- Là một lái xe và thường xuyên di chuyển trong thành phố, tài xế Nguyễn Thế Đại đề xuất một số giải pháp giảm ùn tắc giao thông đô thị.
1. Giao thông đô thị của chúng ta là dạng giao thông hỗn hợp, lượng phương tiện tham gia lớn, khi di chuyển người tham gia giao thông thường tranh giành, chen lấn nhau. Người rẽ trái, phải thì bị người đi thẳng gồm cả ô tô, xe máy chèn ép, tranh nhau qua ngã tư dẫn đến ùn tắc.
Theo tôi, để giảm bớt tình trạng này, chúng ta nên chia thành 2 loại đèn xanh. Một cho xe máy và một cho ô tô. Khi đèn xanh cho ô tô bật sáng thì chỉ ô tô được phép di chuyển và ngược lại. Như vậy đèn ai nấy đi không phải tranh giành.
Lúc này hệ thống làn xe sẽ phát huy hết tác dụng vì xe máy với ô tô không phải lấn làn tranh nhau đi và các phương tiện muốn rẽ trái, phải cũng dễ dàng hơn. Thêm nữa, tất cả các nút đèn giao thông cần phải có đèn rẽ trái, phải và nên ưu tiên các hướng rẽ di chuyển trước vì trên thực tế phương tiện đi thẳng tham gia nhiều hơn hướng rẽ.
Các phương tiện lộn xộn, chen lấn giành từng cm đường |
Bạn có thể thấy đa số lượng xe máy rẽ nhiều hơn vì phần lớn các xe rẽ để vào ngõ về nhà, điều này góp phần đáng kể cho việc giảm mật độ lưu thông ở đường chính.
Hầu hết những người nhà gần nơi làm việc sử dụng xe máy đi làm vì tiện, nếu đi xe buýt hay taxi đều không tiện lắm vì lộ trình ngắn đôi khi taxi không muốn chở. Số còn lại nhà xa đi bằng ô tô, xe buýt và một phần là xe máy. Vậy lúc này mật độ giao thông đã giảm nhiều do phần lớn những phương tiện ở gần đã vào ngõ hoặc về nhà.
2. Trên các trục đường chính có dải phân cách cứng như đường Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương... có một vài đoạn dải phân cách có thể di động đóng mở gần các điểm ùn tắc để sử dụng trong khung giờ cao điểm hoặc khi có sự cố về giao thông.
Ví dụ, trong giờ cao điểm buổi sáng, hướng vào trung tâm luôn ùn tắc còn hướng ra lại vắng hơn. Lúc này người điều tiết giao thông có thể tách dải phân cách và điều tiết các phương tiện đi qua làn ngược chiều để giảm ùn tắc. Và tất nhiên phần đường ngược chiều sẽ có những thiết bị cảnh báo bằng các hình trụ chóp nón để chia làn tạm làn đường 1 chiều đó và sẽ nhập lại làn tại nút đèn giao thông hoặc đoạn dải phân cách di động khác qua điểm ùn tắc.
Về hệ thống đường giao thông mới, đã và đang làm theo tôi nên tách hẳn làn đường dành cho ô tô và xe máy bằng các dải phân cách mềm ở 2 bên, ô tô đi ở giữa, xe máy đi 2 bên, mô hình giống như đường Võ Nguyên Giáp để tránh tình trạng lấn tuyến. Đường có thể nhỏ hơn nhưng sẽ dễ di chuyển hơn.
Cần có vạch cho người đi bộ từ vỉa hè ra tới làn đường ô tô để hành khách dễ dàng đón taxi, xe buýt. Và đó sẽ phải là phần đường ưu tiên để tập cho người dân dần có thói quen đón xe đúng điểm và đi bộ qua đường đúng nơi quy định.
Cầu vượt chỉ nên ưu tiên cho ô tô để đảm bảo tính an toàn tại các cầu hẹp.
3. Ngoài ra để giảm bớt mật độ xe, vẫn cần nghiên cứu và áp dụng múi giờ làm việc. Nhân viên văn phòng nên làm việc muộn hơn, có thể từ 8h30 hoặc 9h sáng, giảm thời gian nghỉ trưa để kết thúc làm việc vào 5h hoặc 5h30 chiều.
Trên thực tế do giao thông ùn tắc nên đa số nhân viên văn phòng lựa chọn về nhà muộn hơn. Nhân viên nữ nên được ưu tiên về sớm 20 phút để lo việc gia đình, thời gian làm việc như vậy cũng giúp giảm bớt việc ăn nhậu của nhân viên nam.
Các trường đại học, người lao động, công nhân và lớp phổ thông từ lớp 8 trở lên sẽ đi sớm và nghỉ sớm hơn. Học sinh lớp 7 trở xuống sẽ cùng giờ với nhân viên văn phòng vì phụ thuộc cha, mẹ đưa đón.
Cần quy hoạch thời gian giao hàng cho các phương tiện xe gắn máy, người bán hàng rong vào 1 khung giờ sau giờ cao điểm. Khi đã có đèn riêng cho các phương tiện, lực lượng giao thông sẽ dễ kiểm soát và cần xử lý nghiêm những phương tiện cố tình vi phạm. Việc xử lý phạt nguội cũng dễ dàng hơn.
200.000 USD chống ùn tắc: Cấm rẽ trái, quay đầu
Sau 5 ngày Hà Nội treo thưởng, hàng trăm ý tưởng chống ùn tắc giao thông được bạn đọc cả nước gửi tới VietNamNet.
Kế chống ùn tắc của kỹ sư từng làm quy hoạch giao thông HN
Kỹ sư cầu đường Phạm Xuân Hà gửi tới VietNamNet bản đề án hiến kế giải quyết ùn tắc giao thông TP Hà Nội dài 7 trang.
Cả Hà Nội làm việc online sẽ đỡ tắc đường
Tại sao ngày nào cũng phải tập trung đầy đủ đến cơ quan, có khi đến chỉ ngồi chơi xơi nước, hết giờ lại ùn ùn kéo nhau ra đường gây tắc nghẽn?
Nguyễn Thế Đại