Những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong nước chính là tiền đề để phát huy vai trò và vị thế tại các diễn đàn đa phương về quyền con người. Trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người, trong đó nổi bật là việc Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, đồng thời gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về quyền thương lượng tập thể.
Các kết quả về bảo đảm các quyền con người trên thực tế cũng được minh chức qua những con số thuyết phục. Theo Báo cáo của UNDP năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm Trung bình cao về Chỉ số phát triển con người (thứ 116/189 quốc gia) và Chỉ số bình đẳng giới (đứng thứ 67/160 quốc gia).
Năm 2019, Việt Nam đã cải thiện đáng kể chỉ số đói nghèo trong bảng xếp hạng đói nghèo toàn cầu, cao hơn 1 số nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI) 2019 của Cơ quan viện trợ Concern Worldwide từ Ailen và tổ chức Welt Hunger Hilfe của Đức, Việt Nam đứng thứ 62, tăng hai bậc so với vị trí thứ 64 trên tổng số 119 nền kinh tế trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Với vai trò kép, chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội rộng mở, để bảo đảm tốt hơn nữa quyền của người dân. |
Không khí đổi mới, sáng tạo đang lan tỏa trong từng người dân và mọi vùng miền. Internet, công nghệ thông tin đã tiếp cận cả những vùng sâu, vùng xa. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đang đạt mức kỷ lục, với 129.868 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019. Nhiều tổ chức quốc tế đang đánh giá Việt Nam như một hình mẫu thành công về phát triển năng động và cho rằng hiếm ở đâu, mong muốn làm chủ cách mạng công nghệ 4.0 và khát vọng vươn lên lại rõ nét như ở Việt Nam.
Những thành quả bước đầu cho phép Việt Nam khẳng định được vai trò tại các diễn đàn đa phương cũng như thúc đẩy hiệu quả của các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương giữa Việt Nam và các đối tác. Trong năm 2019, Việt Nam đã tiến hành Đối thoại nhân quyền với Liên minh Châu Âu, Mỹ và Australia, trong đó tại Đối thoại với Australia (8/2019), lần đầu tiên, hai nước đã ra thông cáo báo chí chung.
Việt Nam đã chính thức tiếp quản vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020 trong buổi lễ chuyển giao dự kiến sẽ được tổ chức sau lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan. Việt Nam đã chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch 2020, với trọng tâm phát huy sức mạnh nội lực của Hiệp hội thông qua sự đoàn kết, liên kết với nhau, trong đó có gắn kết về kinh tế, về xây dựng cộng đồng cũng như sự gắn kết của mỗi quốc gia với cộng đồng trong sự phát triển lấy con người làm trung tâm.
Sáng 7-6, tại trụ sở LHQ ở thành phố New York của Mỹ (tức 21h tối cùng ngày, theo giờ Việt Nam), cuộc bỏ phiếu bầu ra các ủy viên không thường trực mới của HĐBA đã diễn ra. Đây là một phần trong kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Có tổng cộng 6 thùng phiếu được theo dõi bởi 6 nhân viên và 6 đại diện đến từ các quốc gia thành viên LHQ. Sau quá trình bỏ phiếu và 40 phút kiểm phiếu, chủ tịch Đại hội đồng LHQ đã công bố Việt Nam chính thức trở thành ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Kết quả cho thấy có tổng cộng 192/193 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu cho Việt Nam- ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương tranh cử nhiệm kỳ 2020-2021.
Với vai trò kép, chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội rộng mở. Đây là dịp để Việt Nam tận dụng phát huy hơn nữa vị thế quốc gia trên trường quốc tế, nắm lấy những cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tạo điều kiện để bảo đảm tốt hơn nữa quyền của người dân. Tất nhiên, để biến những cơ hội này thành kết quả thực tế, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa, cả về hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền con người, cũng như trong triển khai những bước đi cụ thể. Đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình then chốt.
Để có những bước chuyển mình thành công và tiến lên một giai đoạn phát triển mới sẽ cần sự nỗ lực tổng lực của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hiệp hội và mỗi người dân.
Thu Thủy