Diện mạo mới của các ngân hàng
Những ngày cuối năm 2023, ngành ngân hàng Việt Nam đón nhận một ngân hàng lạ mà quen: Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).
PGBank là thương hiệu quen thuộc nhưng trong diện mạo mới được viết tắt từ “Prosperity and Growth Commercial Joint Stock Bank”. Sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái vốn hoàn toàn khỏi ngân hàng, nhóm cổ đông với 3 pháp nhân được cho là thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Thành Công thế chân Petrolimex.
Tại lễ ra mắt thương hiệu mới đồng thời kỷ niệm 30 năm thành lập có sự hiện diện của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công. Tại đây, lần đầu tiên Thành Công chính thức được giới thiệu là “đối tác chiến lược” của PGBank.
Cũng trong tháng 12/2023, Ngân hàng TMCP Bản Việt chính thức đổi tên tiếng Anh từ VietCapital Bank thành BVBank, đồng thời ra mắt logo mới, nhận diện thương hiệu mới đúng dịp kỷ niệm 31 năm thành lập.
Năm 2023 còn chứng kiến sự thay đổi một cách rầm rộ của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt với việc thay đổi logo, bộ nhận diện thương hiệu, và tên viết tắt từ LienVietPostBank sang LPBank.
Thay đổi từ bên trong
Tất nhiên, các ngân hàng không chỉ dừng lại ở việc thay đổi diện mạo bên ngoài. Theo chia sẻ của đại diện BVBank, cùng với sự thay đổi logo mới, BVBank cũng không ngừng nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích dành cho khách hàng như: liên tục mở rộng mạng lưới (số lượng đơn vị kinh doanh tăng gần 50% so với 5 năm trước, phủ rộng 31 tỉnh/ thành cả nước), ra mắt ứng dụng DigiBiz dành cho khách hàng doanh nghiệp,... số lượng khách hàng tăng trưởng trung bình mỗi năm hơn 50%.
Tại LPBank, với mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, ngân hàng đang xúc tiến triển khai đồng loạt nhiều dự án trọng điểm như: Chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi theo giải pháp T24 do Tập đoàn Temenos của Thụy Sỹ cung cấp, triển khai nền tảng Quản trị dữ liệu Datalake/DataWarehouse, giải pháp thanh toán (Payments), giải pháp Treasury (front-to-back), nền tảng ngân hàng hợp kênh (Omni channel)... giúp ngân hàng dễ dàng thiết kế các sản phẩm - dịch vụ sáng tạo hơn, tiếp cận thị trường nhanh hơn với chi phí thấp hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng có tiềm lực tài chính hùng mạnh như VPBank, Techcombank, hay nhóm ngân hàng Big4 cũng đã và đang cho thấy tham vọng lớn trong tiến trình chuyển đổi số.
Sau thành công của chiến dịch Zero Fee, Techcombank tiếp tục đầu tư cho số hóa và triển khai chính sách Cloud-first. Đây là chính sách nhằm khai thác thế mạnh của điện toán đám mây để chuyển đổi số hóa hệ thống dữ liệu, hướng đến mục tiêu tăng cường bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong giao dịch và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.
Techcombank, VPBank hay Vietcombank,... cũng là những nhà băng tiên phong trong việc ứng dụng hình thức thanh toán không tiền mặt với Google Pay và sau này là Apple Pay. Đặc biệt VPBank mới đây đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ra mắt hình thức thanh toán một chạm Garmin Pay trên các thiết bị đồng hồ thông minh của Garmin.
Với việc bổ sung thêm giải pháp thanh toán Garmin Pay vào hệ sinh thái thanh toán một chạm, VPBank trở thành ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cung cấp toàn diện và trọn bộ giải pháp ví thanh toán Tap & Pay không giới hạn trên hệ điều hành Android hay IOS (gồm Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay, VP Pay và Garmin Pay).
Bên cạnh đó, một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn như NCB cũng cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ cho nền tảng công nghệ, giải pháp và sản phẩm, dịch vụ. Năm 2023, nhà băng này đã có bước đi mang tính bước ngoặt khi ký kết hợp tác với đối tác tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới nhằm triển khai chiến lược mới cho ngân hàng giai đoạn 2023-2028 và trong dài hạn.
Những chuyển đổi của NCB đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Năm 2023, ngân hàng ghi nhận tốc độ phát triển khách hàng nhanh nhất trong vài năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê, quy mô khách hàng tại NCB trong 9 tháng đầu năm tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu đạt quy mô 1 triệu khách hàng trong năm 2023.
Với hàng loạt đổi mới mang tính toàn diện và đồng bộ, các ngân hàng Việt đã khẳng định năng lực cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường và sẵn sàng cho việc bứt phá trong giai đoạn sắp tới.
Tại Nghị quyết HĐQT ngày 13/12/2023 về việc thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ, NCB sẽ tăng vốn điều lệ từ 5.600 tỷ đồng lên gần 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó ngân hàng dự kiến chi 200 tỷ đồng cho việc xây dựng nhận diện thương hiệu trong giai đoạn 2024-2025. |