rất nhiều bậc phụ huynh thừa nhận họ không biết phải chơi đùa với trẻ thế nào để cả nhà cùng cảm thấy vui vẻ, phấn khích và gắn kết. Cứ đến cuối tuần là ý tưởng cạn sạch vì đầu óc phụ huynh chỉ quanh quẩn với việc dọn dẹp nhà cửa, đi chợ cho cả tuần tới.
Sự thật là việc nghĩ ra trò chơi cho trẻ không quá khó như bạn vẫn tưởng. Nếu trời mát mẻ, trẻ cần chơi đùa ngoài nắng một chút còn bạn thì nhân tiện cũng muốn đốt chút calorie cho cơ thể thon gọn, hãy nghĩ đến những trò chơi vận động nhiều một chút. Một bí quyết tối thượng: Việc cả hai bố mẹ cùng tham gia cũng là một yếu tố đảm bảo sức hấp dẫn cho trò chơi nữa đấy!.
1. Trò người treo cổ. Hãy chuẩn bị một tờ giấy hoặc bảng xóa được để chơi trò này với trẻ. Trò chơi rất đơn giản: trẻ phải đoán từ dựa trên số ký tự của từ đó. Mỗi lần đoán sai thì giá treo cổ sẽ được vẽ thêm một nét của "người treo cổ". Tất nhiên, thông qua trò chơi, trẻ sẽ học được cách giải mã từ cũng như đánh vần chuẩn xác. Một trò chơi điển hình của vừa vui vừa học.
2. Trò đóng băng: Cả nhà phải gọi tên một con vật hoặc loại quả bất kỳ trong một khoảng thời gian cực ngắn, nếu không sẽ bị đóng băng và loại khỏi cuộc chơi.
3. Chơi Trốn tìm trong bóng tối. Trẻ con cực kỳ thích trốn tìm và việc chơi trò này ban đêm sẽ khiến tất cả mọi người đều thấy vui vẻ. Hãy chuẩn bị đèn pin và chơi ở một nơi mà bạn đảm bảo an toàn 100% nhé.
4. Chơi đồ hàng: Bạn có thể tự làm những món ăn đồ chơi đủ màu, đủ hình dạng bằng các khuôn cắt bánh quy và hướng dẫn trẻ tham gia một số khâu.
5. Chơi bóng: Dù là bóng đá, bóng chày, bóng rổ - miễn là bóng đều được. Rất đơn giản, rẻ tiền nhưng niềm vui thì cực kỳ nhiều.
6. Làm máy bay giấy: Trẻ (cả trai lẫn gái) đều thích có một hạm đội bay riêng của mình. Hãy khuyến khích trẻ trang trí cho hạm đội bằng màu sắc, logo và hình vẽ của riêng chúng.
7. Chơi với bóng bay: Có rất nhiều trò vui với bóng bay, từ giữ cho quả bóng thăng bằng trên thìa, làm trống cho đến dùng bóng bay để tô màu và vẽ tranh...
8. Chơi trò: Giai điệu âm nhạc. Bạn có thể chơi một vài nốt nhạc bằng đàn rồi đố trẻ đoán xem đó là ca khúc/nhạc phẩm nào.
9. Xây trường: Một ngôi trường có thể được dựng lên chỉ từ các tạp chí cũ. Bạn có thể cắt các bức hình rồi dán chúng lên trên giấy thường, giấy bìa hoặc các tờ poster lớn.
10. Show rối: Hãy đeo rối vào ngón tay rồi nấp sau ghế bành. Hãy nghĩ ra một kịch bản thật vui nhộn nhé.
11. Đi tìm kho báu. Ai mà không thích trò săn tìm kho báu cơ chứ? Hãy chuẩn bị vài phần thưởng đơn giản, vẽ ra một tấm bản đồ để trẻ tìm đường. Sẽ cực vui khi quan sát trẻ phối hợp cùng nhau trong việc suy đoán các manh mối đấy.
12. Thu thập đá, lá khô và các loài côn trùng. Tập hợp "bộ sưu tập" và cùng trẻ phân tích màu sắc, hình dáng cũng như sự khác biệt giữa các vật đó.
13. Đi công viên. Trẻ sẽ có một khoảng không gian xanh rộng rãi để nô đùa, chạy nhảy. Các ông bố có thể chơi bóng đá hoặc uống bia cùng nhau, trong khi các bà mẹ chuẩn bị xúc xích, thịt bbq bên bếp than và tám chuyện rôm rả.
14. Tổ chức cuộc đua: Trẻ con, từ đứa bé nhất cho đến lớn đùng, không đứa nào là không thích ganh đua. Ta có thể chạy đua, đua xe đạp, đua xem ai bò nhanh nhất, đua đi giật lùi... nói chung là bất cứ trò gì mà bạn nghĩ được.
15. Cùng trẻ nướng bánh quy. Dù bạn không coi nướng bánh là một trò chơi, nhưng trẻ lại nghĩ vậy. Hãy để chúng cân các nguyên vật liệu, giữ bát trộn, đập trứng... Hãy để chúng được bừa bộn và dính bột một chút.
16. Thủy chiến. Hãy chuẩn bị những chai nhựa rỗng, súng nước, xô, bình xịt... bất cứ thứ gì có thể giữ nước mà an toàn. Hãy khoác lên người áo chống nước và chơi thôi.
17. Làm thiệp tặng gia đình hoặc bạn bè? Người quen hoặc gia đình bạn có ai đang bị ốm hoặc buồn bã ư? Hãy cùng trẻ ngồi xuống và tự làm những tấm thiệp ý nghĩa để động viên họ.
18. Cắm trại trong phòng khách với lều, đồ ăn vặt và những câu chuyện thú vị.
19. Nhảy dây cùng nhau. Hãy dạy trẻ những ca khúc bạn từng hát khi nhảy dây hồi bé.
20. Đạp xe hoặc đi dạo cùng trẻ. Trẻ thích được ra ngoài hít thở khí trời. Hãy đi cùng cả nhà là tốt nhất, vừa vui lại vừa an toàn.
21. Thả diều.
Thiên Ý