{keywords}

- Chị làm gì những ngày Tết?

Chúng tôi đành cáo lỗi với khán giả Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi vì Liên hoan Kịch nói toàn quốc vừa khép lại thì Tết đã đến gần kề. Chúng tôi không cách nào kịp tập lại vở cũ, chứ đừng nói vở mới. Tôi sẽ mở lại sân khấu vào cuối tháng 2.

Nhà tôi có đại tang, không đến nhà người khác được. Đây cũng là Tết đầu tiên vắng ông bà nên vợ chồng tôi không muốn để nhà cửa lạnh lẽo, thiếu hương khói những ngày Tết. Vì thế, chúng tôi dự tính đi chơi một vài ngày nào đó từ mồng 5 trở đi.  

Gia đình tôi có truyền thống cùng nhau lau dọn nhà cửa, mua sắm đồ Tết, chuẩn bị các món ăn Tết và đặc biệt là nấu bánh chưng. Hằng năm cứ cận Tết, cả nhà tôi lại quây quần gói, nấu 70 - 80 cái bánh chưng ngay trước sân nhà.

Nhiều năm trước mẹ còn khỏe, bà một tay gói bánh. Khi bệnh yếu, mẹ vẫn ngồi chỉ đạo các con từng chút một. Dần dà, mẹ không ngồi nổi nữa...

Hồi xưa, mẹ không tin tưởng giao việc gói bánh cho ai. Một mình bà tự tay gói cả trăm cái bánh, chúng tôi chỉ phụ việc suốt hơn 20 năm trời. Năm 21 tuổi, có lần tôi tước lá dong thì mẹ nhìn chằm chằm rồi nói: "Con Chi coi bộ khéo tay". Thế là tôi được mẹ cho gói thử bánh nhỏ rồi bánh lớn. Sau khi lấy chồng, anh là người thứ hai được mẹ cho gói bánh.

Mẹ không còn, tôi cũng bắt đầu dạy các con mình gói bánh. Bé lớn đã ý thức được ý nghĩa của việc gói bánh chưng, cứ khoảng 26 - 27 Âm lịch là ở nhà gói bánh. Bé gói đẹp nhưng chưa chắc tay lắm. Bé nhỏ còn ham chơi, chưa tập trung. Tôi nói với con gái lớn: "Sau này mẹ già yếu, con sẽ thay mẹ gói bánh giống như mẹ thay bà ngoại vậy". Tôi muốn giữ truyền thống này đến thế hệ sau.

Không khí Tết tươi đẹp và hồ hởi nhất chính ở những ngày này. Vợ chồng tôi gói bánh chưng, các con ở bên phụ ba mẹ. Đêm 30 những năm xưa khi mẹ còn, cả nhà chúng tôi quây quần ăn cơm, lì xì và chúc Tết nhau. Không khí đó rất ấm cúng, tôi không thể nào quên được.

{keywords}

- Chị nhìn lại năm sóng gió vừa qua của mình ra sao?

Tôi chưa từng trải qua năm nào nhiều sóng gió như 2021. Ba mẹ chồng và mẹ ruột của tôi lần lượt qua đời. Lần đầu tiên trong sự nghiệp, tôi bị bôi nhọ, xúc phạm danh dự nặng nề; bị người mình từng giúp đỡ vu oan. Khi năm cũ tưởng chừng sắp qua đi, tôi lại mắc Covid-19. Quá nhiều chuyện đã xảy ra...

May mắn, các sóng gió trải đều xuyên suốt năm thay vì ập đến cùng lúc nên tôi không gục ngã. Mặt khác, vợ chồng chúng tôi đã biết trước việc ba mẹ sẽ ra đi. Ông bà đã đau bệnh nặng nhiều năm nay. Chúng tôi rất đau, dù chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng không ai nghĩ 3 người mất cùng một năm như vậy!

