Đọc tin gần 100 người chia thành hai hướng lên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) suốt đêm 11/1 để tìm 20 sinh viên đi lạc, tôi bỗng nhớ lại câu chuyện của bé gái 7 tuổi người Mỹ một mình băng rừng tìm sự giúp đỡ sau tai nạn máy bay.
Lạc trên đỉnh núi Bà Đen
Có thể thấy, các bạn sinh viên trẻ tuổi kia đang ở lứa tuổi đầy năng lượng và muốn khám phá cũng như thử thách bản thân mình. Đó là việc rất đáng khen. Tuổi trẻ, phải đi, đi để biết đá biết vàng, biết mình thừa thãi hay thiếu hụt chỗ nào. Để từ đó có thể hoàn thiện bản thân cùng những trải nghiệm đã qua.
Núi Bà Đen cao 986 mét, là ngọn núi cao nhất Nam Bộ - nơi 20 bạn sinh viên đi lạc phải cầu cứu 100 người đi tìm trong đêm. Ảnh: Q.Trân |
Nhưng, việc thử thách bản thân hoàn toàn không giống với việc tự đưa mình vào những tình huống nguy hiểm khi chưa có sự chuẩn bị đủ. Và tệ hơn nữa, các em đã làm phiền đến sức lực và tâm trí của hàng trăm con người xa lạ vào việc đưa mình ra khỏi hiểm nguy đó. Điều này thật đáng trách.
Rất nhiều người trẻ hiện đang thiếu các kỹ năng sống cần thiết. Nhưng cũng chẳng sao, khi họ không mạo hiểm. Ở đây, các em lại khác. Các em đã quá liều (liều và can đảm, về hình thái, đôi khi gần nhưng tính chất thì hoàn toàn khác). Một trong những thứ tối cần thiết trong cuộc đời là biết mình là ai, có thể hoặc không thể làm những gì.
Xin hỏi thật, hai mươi khối óc của hai mươi sinh viên cùng những thiết bị di động (chắc chắn có) của các em đã được sử dụng vào mục đích gì trong đêm hôm qua. Núi Bà Đen là núi mồ côi trên đồng bằng, địa hình không phức tạp và nguy hiểm. Mà giả như các em có đi theo cung Ma Thiên Lãnh đi nữa, vẫn là không quá khó để xuống núi, với một nhóm người nhiều như vậy. Ai là người dẫn đường, ai là thủ lĩnh của các em? Tôi xin cam đoan rằng với một người lớn, việc tự tìm đường xuống núi ấy không phải là việc quá khó.
Trong một chuyến về thăm nội ở Long Khánh, vào một sáng mùa hè, tôi vào rẫy bắt chim, một mình. Đi mải đi miết, hết rẫy nhà, qua rẫy xóm, tới chân núi. Rồi cảm thấy thích quá, tôi quyết định leo núi.
Với một kẻ ở miệt đồng bằng và mê leo trèo như tôi, đây đúng là một cơ hội vàng. Cứ leo hoài, tới quá trưa cũng gần đến đỉnh Chứa Chan - Gia Lào. Nhưng rồi tôi không biết xuống làm sao. Nhưng tự hỏi: "Ủa, lên được phải tự xuống được chứ?". Lúc đó, tôi ước có một người nào đó bên cạnh (một thôi, không cần đến 19 đâu), có lẽ mình sẽ xuống núi nhanh hơn. Khi đói thì tôi hái mãng cầu và chuối ăn.
Vậy mà cũng mò được xuống chân núi khi đã tối mịt. Tôi nhìn vào một ngôi nhà ở chân núi, thấy có ánh sáng leo lét từ ngọn đèn dầu nên tôi chạy đến đấy nhờ chú thanh niên: "Chú đưa con về nhà nội con bên Xuân Lữ giùm đi, nội con sẽ trả tiền cho chú".
Về đến nơi, cả nhà nội tôi vẫn sáng trưng ánh đèn dù trời tối mịt, mọi người ai nấy vui mừng khôn xiết khi thấy tôi trở về an toàn. Năm đó tôi học lớp bảy, chứ không phải sinh viên. Và chắc chắn là không có điện thoại.
