fpttelecom.jpg
Hiện tổng dung lượng đi quốc tế của FPT khoảng 300 Gbps và trung bình mỗi thuê bao có băng thông quốc tế ở mức 0,5 Mbps.

Trung bình mỗi thuê bao FPT Telecom có tốc độ quốc tế ở mức 0,5 Mbps

Tại buổi lễ "Tổng kết hoạt động 5 tháng 2012 của FPT và chia sẻ định hướng công nghệ mới" ngày 15/6, ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc FPT cho biết, lĩnh vực viễn thông của FPT đang phát triển nhanh. Tháng 11/2011, FPT đã xây dựng tuyến cáp quang mới có dung lượng 300 Gbps từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Trong những năm qua, FPT có sự đầu tư rất mạnh mở rộng dung lượng đi quốc tế, ngay từ cuối năm 2007, FPT đã đầu tư 10 triệu USD vào tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) để có 30 Gbps quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông. "Cuối tháng 9/2012, FPT sẽ có thêm 130 Gbps từ tuyến cáp quang biển AAG", ông Trương Đình Anh cho biết thêm.

Hiện FPT cũng đẩy mạnh kết nối với các nhà cung cấp biên giới Việt Nam - Trung Quốc như China Telecom, China Mobile và China Unicom để có thêm 100 Gbps dung lượng quốc tế nâng tổng dung lượng đi quốc tế của FPT ở mức 300 Gbps, gấp 150 nghìn lần so với tổng dung lượng đi quốc tế của cả Việt Nam năm 1997 (khoảng 2Mbps).

"Với khoảng 700 nghìn thuê bao, bình quân băng thông đi quốc tế của mỗi đầu thuê bao đạt khoảng 0,5 Mbps và từ 4 - 6 Mbps băng thông trong nước”, ông Trương Đình Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, FPT và một vài doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet khác liên minh cùng với các đối tác quốc tế khác để đầu tư xây dựng một tuyến cáp quang biển mới, dự kiến FPT có thêm khoảng 60 Gbps từ tuyến cáp quang mới này vào 2014.

Đầu 2012, FPT Telecom đã "rầm rộ" khai trương chi nhánh ở Hưng Yên, Long An, Hà Tĩnh - đây là 3 trong số 8 chi nhánh mà đơn vị sẽ mở thêm trong năm 2012. Trung bình mỗi chi nhánh, FPT Telecom đầu tư khoảng 15 - 20 tỷ đồng. Còn trong năm 2013, theo kế hoạch, FPT Telecom sẽ mở thêm 3 - 5 chi nhánh.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom, dự kiến cuối tháng 6/2012, chi nhánh thứ 40 của FPT Telecom sẽ đi vào hoạt động tại Sóc Trăng. "Đến 2015, FPT sẽ có mặt tại 23 tỉnh, thành phố còn lại”, ông Khoa cho biết thêm.

Tập trung phát triển mạnh ADSL, FTTH

Tại Hội nghị phổ biến văn bản pháp luật lĩnh vực Viễn thông, Internet khu vực miền Bắc ngày 6/6, Bộ TT&TT cho biết, thuê bao Internet cũng tăng trưởng đáng kể, trong đó VNPT và FPT Telecom là 2 doanh nghiệp có nhiều thuê bao nhất. Cụ thể, VNPT có hơn 63% thị phần, gấp gần 3 lần số thuê bao của doanh nghiệp đứng thứ 2 là FPT Telecom (22,29%).

Ông Khoa cho biết, mặc dù VNPT có lợi thế lớn về hạ tầng, vùng phủ rộng khắp nhưng FPT Telecom sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và kinh doanh tập trung. Bởi vì, mặc dù VNPT phủ rộng nhưng không phải vùng nào VNPT cũng có khách hàng nên làm hiệu quả kinh doanh thấp và không có tiền để tái đầu tư mạng lưới, công nghệ, thiết bị dẫn đến chất lượng dịch vụ tại vùng đó ngày càng đi xuống. Còn FPT Telecom sẽ kinh doanh trọng tâm chính tại thủ phủ của mỗi địa phương thay vì dàn trải phải có mặt tại tất cả các vùng của tỉnh, thành đó. "Khi đó, vốn đầu tư mới đạt hiệu quả cao để tái đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Khoa nhấn mạnh.

Ngoài ra, FPT Telecom rất muốn đi đến tận vùng sâu, vùng xa nhưng phải tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước với lãi suất thấp.

Thời gian tới, FPT Telecom sẽ tập trung phát triển mạnh cả mạng cáp quang FTTH và ADSL. Bởi vì, với tỷ lệ người sử dụng Internet băng rộng cố định (ADSL, VDSL, FTTH...) hiện nay trên toàn quốc, có thể thấy rõ băng rộng cố định chưa thực sự phổ cập trên quy mô toàn quốc, người dân được tiếp cận với Internet chưa nhiều và chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Do đó, thị trường cho cả FTTH và ADSL còn rất lớn.