Tiến sĩ Hoàng Huệ Anh (Viện Nghiên cứu Trung Quốc), người có gần 20 năm sinh sống, học tập và giảng dạy tại Bắc Kinh chia sẻ cảm nhận.
Đó là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt trong cuộc đời tôi. Bởi vì tôi đã được chạm vào - một cách trực tiếp nhất đến công cuộc chuyển mình thần kỳ của đất nước Trung Quốc, đúng vào giai đoạn 20 năm làm nên kỳ tích về phát triển và thịnh vượng của một quốc gia trong tiến trình lịch sử văn minh nhân loại.
Từ những chuyến tàu chậm
Tôi không bao giờ có thể quên những chuyến tàu chậm 48 tiếng từ Hà Nội sang Bắc Kinh những năm cuối thập kỷ 90. Vào những dịp lễ tết, có khi chúng tôi phải chuyển qua những chuyến tàu nội địa Trung Quốc chật ních người, ken nhau tới mức chỉ có đủ chỗ để đứng được một chân, chân kia chơi vơi trên không trung trong vòng mấy chục giờ đồng hồ, hay chứng kiến cảnh khách đi tàu nằm la liệt trên sàn hoặc trong gầm khoang ghế…
Lướt qua khung sắt cửa sổ đoàn tàu là những mảnh ghép rời rạc nhưng để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi về khung cảnh còn tương đối nghèo khó của quốc gia này từ Bắc tới Nam. Tàu đi qua những vùng đất khô cằn hoang phế trải dài tít tắp lại đến những thị trấn nghèo khó tiêu điều, cảnh tượng còn ảm đạm hơn khi mùa đông tuyết phủ và lá trên cành đã rơi rụng hết.
Bắc Kinh khi ấy được mệnh danh là thành phố của xe đạp, xe đạp là phương tiện đi lại phổ biến nhất, ngập tràn đường phố khiến thủ đô Trung Quốc thật nhẹ nhàng, yên ắng. Và bầu trời thì rất xanh, chúng tôi không bao giờ cần quan tâm đến chỉ số ô nhiễm của thành phố…
Đến sự phát triển vũ bão
Từ khoảng những năm 2006-2008, khi Trung Quốc hân hoan đón chào Thế vận hội Olympic, cho đến sau đó một thập kỷ, đất nước này bước vào giai đoạn phát triển vũ bão, với tốc độ và mức độ khiến cho những người sống trong lòng nó đôi lúc còn phải giật mình. Những khu nhà chọc trời mọc lên như nấm, mạng lưới đường cao tốc chằng chịt với tiêu chuẩn cao, hệ thống nhà hàng khách sạn rực rỡ, lung linh khiến các thành phố như được thay áo mới, cơ sở hạ tầng hiện đại và thuận tiện vượt ngoài sức tưởng tượng của người dân.
Khu vực Trung Quan Thôn ngoài vành đai ba thành phố Bắc Kinh nơi tôi sinh sống vài năm trước đó còn được bao bọc bởi những cánh đồng, bỗng chốc biến thành trung tâm công nghệ cao, được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc.
Cả đất nước dường như không ngủ, con người bước những bước chân vội vã trên đường. Người Trung Quốc thiên tính vốn chịu khó cần cù nay càng cần mẫn bởi động lực của phát triển và áp lực của cạnh tranh.
Chồng tôi là nhân viên của một công ty bất động sản Trung Quốc, anh thường xuyên kết thúc ca làm lúc 1 giờ sáng, đôi khi lên giường đi ngủ mới chợt nhớ mình quên mất bữa tối chưa ăn. Để có được nguồn năng lượng dồi dào và tích cực như vậy, tôi biết rằng sâu thẳm trong tâm can của mỗi con người Trung Quốc là động lực và viễn cảnh đầy hứa hẹn về một cuộc sống tươi đẹp tương lai.
Tuy vậy, cùng với việc biến thành thủ đô của xe hơi, cũng như có năng lực vượt bậc về xây dựng và sản xuất, Bắc Kinh nói riêng và cả đất nước Trung Quốc nói chung lại đối mặt với những mâu thuẫn dồn nén về phát triển, ví như nạn tắc đường hay các vấn đề môi trường.
Và trạng thái hài hòa
Đến nay, khi có dịp quay trở lại Bắc Kinh, tôi lại thấy thành phố thân quen quá, có những hình ảnh như được tái hiện trong quá khứ. Xe đạp lại ngập tràn đường phố, nhưng là những chiếc xe đạp công cộng được quản lý bằng công nghệ số, cung cấp giá rẻ cho người dân có thể mượn sử dụng tuỳ thích bất cứ lúc nào.
Hệ thống taxi được thay thế hoàn toàn bằng xe điện và chằng chịt đủ màu của 27 tuyến tàu điện ngầm phủ toàn thành phố, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện rất nhiều. Bầu trời Bắc Kinh lại sâu và trong xanh, người dân quên dần thói quen check chỉ số PM 2.5. Thành phố bỗng trở nên yên tĩnh cứ ngỡ như 20 năm về trước…
Chỉ mất vài giờ, chúng tôi đã có thể đi dọc từ Bắc tới Nam đất nước bằng một chuyến tàu cao tốc tinh tươm và hiện đại. Tôi đã đi từ Thâm Quyến tới Hong Kong chỉ trong vòng 14 phút, mà vài năm trước phải mất thời gian ba tiếng đồng hồ (đi từ Quảng Châu).
Tàu thì nhanh hơn nhưng cuộc sống đang chậm lại. Những người bạn Trung Quốc của tôi thích nói về những câu chuyện xoay quanh cuộc sống, thay vì bàn nhiều về công việc như trước đây. Họ chú trọng cách phối hợp thức ăn làm sao cho dinh dưỡng nhất, họ quan tâm đến giáo dục và cách thức biến công nghệ phục vụ cho cuộc sống…
Cả một tiến trình phát triển dài lâu và phức tạp đã được gói gọn lại trong vẻn vẹn ngần ấy năm. 20 năm đối với một đời người không phải quá dài, và nó chỉ được coi là một khoảnh khắc trong lịch sử phát triển của một quốc gia. Những gì Trung Quốc làm được khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng. Những “cái bẫy” về phát triển tưởng vô cùng nan giải đã được họ xử lý nhanh chóng ngoài tưởng tượng.
Tôi chậm rãi đọc cuốn “Tư tưởng Tập Cận Bình về môi trường sinh thái” và nghiền ngẫm lại phương châm phát triển đất nước giai đoạn hiện nay của Trung Quốc – phát triển chất lượng cao thay vì tập trung vào tốc độ, càng chiêm nghiệm về tầm quan trọng trong định hướng phát triển tổng thể của một quốc gia, và nó gắn bó sâu sắc với những thăng trầm trong cuộc đời của mỗi con người tới mức nào!
TS Hoàng Huệ Anh