- Năm 2013 khép lại với khá nhiều câu chuyện bổ ích và lý thú về nhân sự trong bộ máy cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Nửa nhiệm kỳ Đại hội XI đã qua. Tiểu ban nhân sự Đại hội XII chuẩn bị đi vào hoạt động. Có những vấn đề gì đặt ra giữa cách làm truyền thống, cách làm cũ so với cách làm phi truyền thống, cách làm đã được gọi là mới chưa về nhân sự cao cấp từ Đại hội XI khi bầu không đủ số lượng ủy viên Bộ Chính trị và tiếp tục diễn tiến, lên đến đỉnh điểm trong năm 2013.
Muốn gọi thế nào cũng được, nhưng sự thật hiển nhiên cả xã hội đều thấy, đó là việc chuẩn bị và quyết về nhân sự cao cấp trong hệ thống chính trị Việt Nam không còn giống như trước đây. Một phép thử nhân sự giữa nhiệm kỳ đã được trải nghiệm. Phép thử này cho thấy những vấn đề mới, nổi bật sau:
Một là, sự đồng thuận tuyệt đối trong Bộ Chính trị là yếu tố quan trọng, tuy nhiên duy trì được lại là bản lĩnh trong tình hình hiện nay.
Hai là, tiếng nói của Ban chấp hành Trung ương trong vấn đề nhân sự đã được tăng cường và là tiếng nói cuối cùng. Tiểu ban nhân sự Đại hội XII chắc chắn phải đánh dấu đậm vào điểm này trong quá trình chuẩn bị.
Từ hai điểm vừa nêu cho thấy “truyền thống đoàn kết trong Đảng, bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng như bảo vệ con ngươi của mắt mình” đang đặt ra nhiều suy ngẫm. Sự lo ngại về các nhóm lợi ích và chính các nhóm này chi phối, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, trong đó có vấn đề nhân sự không còn là mơ hồ mà đã là hiện hữu. Hy vọng của đa số dân chúng chính là ở chỗ nhóm lợi ích "chi phối và quyết định" này đặt lợi ích của đất nước lên trên hết và nếu vậy thì mọi quyết định về nhân sự đều có thể được biện minh.
Ba là, đã có sự tăng cường thêm tiếng nói của Quốc hội trong vấn đề nhân sự. Lần đầu tiên, Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội chi phối. Tất nhiên đây cũng là thử nghiệm mà hệ thống chính trị - nhà nước đang trên đường đổi mới, cải cách thì chắc chắn sẽ còn nhiều thứ phải thử nghiệm. Nhưng dù sao cũng đã có thêm một kênh có thêm tiếng nói trong vấn đề nhân sự cao cấp của đất nước.
Nhiều người dân bình thường ao ước giá như chỉ có hai hình thức tín nhiệm và không tín nhiệm thì tốt biết bao, kết quả sẽ rõ ràng hơn và chắc chắn cũng sẽ tạo ra những áp lực nhất định cho việc thay đổi ngay một số chức vụ trong các cơ quan nhà nước cao cấp. Cho dù không được như vậy, nhưng tín hiệu được phát đi qua lần thử nghiệm này là quan trọng hơn nhiều. Đó là tín hiệu đáng mừng về tính dân chủ và tính đại diện thật sự của cơ quan dân cử cao nhất. Quốc hội với các vị đại biểu của dân có số lượng lớn, tập trung trí tuệ của đất nước và mang trọng trách thực sự trước cử tri cả nước sẽ dần có tiếng nói quan trọng trong chuẩn bị và quyết định nhân sự trong bộ máy nhà nước.
Bốn là, sự xuất hiện những gương mặt mới trong nhân sự cao cấp 2013, đặc biệt là hai tân Phó Thủ tướng cho thấy hiền tài của đất nước 90 triệu dân không phải là hiếm, cứ đốt đuốc tìm đi sẽ thấy, vấn đề chỉ là có chịu đốt đuốc đi tìm không hay vẫn là cách làm nhân sự theo kiểu cũ. Chỉ rất riêng trong phạm vi Chính phủ thì qua các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội đã cho thấy những bộ trưởng nào là hiền tài thật sự, và những vị nào không phải dưới con mắt của người dân và xã hội.
Năm là, với những dấu ấn mới, phép thử nhân sự vừa qua ít nhiều tạo tiền đề hy vọng có được một ban lãnh đạo đủ tầm trong tương lai. Xã hội đang trông đợi một ban lãnh đạo mới xuất hiện sau Đại hội XII với những tư duy mới trong hoạch định chính sách cho đường lối phát triển đất nước. Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Trong hai thứ lãnh đạo đó thì lãnh đạo Nhà nước dễ hơn nhiều so với lãnh đạo xã hội.
Với cơ cấu quyền lực về cơ bản không có thay đổi lớn, với cách bố trí nhân sự vào bộ máy nhà nước, việc thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là điều đương nhiên. Tất cả các vị trí chủ chốt lãnh đạo của bộ máy chính quyền từ cấp thấp nhất là xã đến cấp Trung ương có vị trí nào không phải là người ngoài Đảng nắm giữ. Mà đã là đảng viên thì trách nhiệm là phải thực thi nghị quyết Đảng, thực thi đường lối, chính sách của Đảng và thực thi pháp luật của Nhà nước. Đây là mặt thuận lợi cơ bản của hệ thống chính trị một đảng cầm quyền ở nước ta.
Tuy nhiên cái dễ này lại liên hệ chặt chẽ với cái khó kia, đó là lãnh đạo xã hội. Lãnh đạo xã hội - nếu như có một sự lãnh đạo như vậy- không giống như lãnh đạo nhà nước. Mấy triệu đảng viên làm sao hóa thân vào gần 90 triệu dân chúng còn lại để mà lãnh đạo. Lãnh đạo Nhà nước là thông qua các hoạt động của cơ quan nhà nước thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật Nhà nước, là xây dựng ban hành cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch… Tất cả những cái đó tác động đến toàn bộ người dân, xã hội.
Điều này cho đến nay kết quả không hẳn đã là tốt đẹp. Biết là 80% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhưng thể chế đất đai về cơ bản không thay đổi, kể từ Hiến pháp. Biết là doanh nghiệp nhà nước quá nhiều, là làm ăn thua lỗ, nhưng thể chế về doanh nghiệp nhà nước không có thay đổi lớn.
Biết là tham nhũng trong bộ máy là lớn, tác hại khôn lường, đe dọa sự tồn vong của chế độ, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng mang lại kết quả rất hạn chế. Thế thì lãnh đạo xã hội ra sao. Nói ngắn gọn, để lãnh đạo phải có năng lực, uy tín và tạo dựng được niềm tin trong xã hội. Hơn lúc nào hết, Đảng đang rất cần và phải bằng mọi cách có được những cái đó. Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật. Đây là thời kỳ giống như trước Đại hội VI. Cuộc sống không phải tươi sáng, thanh bình như trong các báo cáo, tường trình chính thức.
Lịch sử phát triển đất nước ta gần như chứng minh một quy luật, đó là cứ mỗi khi đất nước cực kỳ khó khăn lại xuất hiện những nhân tố mới. Một lần nữa, cơ hội và thách thức có tính lịch sử đối với Đảng lại được đặt lên bàn cân.Vượt qua hay không vượt qua được thách thức, có hay không có một ban lãnh đạo mới đủ tầm được tìm tòi, tạo dựng từ phép thử nhân sự thời gian qua đang là những vấn đề còn để ngỏ và thời gian sẽ cho câu trả lời xác đáng.