Ông xã là người vững tâm lý. Anh luôn ở bên, cho tôi nhiều lời khuyên mang tính gợi mở. Lúc tôi hứng chịu công kích và bị stress, anh chỉ nói nhẹ nhàng: "Có gì đâu em, không làm nghệ thuật thì mình làm cái khác" làm tôi thấy mọi thứ không nghiêm trọng nữa.

- Sau tất cả, chị có còn tha thiết hai chữ “từ thiện”?

Từ những chuyện xảy ra, tôi thấy hoạt động từ thiện nhạy cảm và phức tạp hơn mình từng nghĩ. Nhờ luôn công khai mọi hoạt động mà tôi giữ được lòng tin với các nhà hảo tâm và khán giả sau sóng gió.

Dù vậy, tôi biết công khai, minh bạch thôi chưa đủ, còn phải chuyên nghiệp. Nghệ sĩ chúng tôi có sức ảnh hưởng để kêu gọi từ thiện nhưng thường cảm tính. Điểm này cần thay đổi. Chỉ khi làm đúng quy định pháp luật, nghệ sĩ mới được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.

Từ thiện là duyên, không phải ai cũng làm được. Tôi mong sẽ có nhiều nghệ sĩ đủ quyết tâm để theo đuổi hoạt động từ thiện đúng quy định pháp luật.

{keywords}

Tôi đang tạm ngưng hoạt động thiện nguyện để cân nhắc liệu mình đủ khả năng đi đường dài không, quy định pháp luật có bảo vệ tôi không, bối cảnh xã hội thế nào... Tôi không giận dỗi kiểu "Tôi không làm từ thiện nữa, đã cống hiến cho xã hội còn bị chửi", đó là phản ứng tự ái rất trẻ con.  

Quỹ "Chăm lo nghệ sĩ" của tôi đã giúp đỡ rất nhiều anh chị em, cô chú nghệ sĩ trong năm qua. Tôi không kêu gọi quyên góp nữa, thay vào đó sẽ trích một phần thu nhập của mình cũng như vận động gia đình, bạn bè, người thân đóng góp quỹ. Vì vậy, có bao nhiêu tôi sẽ làm bấy nhiêu.  

- Làm từ thiện mang đến chị cảm giác hạnh phúc, khi bị người mình từng giúp ứng xử tráo trở thì sao?

Hôm hay tin bị một nghệ sĩ mình từng giúp đỡ tố cáo nhập nhằng tiền bạc, tôi đang ở phim trường. Tay tôi cầm điện thoại cứ vô thức run lên. Tắt điện thoại, lòng tôi rối rắm, không thể tập trung cho cảnh quay. Lúc đó, tôi vẫn nửa tin nửa ngờ. Phải đến khi xem video vợ chồng họ nói về mình những lời thậm tệ, tôi mới tin là sự thật. Tôi thấy ê chề. Lòng tốt của tôi bị chà đạp, tổn thương khủng khiếp.

Tôi nhanh chóng lấy lại cân bằng, xử lý mọi việc. Tôi không đôi co trên mặt báo. Tôi chỉ trả lời chính thức khi họ đến gặp trực tiếp hoặc đưa vụ việc ra pháp luật. Dù sau này thế nào đi nữa, tôi vẫn nhớ lúc anh ấy bật khóc xúc động khi nhận tiền khán giả gom góp cho mình. Mọi chuyện tiếp theo, từ đây ai cứ sống đời nấy thôi.

- Nếu không làm từ thiện, hẳn chị luôn bình yên vì lĩnh vực sân khấu vốn nằm ngoài showbiz xô bồ?

Tôi là nghệ sĩ nên luôn xem chuyện có người thương, kẻ ghét là hiển nhiên. Hồi đóng Hoán nhân tâm, Dì ghẻ,... tôi từng bị chửi tan nát, có người còn dọa "gặp đâu đánh đó".