Cố nhiên, mỗi người được sinh ra có một nguồn sức mạnh và cá tính không giống nhau nhưng kể ra chuyện này để thấy rằng bản năng sinh tồn là thứ luôn hiện hữu rất mạnh mẽ trong bất cứ ai. Có thể hôm qua, khi xung quanh bạn bè nhiều quá, vui quá, khi hiểm nguy chưa thực sự là thứ hiện hữu trước mắt, các em đã chưa cần dùng tới nó chăng?
Bé gái 7 tuổi một mình băng rừng sau tai nạn máy bay
Đọc tin về các em, tôi sực nhớ một bản tin mấy hôm trước, tin về một cô bé bảy tuổi sống sót sau một tai nạn máy bay và tự băng rừng tìm sự giúp đỡ. Và chắc chắn, tôi được quyền đặt chúng lên bàn cân.
Sailor Gutzler với gia đình. Ảnh: Mirro |
Sailor Gutzler là cô bé thoát khỏi máy bay gặp nạn và chạy đi tìm người giúp đỡ. Chiếc phi cơ cỡ nhỏ Piper PA-34 của gia đình Gutzler bị trục trặc động cơ và rơi khi đang bay qua miền tây nam bang Kentucky (Mỹ) chiều tối ngày 2/1. Là người duy nhất sống sót, Sailor Gutzler đi bộ qua hai bờ đê và một con lạch trong bóng tối trong điều kiện thời tiết gần như đóng băng, để đến nhà ông Wilkins, cách địa điểm máy bay rơi khoảng 1km xin giúp đỡ.
Ông Larry Wilkins kể lại, Gluzler bị chảy máu ở chân, tay và trên mặt, mặc đồ mùa hè và chỉ mang một chiếc tất, không giày đến gõ cửa nhà ông, hỏi xin trú tạm vì vừa gặp tai nạn máy bay, "bố mẹ cháu đã mất", cô nói.
Ngẫm lại mới thấy, các bạn trẻ chú tâm học chữ mà không học cách sống. Các em cố nhồi nhét nhiều lý thuyết, nhiều công thức để rồi khi sắp chết đuối hay khi lạc trong rừng, lấy chúng ra làm phao, làm la bàn hay ăn uống được không? Các em hãy bớt lý thuyết lại và ra ngoài nhiều hơn, học những kỹ năng sinh tồn vì không ai có thể biết được đến một ngày nào đó bản thân mình cần những kỹ năng đó để sống sót.
Hãy học cách bơi, cách thoát khỏi một khu rừng lạc, cách thoát khỏi một đám cháy hay một vụ sụt lún, cách đối diện với một kẻ đột nhập hay một mối nguy hiểm, cách tìm thức ăn hay tạo ra nguồn lửa ở những nơi không có con người, cách sơ cấp cứu (trước là cho chính mình, sau là cho đồng loại)... và cách vượt qua khủng hoảng tinh thần, chế ngự nỗi sợ hãi. Bởi vì nếu không thể sống, tất cả những kiến thức đã từng được nhồi nhét, là vô nghĩa.
Về phía phụ huynh, tôi nghĩ cha mẹ cũng nên tự tìm hiểu và trang bị cho con mình những kỹ năng ấy đi. Giáo dục bao gồm được giáo dục (giáo dục bị động) và tự giáo dục (giáo dục chủ động hay là cách tự hoàn thiện bản thân).
Nếu những người trẻ không may mắn được học kỹ năng từ nhà trường hay gia đình, chưa có kinh nghiệm, bạn có thể học chúng từ những cuộc đi, từ kinh nghiệm của người đi trước (cảm nghiệm) hay từ sách báo, internet. Việc này không mất nhiều thời gian bằng việc đọc ngôn tình, chém gió hay ngồi chỉnh một bức ảnh selfie sao cho đẹp để đăng Facebook đâu.
Bước chân lên được nhưng lại không thể tự bước xuống thì có thể làm được gì khác cho chính bản thân mình đây?
Theo Chris Le/Trí Thức Trẻ