Ngày nay, hầu như mọi chiếc điện thoại được nhiều người yêu thích đều là một thanh chữ nhật với màn hình cảm ứng, kèm theo một số tính năng được xem là không thể thiếu như trợ lý ảo, GPS... Chúng chắc chắn là những chiếc điện thoại tuyệt vời, nhưng là tuyệt vời theo những cách tương đối giống nhau.

Ngược lại, lịch sử của những chiếc điện thoại tệ hại lại là một bộ sưu tập đa dạng nhiều mẫu máy thực sự độc đáo. Một số thông minh quá mức cần thiết; số khác lại không đủ thông minh để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng. Chúng được các nhà sản xuất thêm vào những tính năng mới thừa thải, hoặc bị loại bỏ đi những tính năng thực sự cần thiết - đôi lúc là cả hai.

Những chiếc điện thoại như vậy chắc chắn không thể được tán dương, nhưng chúng lại xứng đáng để được hồi tưởng. Có lẽ chúng đã mang đến những bài học đáng giá về thiết kế đối với nhiều công ty đang chuẩn bị tung ra thị trường những mẫu điện thoại mới.

Dưới đây là 20 chiếc điện thoại tồi tệ nhưng cực kỳ đáng nhớ được giới thiệu từ năm 2000 đến nay, cùng 5 chiếc điện thoại khác "suýt" lọt vào danh sách này.

TỆ CỦA TỆ (tệ nhất trên cùng)

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 1.

Microsoft Kin Two

1. Microsoft Kin One và Kin Two (2010)

Vào mùa xuân năm 2010, Microsoft - lúc đó đang chuẩn bị để tung ra một nền tảng smartphone mới đầy tham vọng mang tên Windows Phone - không hiểu vì lý do gì lại bất ngờ giới thiệu hai chiếc điện thoại chẳng liên quan gì đến nền tảng này. Thực ra, hay chiếc Kin không nên được xếp vào hàng smartphone, bởi chúng không hề có cửa hàng ứng dụng nào. Nhưng những thiết bị mà Microsoft hướng đến đối tượng người dùng mạng xã hội lại được trang bị một loạt những tính năng được thiết kế cho những người trẻ tuổi yêu Facebook, Twitter, MySpace và các mạng xã hội khác. Vấn đề là chúng có ngoại hình khá...ngu, chậm chạp, đầy những quyết định sai lầm về mặt thiết kế (các bài viết trên mạng xã hội hiện ra theo định kỳ, không phải theo thời gian thực), và nhìn chung không mấy hấp dẫn. Ngay cả sự kiện ra mắt được tổ chức tại một câu lạc bộ ở San Francisco cũng mang lại cảm giác nửa vời, giống như Microsoft biết rằng mình đang phạm phải một sai lầm nhưng không biết làm sao để ngừng lại vậy.

Một tính năng vớt vát lại phần nào hình ảnh của Kin One và Kin Two là Kin Studio - cho phép bạn lấy hình và các nội dung khác từ điện thoại thông qua một trình duyệt web trên máy tính - và nó trông tuyệt hơn hẳn so với bản thân hai chiếc điện thoại này.

Chỉ được bán bởi nhà mạng Verizon, rốt cuộc hai chiếc Kin chỉ tồn tại được 2 tháng trên thị trường trước khi bị công ty này "rút ống thở".

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 2.

BlackBerry Storm

2. BlackBerry Storm (2008)

Khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, Research in Motion - nhà sản xuất BlackBerry, và là một ông trùm trong thế giới smartphone thời điểm đó - tỏ ra khá xem thường thiết bị mới của Apple. Tuy nhiên, vào cuối năm 2008, RIM lại tung ra chiếc BlackBerry Storm mang hơi hướm iPhone thay vì trải nghiệm BlackBerry cổ điển. Storm ném bỏ bàn phím vật lý đã thành biểu tượng của BlackBerry và thay vào đó là một màn hình cảm ứng - và khi bạn nhấn xuống một điểm bất kỳ, toàn màn hình cũng lún xuống theo như thể nó là một nút bấm khổng lồ vậy. Một số người ví trải nghiệm này như dùng máy đánh chữ thủ công, và phàn nàn rằng chiếc điện thoại này đầy lỗi đến mức đặt tên mới cho nó là BlackBerry Dud (Dud có nghĩa là bất tài).