Suốt giai đoạn lùm xùm trên mạng, tôi không đọc các bình luận chửi bới. Tôi biết nếu đọc, mình sẽ bị ám ảnh. Ông xã thường đọc phản ứng của dư luận, chỉ chia sẻ lại với tôi những gì cần thiết. Anh nói: "Em không nên đọc những bình luận vô văn hóa, để dành tinh thần làm việc". Nhờ vậy, tôi ít bị ảnh hưởng bởi những lời mắng chửi.

Tình cảm của con người dễ thay đổi. Sau khi chửi chán chê, nếu họ nhận ra tôi sống đúng, làm đúng sẽ thương lại thôi.

- Chị đã bao giờ từng nghĩ đến việc từ bỏ sân khấu?

Điều hành sân khấu rất khác kinh doanh. Bất cứ ông, bà bầu nào mở sân khấu đều là tâm huyết lớn nhất đời họ. Sân khấu với chúng tôi là nghiệp, là đam mê ăn vào máu của mình. Nên nếu phải đóng cửa sân khấu, chúng tôi sẽ hụt hẫng lắm vì mất mát rất nhiều thứ thuộc về mình.

Hai năm không hoạt động sân khấu, tôi luôn nhớ nhung quãng thời gian dựng 15 vở kịch trong một năm thời mở sân khấu. Tâm trí tôi quanh quẩn cảnh sân khấu đông đúc, các diễn viên đến sân khấu tôi thế nào, vì tôi mà lăn xả ra sao,... Nếu phải đóng cửa, tôi sẽ lấy đi rất nhiều nhiệt huyết, đam mê, những giấc mơ của họ. Nghĩ thôi đã đau lòng. Ông, bà bầu chỉ buông tay sân khấu khi ở đường cùng.

{keywords}

- Ông xã hỗ trợ chị thế nào?

Anh không bao giờ để tôi phải mở miệng xin tiền! (cười lớn) Ông xã tôi là dân kinh doanh, kế toán thuế sân khấu tôi do anh quản lý nên anh luôn biết tôi thiếu bao nhiêu tiền.

Hồi trước, hai vợ chồng đã bàn bạc với nhau chuyện mở sân khấu. Anh thích vợ có sân khấu riêng để làm những điều mình muốn. Anh nói: "Em cứ mở sân khấu đi, xác định 2 năm lỗ nha. Miễn em vui là được".

Dù vậy, tôi không xem việc anh bù lỗ cho mình là hiển nhiên. Việc thoải mái rút tiền chồng cho công việc của mình rất vô lý. Tôi luôn cố gắng giữ sân khấu không lỗ nhiều, tránh ảnh hưởng công việc kinh doanh của ông xã. Ít nhất, tôi muốn anh thấy mình đã nỗ lực thế nào.  

Câu "Làm nghệ thuật vì đam mê, không màng tiền nong" không đúng. Đam mê phải đi đôi kinh tế nếu muốn đi đường dài. Sân khấu có thể không sinh lợi nhuận nhưng phải có tiếng tăm, tạo ra giá trị nghệ thuật.

- Trịnh Kim Chi qua tuổi 50 vẫn da căng, dáng thon, bí quyết là gì?

Nhiều người nghĩ tôi đi căng da, dao kéo cho trẻ ra. Sự thật tôi nhìn trẻ hơn tuổi nhờ... may mắn. Tôi không ngại chuyện làm đẹp nhưng hiện tại chưa cần. Tôi làm việc cả ngày, rất thiếu thời gian chăm sóc bản thân. Mỗi tối, tôi chỉ thoa đúng một lớp dưỡng ẩm rồi ngủ. Tôi mở spa mà cả năm không ghé làm đẹp một lần.

Đó là lý do tôi nói mình hên. Là một nghệ sĩ, tôi từng có những hôm khóc cả ngày ở phim trường, đến tối tiếp tục khóc trên sân khấu. Tôi lại không chăm sóc cơ thể nhiều, không tập thể dục mà vẫn không quá già so với tuổi 51.

Gia Bảo
Ảnh và clip: Bảo Hòa
Thiết kế: Trọng Tạo