Hôm nay, ngày 4/7/2017, Bộ Y tế đã tổ chức lễ kết nối kỹ thuật hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện 9 nhóm thủ tục hành chính của Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế (Nghị định 36), với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc.
Trong phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế (TTB&CTYT) - Bộ Y tế cho biết, ngày 15/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 36, văn bản pháp lý quan trọng quy định riêng về việc quản lý trang thiết bị y tế. Tại Nghị định này, Chính phủ quy định 9 nhóm thủ tục hành chính bao trùm lên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu, kiểm định, hiệu chuẩn…. quản lý chất lượng hàng hóa trang thiết bị y tế lưu thông tại Việt Nam.
Các thủ tục hành chính này đều được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, công khai, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh mua bán, lưu thông hàng hóa thuận lợi và chặt chẽ trong quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế theo chủ trương của Chính phủ.
Nghị định 36 cũng quy định lộ trình áp dụng đối với 9 nhóm thủ tục hành chính, gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, từ ngày 1/7/2017 bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đối với nhóm thủ tục tiếp nhận công bố tại Bộ Y tế, Sở Y tế và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2017; giai đoạn 2, từ ngày 1/7/2017, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ 5 nhóm thủ tục hành chính còn lại về đăng ký lưu hành, kiểm định hiệu chuẩn, tư vấn trang thiết bị y tế… và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Ông Tuấn cũng cho hay, việc triển khai xây dựng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện 9 nhóm thủ tục hành chính của Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị y tế đã được Vụ TTB&CTYT phối hợp với Văn phòng Bộ Y tế, các Vụ, Cục liên quan cùng đơn vị tư vấn thực hiện theo đúng lộ trình Chính phủ quy định, với mục tiêu ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính; đơn giản hóa phương thức khai báo, tiếp nhận hồ sơ; công khai, minh bạch đối với các thủ tục liên quan trong công tác quản lý trang thiết bị y tế.
Cụ thể, với giai đoạn 1 từ ngày 1/1/2017, Bộ Y tế đã triển khai thành công Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 4 nhóm thủ tục tiếp nhận công bố tại Bộ Y tế và các Sở Y tế, đã tiếp nhận được khoảng 1.200 hồ sơ công bố của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trang thiết bị y tế tại Việt Nam.
“Đến nay, cơ bản Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện 5 nhóm thủ tục hành chính còn lại của Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị y tế đã hoàn thành; đã tiến hành phổ biến, đào tạo cho tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế trên toàn quốc và đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trang thiết bị y tế như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…”, ông Tuấn cho hay.
Với sự kiện kết nối kỹ thuật hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện 9 nhóm thủ tục hành chính của Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị y tế được tổ chức chiều nay, ngày 4/7/2017, hệ thống dịch vụ công trực tuyến này sẽ được triển khai rộng rãi với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực trang thiết bị y tế tại Việt Nam qua Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ: http://dmec.moh.gov.vn.
Đại diện Vụ TTB&CTYT - Bộ Y tế cho biết, với hệ thống dịch vụ này, quy trình tiếp nhận hồ sơ công bố, đăng ký, đề nghị cấp phép được đơn giản hóa, công khai, minh bạch và tiện lợi cho các doanh nghiệp tham gia. Các tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo và gửi hồ sơ liên quan đến quy định quản lý trang thiết bị y tế lên hệ thống và thực hiện thanh toán lệ phí trực tiếp mà không phải đến cơ quan quản lý nộp hồ sơ và chờ đợi như cách làm sử dụng hồ sơ giấy trước đây; các công đoạn hoàn toàn được thực hiện qua mạng và qua hệ thống ngân hàng thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp, tổ chức có thể theo dõi được các giai đoạn xử lý và tình trạng hồ sơ mà đơn vị mình đã nộp; giúp tiết kiệm thời gian, công sức và kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.
Ngay sau khi nhận được hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ dễ dàng kiểm tra, thẩm định các hồ sơ trên hệ thống và nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong hoạt động xử lý hồ sơ. Hơn nữa, toàn bộ hồ sơ được quản lý tập trung, đảm bảo tính chính xác, bảo mật và dễ dàng tra cứu, theo dõi phục vụ mục tiêu quản lý.
Chia sẻ tại sự kiện, đại diện Công ty Siemens Y tế Việt Nam - một doanh nghiệp đã tham gia sử dụng hệ thống cho biết, việc áp dụng CNTT vào 9 nhóm thủ tục này kể từ ngày đầu tiên được phép nộp hồ sơ theo Nghị định 37 (ngày 1/1/2017) đã giúp giảm đáng kể khối lượng công việc, thời gian, công sức và tiền bạc cho doanh nghiệp. Nếu không có hệ thống CNTT này, Công ty Siemens Y tế Việt Nam ước tính sẽ phải tuyển dụng gấp đôi số nhân viên hiện tại nếu hồ sơ phải nộp bằng bản in.
"Hồ sơ được nộp trực tuyến còn đảm bảo tính minh bạch, công khai, dễ dàng trong truy xuất, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính. Đây là điều mà các công ty nước ngoài vô cùng quan tâm và đánh giá cao. Chúng tôi có thể theo dõi quá trình nộp, thẩm định, đánh giá hồ sơ và truy xuất khi cần thiết. Chúng tôi cũng có thể nộp hồ sơ bất kì khi nào mình muốn, thủ tục thanh toán cũng rất thuận tiện, nhanh gọn”, đại diện Công ty Siemens Y tế Việt Nam nói.
Cũng theo đại diện Vụ TTB&CTYT - Bộ Y tế, dự kiến trong thời gian tới, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 4 thực hiện 9 nhóm thủ tục hành chính của Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị y tế sẽ được kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, theo chủ trương của Chính phủ về việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.