Anh nằm nghiêng, quay mặt vào trong. Trên người anh chỉ độc một chiếc quần đùi. Một chân thẳng, một chân anh co lại. Ở mắt cá chân phải, một sợi xích nhỏ xích chân anh vào vách tường.

Anh bật dậy khi phát hiện chúng tôi vào nhà. Căn nhà rộng chừng hơn 10m2 vốn là nhà tình thương đã bị anh chiếm hơn phân nửa.

Anh đứng lùi vào góc nhà. Mặt ngơ ngác. Tay anh vung lên như muốn đánh thẳng vào chúng tôi. Không đánh trúng, anh quay vào đưa tay ôm mặt khóc. Chưa hết, anh nói một tràng dài nhưng chúng tôi không hiểu được anh muốn điều gì.

Anh là Trần Văn Nhân, 43 tuổi, bị tâm thần rất nặng. Anh cùng mẹ là bà Võ Thị Đi (73 tuổi) ngụ trong căn nhà ẩm thấp ở KP 1, P. An Hòa, TP. Biên Hòa (Đồng Nai).

'Nó bị tâm thần từ hơn 20 năm nay. Tôi phải xích nó lại chứ không nó chạy mất. Đã 2 lần nó trốn và chạy đến Vũng Tàu. Phải khó khăn lắm tôi mới đưa nó về lại được. Vì thế phải xích lại ...', bà Đi giãi bày với chúng tôi.

{keywords}
Anh Nhân, 43 tuổi, hơn 20 năm bị tâm thần. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Chúng tôi ngồi bên bà - người phụ nữ tuổi đã về chiều với đôi mắt đục mờ đưa mắt nhìn đứa con bất hạnh rồi kể lại câu chuyện đời mình.

Có chồng năm 25 tuổi, bà trải qua 3 lần sinh nở và trở thành mẹ đơn thân khi Nhân vừa lọt lòng.

Cha Nhân bỏ mẹ con theo duyên mới. Gánh nặng nuôi con đè trên đôi vai bé nhỏ của người đàn bà.

Lầm lũi nuôi con bằng đồng tiền bọt bèo thu được từ những gánh rau, bà chỉ ước mong con nhanh lớn để vơi đi nỗi nhọc nhằn.

Tuổi lớn, 3 chị em cùng cắp sách đến trường. Bà Đi càng vất vả hơn. Nhưng rồi, 2 chị của Nhân lập gia đình có cuộc sống riêng. Một mình Nhân ở với mẹ. 

Bà kể tiếp, 'Nó thương tôi lắm. Nhiều lần nó xin tôi nghỉ học để làm phụ mẹ nhưng tôi không chịu. Mãi đến khi nó học xong cấp 3 tôi mới đồng ý cho nó đi làm. Nó xin được một chân thợ xây dựng...

Nó không cho tôi đi bán rau nữa, ở nhà nó nuôi. Tôi không chịu vẫn tiếp tục công việc của mình vì thấy mình còn khỏe. 

{keywords}
Anh Nhân được mẹ đút cho một trái chôm chôm. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa

Được 3 năm như thế, tôi cứ ngỡ mình sẽ có một đoạn kết có hậu. Ngờ đâu, một ngày nọ tôi nghe tin sét đánh. Trong lúc đang làm việc Nhân sẩy chân rơi từ trên cao xuống bất tỉnh. Khi tôi vào đến bệnh viện, nó nằm thiêm thiếp...

Tỉnh lại, nó chẳng biết gì. Ngơ ngác. Nhìn nó tôi đau lòng lắm. Nó bắt đầu có triệu chứng về tâm thần. Không đủ tiền chạy chữa, tôi đưa nó về nhà. Từ đó, không đêm nào tôi ngủ yên với nó. Nó la, nó khóc, nó đập phá. Nhiều lúc nó đập đầu vào tường. Tôi đau lòng ôm lấy con mà khóc', bà Đi nói.

'Thấm thoát mà đã hơn 20 năm rồi. Hai mẹ con cứ sống với nhau. Có ai nghĩ rằng mẹ sợ con không? Tôi sợ nó đấy. Lúc đầu mới bị bệnh, tôi ôm nó, nó còn để yên. Giờ thì không thể. Nó có thể đập vào mặt tôi, đánh vào người tôi lúc nào không biết...

Nó có còn biết gì nữa đâu. Tôi tuổi càng cao sức khỏe càng yếu. Con mắt tôi bây giờ nhìn không rõ nữa. Trong khi đó, Nhân vừa bị tâm thần vừa mang thêm chứng bướu cổ. Cái bướu càng ngày càng lớn nhưng biết làm sao bây giờ.

{keywords}
Anh Nhân bị mẹ xích lại vì cứ thả ra là anh bỏ nhà đi. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. 

Cũng may, hai chị nó ở gần thay phiên nhau đỡ đần cơm nước. Cũng qua ngày thôi vì chúng cũng khổ vì chồng con. Trong khi đó, cha nó từ ngày bỏ đi chưa một lần ghé lại. Ông đã có gia đình riêng với 6 con và bà vợ bị bệnh tiểu đường nên cũng không đoái hoài đến giọt máu rơi rớt của mình. Cuộc sống hai mẹ con giờ chỉ nhờ vào trợ cấp của địa phương 900.000đ/tháng', người đàn bà với đôi mắt đã đục ngầu nói tiếp.

Lúc này, Nhân cũng đã nằm xuống nhìn mẹ và chúng tôi.

Dùng tay chống đầu, Nhân vừa nhoẻn miệng cười chưa dứt đã bật lên tiếng khóc. 'Nó là vậy đó anh ạ. Bây giờ tôi chẳng biết phải làm sao nữa.

Điều lo nhất, một mai tôi già yếu không còn lo cho nó được thì nó sẽ ra sao đây? Quần áo, giặt giũ, tắm rửa, ăn uống cho nó, ai lo đây? Liệu nó có chịu người không phải mẹ nó lo cho nó không?'.

Nói đến đây, giọng bà Đi chùng xuống. Giọt nước mắt lăn ra từ khóe. Nhân nhìn mẹ, khuôn mặt thẫn thờ ngây dại. Thật xót xa cho kiếp người bạc phận ...

Em bé bị cho đi lúc 9 tháng tuổi, khóc thét ngày gặp lại mẹ

Em bé bị cho đi lúc 9 tháng tuổi, khóc thét ngày gặp lại mẹ

Khi chị Nhẫn đưa con đi khuất, bà Nhạ khóc như ngất đi. Thằng bé như biết bị nói dối cũng khóc thét lên, đòi về.  

Trần Chánh Nghĩa