Nhân 100 năm thành lập đảng Cộng sản, Bắc Kinh tuyên bố: “Thời đại mà đất nước Trung Quốc bị tàn sát, ức hiếp và chịu nhục vĩnh viễn không còn nữa; Trung Quốc không những có thể phá bỏ một thế giới cũ mà còn tạo ra thế giới mới và cảnh báo bất kỳ ai không được đánh giá thấp quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định và sức mạnh vĩ đại của nhân dân Trung Quốc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Trung Quốc tăng cường quy mô và tần suất hiện diện của tàu cảnh sát biển |
Lưỡng hội Trung Quốc thông qua Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, khẳng định mục tiêu “tăng cường nghiên cứu, đấu tranh pháp lý, tăng cường xây dựng cơ quan tài phán trên biển, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển của đất nước”.
Nội luật hóa toàn Biển Đông
Trung Quốc đang thể hiện xu thế nội luật hóa toàn Biển Đông, hướng đến triển khai đồng bộ và toàn diện tam chủng chiến pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý và tuyên truyền.
Cụ thể, Bắc Kinh ban hành các văn bản quốc gia yêu sách các vùng biển không theo luật quốc tế; Nội luật hóa, áp đặt các quy định và biện pháp hành chính nội bộ để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông; Trên cơ sở pháp lý được tạo ra bởi luật trong nước, tiến hành các biện pháp kiểm soát, khống chế và làm chủ thực địa.
Khi bị phản ứng, họ có cơ sở pháp lý để sẵn sàng sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ngăn cản hoạt động của các nước khác tại các khu vực trong phạm vi “các vùng nước thuộc quyền tài phán quốc gia”; Gây sức ép với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đi vào hợp tác theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Nhằm mở rộng quyền hạn thực thi pháp luật của lực lượng chấp pháp trên biển và xử lý hoạt động của các nước khác trên Biển Đông được cho là vi phạm các vùng biển thuộc quyền tài phán của mình, Trung Quốc lần lượt công bố: Giấy chứng nhận Chấp pháp hải cảnh Trung Quốc, quy định về quản lý nghề cá đại dương (sửa đổi), cơ chế quản lý, giám sát biển của Trung Quốc, luật Quốc phòng (sửa đổi), luật Hải cảnh, luật An ninh hàng hải sửa đổi.
Các luật này đi cùng yêu sách “Tứ Sa”, các văn bản hành chính: “Danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo, đá trên Biển Đông”; và “55 thực thể địa lý dưới đáy Biển Đông”; Thành lập "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam ban hành trong năm 2020 làm cơ sở củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Sina |
Luật Cảnh sát biển, có hiệu lực từ 1/2 và luật An ninh hàng hải sửa đổi có hiệu lực 1/9 đều cho phép áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kể cả sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền nước ngoài vi phạm các vùng biển thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Khái niệm này chưa bao giờ được xác định bằng luật và được giải thích một cách mơ hồ, dựa trên cơ sở của yêu sách đường 9 đoạn, và yêu sách Tứ Sa, bao gồm trên 80% diện tích Biển Đông nên gây ra sự lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế.
Sau khi mở rộng trái phép các bãi nửa nổi nửa chìm chiếm đóng ở Trường Sa của Việt Nam thành các căn cứ quân sự, Trung Quốc bắt đầu tăng cường quy mô và tần suất hiện diện của tàu cảnh sát biển, nghiên cứu khoa học biển và dân binh biển ở Biển Đông. Hải Dương Địa chất 8, 9, 10, 11, 12, Gia Canh, Hướng Dương Hồng 3, 10, 14, Hải Đại Hiệu và nhiều tàu khác liên tục quần phá các vùng biển Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cho đến ranh giới đường 9 đoạn phi pháp.
Ngoài tàu hải cảnh, Trung Quốc lần đầu tiên cho 16 máy bay xâm nhập vào vùng thông báo bay (FIR) do Malaysia quản lý. Tần suất các cuộc tập trận cũng tăng lên đáng kể tại Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhất là diễn tập đổ bộ chiếm đảo. Trong 6 tháng của năm nay, Trung Quốc thực hiện 26 cuộc tập trận trên biển (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái), 22 cuộc tập trận trên không, cao hơn 5 cuộc so với cùng kỳ năm 2020, hơn 17 cuộc so với cùng kỳ năm 2019, hơn 21 cuộc so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng tháng 8 đã có 4 cuộc tập trận lớn nhằm đáp trả hoạt động của nhóm QUAD ngoài khơi đảo Guam. Dân binh biển của Trung Quốc thường xuyên tụ tập tại các thực thể chưa chiếm đóng ở Trường Sa như vụ đá Ba Đầu. Tàu sân bay thứ 3 dự tính sẽ hoàn thành vào đầu năm tới, tăng cường sức mạnh của Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.