Nhiều reviewer nhận định Storm lẽ ra đã là một chiếc BlackBerry tuyệt vời nếu nó vẫn có bàn phím cổ điển, thay vì hi sinh bàn phím để mang lại một trải nghiệm tương tự iPhone nhưng đầy hời hợt.

Trong nhiều năm liền, RIM đã tạo ra những chiếc smartphone không có đối thủ. Nhưng Storm cho thấy hãng này mù tịt phương hướng trong thời đại iPhone, và những sản phẩm sau này, như chiếc tablet Playbook, không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm nó tồi tệ hơn.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 3.

Motorola Rokr E1

3. Motorola Rokr E1 (2005)

Ở thời điểm năm 2005, người tiêu dùng hào hứng với chiếc iPod của Apple bắt đầu khao khát có được một thiết bị vừa là điện thoại di động, lại vừa là một chiếc máy nghe nhạc tương thích với iTunes. Họ đã toại nguyện khi Steve Jobs công bố chiếc điện thoại Rokr tại một sự kiện của Apple vào tháng 9. Nhưng không những chẳng có nét gì của iPod, Rokr E1 còn bị giới hạn chỉ lưu trữ được 100 bài hát, và buộc bạn phải tải chúng về từ một chiếc máy tính thông qua kết nối USB 1.1 chậm không tả được. Rokr chính là bất ngờ được Apple công bố trong phần "One More Thing" tại sự kiện ra mắt chiếc iPod Nano đầy ấn tượng - một sự kiện khiến CEO Motorola lúc đó là Ed Zander cảm động đến mức nói trong một lần phỏng vấn rằng: "Quên chiếc Nano đi... Ai mà nghe cả 1.000 bài hát cơ chứ?"

Điểm cộng của Rokr E1 là khả năng nghe gọi tuyệt vời. Chấm hết.

Sau khi hợp tác tạo ra E1, Motorola và Apple đường ai nấy đi và thiết kế ra những chiếc điện thoại nghe nhạc của riêng họ. Moto tung ra nhiều mẫu Rokr khác có khả năng đồng bộ hóa với RealPlayer hay Windows Media Player chứ không phải với iTunes, còn Apple thì... chắc bạn biết rồi nhỉ?

4. Nokia N-Gage (2003)

N-Gage là nỗ lực của Nokia nhằm đối đầu với chiếc Game Boy Advance của Nintendo. Với giá gấp 3 lần chiếc GBA, N-Gage là một thiết bị lai giữa điện thoại chạy Symbian và một hệ máy chơi game, với bố cục nút bấm kỳ quặc và màn hình dọc không hề phù hợp để chơi nhiều thể loại game, như Sonic N chẳng hạn. N-Gage gặp bất lợi từ khi ra mắt với chỉ 6 tựa game có sẵn, trong khi GBA có khả năng tương thích ngược với toàn bộ các tựa game Game Boy của Nintendo. Tệ hơn nữa, N-Gage có loa thoại và tai nghe đặt trên đỉnh, khiến khi cầm máy để nghe điện thoại, bạn trông như đang đưa một chiếc bánh taco lên tai vậy.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 4.

Nokia N-Gage

Dù sao thì N-Gage cũng có một vài tựa game rất được yêu thích, như Pocket Kingdom: Own the World - một tựa game RPG mà bạn có thể chơi trực tuyến ở bất kỳ đâu. Nó còn mở màn cho trào lưu "Sidetalkin", một phong trào chế meme trong đó người ta sẽ chụp ảnh chính họ đang đưa những vật kỳ quặc - các máy chơi game console, hộp pzza, bánh tacos... - lên đặt cạnh tai như thể đang nghe điện thoại.

