Trong Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 12/2017, ông Phạm Lương Sơn, Phó TGĐ BHXH Việt Nam cho biết: Năm 2017, cả nước có 13,52 triệu người tham gia BHXH bắt buộc- tăng hơn 1 triệu người so với năm 2016.

Nếu so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 21 thì chưa đạt, nhưng đã thể hiện sự cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác thu trong toàn ngành.

{keywords}


Tăng cường rà soát và cảnh báo

Đến nay toàn ngành đã thu được 290.000 tỉ đồng - đạt 101% kế hoạch và đã hoàn thành mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Nếu tháng 11/2017, số nợ BHXH, BHYT trong toàn quốc khoảng 10.000 tỉ đồng (nợ BHXH trên 8.000 tỉ đồng), giảm chỉ còn 5.700 tỉ đồng. Ngành BHXH dự kiến đến hết 31/12/2017, số nợ giảm còn khoảng dưới 3%...

Hiện nay, toàn ngành đã khẩn trương in, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT đã đồng bộ theo mã số BHXH. Đảm bảo 100% người tham gia BHYT đã đồng bộ mã số BHXH được cấp thẻ BHYT mới, bao gồm cả các nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ một phần mức đóng. Đối với người tham gia chưa đồng bộ mã số BHXH, mà thời hạn phải đổi thẻ BHYT vào tháng 1/2018, Ngành sẽ tập trung đồng bộ và cấp xong trước ngày 31/12/2017 để trả thẻ cho người tham gia.

Trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã tập trung rà soát chi phí KCB BHYT quý III và quý IV trên Hệ thống giám định BHYT điện tử; hướng dẫn BHXH các tỉnh phương thức, nội dung cần chú ý khi thực hiện giám định tự động. Đồng thời, hoàn thiện quy chế tham gia đấu thầu thuốc của cơ quan BHXH; tăng cường rà soát các cơ sở KCB, nhất là những cơ sở KCB nào có cảnh báo trên Hệ thống thông tin giám định, để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT ông nói.

Tăng cường quản lý BHXH cho lao động HĐ 1-3 tháng

Ông Đỗ Ngọc Thọ- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH. Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc có điều chỉnh tỉ lệ tính lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018, cho biết: Đến thời điểm này, BHXH Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào từ cấp thẩm quyền về việc thay đổi cách cách tính lương hưu, nên vẫn thực hiện theo quy định của Luật BHXH 2014. Theo đó, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khoảng thời gian trên, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, NLĐ được tính thêm 2%.

Liên quan đến quản lý lao động có HĐLĐ từ 1-3 tháng tham gia BHXH bắt buộc, ông Đỗ Ngọc Thọ nhận định, việc này đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan BHXH, bởi nhóm đối tượng trên biến động nhiều, ý thức của chủ SDLĐ không muốn bỏ thêm khoản chi phí đóng BHXH.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, Luật đã quy định thì trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt cơ quan BHXH sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý lao động để nắm bắt, đôn đốc thu. "Việc ứng dụng CNTT, giảm thủ tục hồ sơ thì cơ quan BHXH hoàn toành làm được, nhưng làm sao để biết được đối tượng thuộc diện 1-3 tháng để đưa vào quản lý là một thách thức. Song, quy định của Nhà nước mở rộng nhóm đối tượng này rất tích cực, bởi bên cạnh mở rộng được đối tượng tham gia BHXH, còn giúp hạn chế được tình trạng chủ DN chỉ ký các HĐLĐ dưới 3 tháng để lách luật"- ông Thọ cho biết.

Về xây dựng danh mục thuốc BHYT, ông Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ KCB (Bộ Y tế) cũng cho rằng, từ trước tới nay, khi xây dựng danh mục thuốc BHYT bao giờ cũng đặt mục tiêu thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý (kể cả với người bệnh BHYT và người bệnh đi KCB dịch vụ).

Khi phát triển chính sách phải luôn phát triển về y khoa, dược khoa… "Lần này tiếp cận khoa học hơn những năm trước đây, nhằm đáp ứng mô hình bệnh tật đang thay đổi nhanh chóng, các bệnh mãn tính không lây đang tăng".

Thúy Ngà