Phản ứng của các nước ASEAN
Năm 2021 đánh dấu sự “cứng rắn hơn” của các quốc gia ASEAN. Malaysia đã có phản ứng ngoại giao trong vụ 16 máy bay của Trung Quốc xâm nhập FIR Malaysia 1 ngày sau khi sự việc xảy ra, trong khi phản ứng với vụ Trung Quốc điều HD-8 đến EEZ của Malaysia năm 2020 sau 1 tuần. Malaysia cũng công khai việc triệu Đại sứ Trung Quốc lên phản đối sự hiện diện của tàu thuyền Trung Quốc trong vùng biển của họ.
Không quân Malaysia vào tháng 5 đã phát hiện một nhóm 16 máy bay Trung Quốc, đa số thuộc 2 dòng máy bay vận tải quân sự là Xian Y-20 và Ilyushin Il-76 tiến sát bờ biển Borneo, bang Sarawak phía đông Malaysia. Ảnh: THX |
Brunei lần đầu công bố Sách trắng Quốc phòng sau 10 năm, lần đầu đề cập UNCLOS và nhắc lại 10 lần cụm từ “trật tự quốc tế/toàn cầu dựa trên luật lệ”. Philippines cũng quay trở lại khẳng định giá trị của phán quyết và gia hạn Hiệp ước về các lực lượng thăm viếng VFA - quy định sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines.
Đáng chú ý, Philippines đưa cả vấn đề giá trị của phán quyết lên diễn đàn phát biểu tại Đại hội đồng LHQ tháng 9 và phản ứng mạnh tuyên bố của ông Tập Cận Bình ngày 28/11 trong buổi nâng cấp đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN rằng Trung Quốc không tìm kiếm bá quyền, không cậy lớn ức hiếp bé khi phản đối việc tàu hải cảnh Trung Quốc dùng súng phun nước tấn công các tàu tiếp tế của họ ở Trường Sa.
Tuy nhiên, ASEAN chưa thể hiện được lập trường chung đi xa hơn các tuyên bố Chủ tịch tại các khóa họp 36 và 37 của Hiệp hội vào năm 2020.
COC và triển vọng
Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là một sáng kiến tập thể của ASEAN nhằm ngăn ngừa xung đột mở rộng. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán gần đây cho thấy ASEAN mất dần quyền chủ động trong đàm phán COC. Trung Quốc mới là bên định hình cuộc chơi, định thời gian kết thúc và nội dung chấp nhận.
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 7/6 tổ chức tại Trùng Khánh, Trung Quốc nhằm kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác đã ra tuyên bố “ASEAN và Trung Quốc cùng cam kết đẩy nhanh nối lại đàm phán văn kiện COC thông qua các hình thức trực tuyến, “hướng tới hoàn tất sớm một bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Hội nghị đã khẳng định quyết tâm hoàn thành lộ trình 3 năm đàm phán COC 2018-2021 bất kể những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong chuyến công du Campuchia tháng 9, Ngoại trưởng Vương Nghị đã hé lộ khả năng kết thúc đàm phán vào năm 2022 tại Phnom Penh, nơi DOC đã được ký 20 năm trước.
Các đề xuất chi tiết để kiểm soát hành vi thái quá của các bên ở Biển Đông bị bác bỏ khi Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông vẫn đang được kiểm soát và luôn duy trì 2 đề xuất mới: Hoạt động thăm dò và phát triển dầu khí trong các vùng nước tranh chấp chỉ có thể được các quốc gia ven Biển Đông thực hiện mà không có sự hợp tác của các công ty nước ngoài khu vực; Các bên thành viên COC không được tiến hành các hoạt động diễn tập quân sự với nước ngoài trừ khi các quốc gia hữu quan được thông báo và không phản đối.
Các đề xuất này rõ ràng không tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán trên biển của các nước ở Biển Đông, buộc họ chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” trên chính vùng biển của mình, chấp nhận sự triển khai lực lượng quân sự và hiện diện của các công ty Trung Quốc trong mọi lĩnh vực hoạt động biển ở Biển Đông, đồng thời qua đó giảm bớt ảnh hưởng của các nước ngoài khu vực và phủ nhận diễn tập quân sự của các nước trong khu vực với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Malaysia đã phản ứng cho rằng “COC không được ảnh hưởng tới quyền và khả năng của các bên tiến hành các hoạt động với các nước khác hoặc với các công ty tư nhân mà họ lựa chọn”.
Ấn Độ yêu cầu cần có sự tham dự của các nước thứ 3 vào tiến trình đàm phán COC. Để đạt được một COC thực chất và hiệu quả, ASEAN cần thể hiện một lập trường độc lập và mạnh mẽ. ASEAN cần thể hiện vai trò trung tâm của mình khi ngày càng xuất hiện nhiều cơ chế quốc tế mới như QUAD, AUKUS hay sự tham gia của Trung Quốc vào CPTPP.
* Kỳ tới: 5 năm phán quyết Biển Đông và cuộc chiến công hàm
Nguyễn Hồng Thao
Phần 1: Biển Đông trong cạnh tranh Mỹ - Trung 2021
Năm 2021 có thể được ghi nhận như một năm tạo ra bước ngoặt trong cạnh tranh ở Biển Đông, giữa các nước có tranh chấp và các nước ngoài khu vực với Trung Quốc.