Ngày 5/12 (giờ địa phương), nhà chức trách Canada thông báo đã tạm giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Bà có thể bị dẫn độ về Mỹ vì nghi ngờ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. Huawei phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào của bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi.
Huawei, công ty cung ứng thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai tính theo doanh số, đã phải trải qua một năm vất vả khi bị hàng loạt nước chặn đường làm ăn vì lý do an ninh quốc gia.
Cùng nhìn lại năm 2018 "buồn" của Huawei:
Hỏng thương vụ với AT&T
Huawei khởi đầu một năm không hề vui vẻ. Hi vọng nhà mạng AT&T bán smartphone Huawei tại Mỹ bị dập tắt vào tháng 1. Nếu thành công, đây sẽ là giao dịch đầu tiên của Huawei với một hãng viễn thông Mỹ nhưng tất cả tan vỡ vào phút cuối. Công ty tiếp tục bị phản đối tại thị trường lớn nhất thế giới, một phần vì các lo ngại công nghệ của hãng có thể bị chính phủ Trung Quốc lợi dụng nhằm thu thập thông tin tình báo. Cáo buộc này liên tục bị Huawei bác bỏ.
Tình báo Mỹ cảnh báo không dùng điện thoại Huawei
Đòn tiếp theo mà Huawei phải gánh chịu là vào tháng 2 khi tình báo Mỹ nói rằng công dân nước mình không nên dùng điện thoại Huawei. Các quan chức tình báo hàng đầu đã xuất hiện trước Hội đồng tình báo thượng viện và nói rằng Huawei và ZTE, một nhà sản xuất smartphone Trung Quốc khác, đe dọa rủi ro bảo mật với khách hàng Mỹ. Best Buy, một trong số ít nơi bán thiết bị Huawei tại Mỹ, nói sẽ ngừng bán chúng.
Quan chức Anh nêu “nguy cơ mới” từ Huawei
Các quan chức an ninh hàng đầu của Anh cảnh báo họ chỉ có thể “bảo đảm ở mức hạn chế” rằng thiết bị Huawei không đe dọa đến an ninh quốc gia. Trong báo cáo thường niên phát hành tháng 7, một tổ chức giám sát của chính phủ viết “thiếu sót trogn quy trình kỹ thuật của Huawei đã bộc lộ nguy cơ mới đến mạng viễn thông Anh”.
Hôm 5/12, nhà mạng BT của Anh nói sẽ không mua thiết bị Huawei cho lõi của mạng không dây thế hệ tiếp theo, đồng thời sẽ loại bỏ các công nghệ Huawei ra khỏi ‘trái tim” của mạng 4G trong vòng 2 năm.
Úc cấm Huawei khỏi mạng 5G
Tham vọng trở thành bá chủ công nghệ 5G của Huawei tiếp tục bị vùi dập vào tháng 8 khi Úc cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G cho mạng không dây nước này. Chính phủ Úc cho biết sự tham gia của các nhà cung ứng viễn thông “có khả năng là đối tượng chịu chỉ đạo của chính phủ ngoại quốc xung đột với luật Úc”, đồng nghĩa với việc các nhà mạng không dây không thể “bảo vệ mạng 5G khỏi truy cập hoặc can thiệp trái phép”.
Huawei gọi quyết định là “kết quả đặc biệt đáng thất vọng cho người dùng”. Công ty mạnh mẽ phủ nhận sản phẩm của mình đe dọa nguy cơ an ninh và khẳng định thiết bị được tin tưởng bởi khách hàng tại 170 quốc gia và 46/50 nhà mạng lớn nhất thế giới.
Mỹ thuyết phục đồng minh không sử dụng thiết bị Huawei
Tháng 11, Thời báo Phố Wall đưa tin Washington đang hối thúc các nước đồng minh ngừng sử dụng thiết bị viễn thông Huawei vì nguy cơ an ninh. Nguồn tin của tờ báo cho biết quan chức Mỹ đang đề nghị các nước có cơ sở quân sự Mỹ cấm dùng thiết bị Huawei khỏi mạng Internet và không dây, bao gồm Đức, Ý và Nhật Bản.
Trong một tuyên bố, Huawei nói “bất ngờ trước hành vi của chính phủ Mỹ được nêu trong bài báo” và “hành động như vậy không nên được khuyến khích”.
Tuần trước, New Zealand ngăn cản hãng viễn thông hàng đầu sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G. Spark, công ty viễn thông lớn nhất nước này, tiết lộ quan chức chính phủ nói rằng dùng thiết bị 5G Huawei có thể đặt ra các nguy cơ an ninh quốc gia nghiêm trọng.
Một vài điểm sáng
Huawei có thể đang bị chỉ trích tại Mỹ và nơi nào đó nhưng tại các thị trường khác, họ vẫn đang thống trị. Nửa đầu năm 2018, công ty báo cáo doanh thu 47,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Tuần trước, hãng cho biết đã ký hơn 20 hợp đồng thương mại cung ứng thiết bị và công nghệ 5G nhưng không nêu tên khách hàng hay quốc gia có liên quan. Hôm 5/12, Huawei nói đã ký bản ghi nhớ với hãng viễn thông hàng đầu Bồ Đào Nha, Altice, để phát triển dịch vụ 5G.
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo Mỹ chưa “xong việc” với Huawei. Đầu năm nay, chính phủ Mỹ đã cấm ZTE mua các thành phần quan trọng hàng tháng trời. Ông Paul Triolo, Giám đốc chính sách công nghệ toàn cầu của hãng cố vấn Eurasia nhận định: “Kịch bản xấu nhất là một thứ như lệnh cấm áp lên ZTE, có thể ngăn cản các công ty Mỹ cung ứng cho Huawei và Huawei vẫn phụ thuộc vào các công ty Mỹ đối với một số linh kiện cần thiết”.