Năm 2004, Nokia tung ra N-Gage QD, nhỏ hơn và không còn tai nghe đặt trên đỉnh máy nữa, nhưng doanh số của nó vẫn thấp hơn mong đợi của Nokia. Nokia tìm cách hồi sinh thương hiệu N-Gage cho một dịch vụ game di động vào năm 2007, nhưng cũng chỉ duy trì được vài năm mà thôi. Ai đã giết nó? iPhone - chiếc điện thoại mang lại trải nghiệm chơi game di động mà mọi người đều mong muốn.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 5.

Samsung Galaxy Note 7

5. Samsung Galaxy Note 7 (2016)

Không như những chiếc điện thoại khác trong danh sách, Samsung Galaxy Note 7 từng được kỳ vọng là một thiết bị đỉnh cao, nhận được nhiều lời tán dương từ các reviewer ngay trước sự kiện ra mắt. Nhưng nó cũng là chiếc điện thoại duy nhất trong danh sách bị cấm mang lên máy bay bởi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ vì lỗi pin dễ cháy nổ. Samsung không thể giải quyết vấn đề sau lần triệu hồi máy đầu tiên, khi mà một chiếc Note 7 hàng thay thế bất ngờ bốc cháy trên máy bay, khiến hãng quyết định chấm dứt hoàn toàn vòng đời của thiết bị này. Và nếu bạn quyết định ngó lơ vụ triệu hồi máy của Samsung, thì hãng này cũng khiến Note 7 thành cục gạch chỉ với một bản cập nhật phần mềm!

Nếu không phải vì thảm họa pin, Note 7 có lẽ đã là một món hàng hot khi nó được trang bị màn hình uốn cong về hai viền, pin trâu và camera có thể khiến iPhone phải run sợ. Trang tin Engadget nói rằng "nó là chiếc điện thoại tuyệt nhất Samsung từng tạo ra - trước khi nó bắt đầu phát nổ".

Samsung sau đó bán tung ra một phiên bản dành cho người hâm mộ - Fan Edition - của Note 7, với pin nhỏ hơn, an toàn hơn, vào giữa năm 2017, nhưng chỉ bán tại Hàn Quốc. Và dù Note 8 cũng bị hoài nghi sau sự cố của người tiền nhiệm, chiếc Note mới này vẫn bán đắt như tôm tươi. Note 7 là một chiếc điện thoại tồi tệ hiếm hoi dẫn đến một thứ khác tốt hơn.

CHẬM CHÂN MẤT PHẦN

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 6.

Palm Treo 700W

Palm Treo 700W (2006)

Tại một buổi họp báo của Palm vào năm 2005, CEO Microsoft là Bill Gate đã xuất hiện và công bố Palm sẽ tung ra một chiếc smartphone Treo chạy Windows Mobile, một chiếc điện thoại hợp nhất giữa hai nền tảng nhắm đến người dùng doanh nghiệp. Điều đáng nói là Microsoft và Palm đã luôn cạnh tranh khốc liệt trong nhiều năm trước đó, và hệ điều hành Palm OS chính là điểm nổi bật nhất trên chiếc Treo, thì việc tung ra một chiếc Treo chạy Windows Mobile chẳng khác gì Palm đã tung cờ trắng. Xuất hiện vào đầu năm 2006, Treo 700W thiếu vắng hầu hết những điểm nhấn về mặt phần mềm vốn làm nên cái hay của các thế hệ Treo trước đó. Tệ hơn nữa, nó như một chiếc máy vô hồn.

Tuy nhiên, Palm thực ra có trang bị cho 700 W một số tính năng hữu dụng, như màn hình Today và quay số nhanh những liên hệ yêu thích trong danh bạ bằng cách gán họ vào các phím riêng.

Treo 700W sau đó được thay thế bằng một phiên bản nâng cấp nhẹ là 700WX vào cuối năm 2006. Nhưng sự xuất hiện của chiếc iPhone đầu tiên vào tháng 1/2007 ngay lập tức biến mọi thiết bị Windows Mobile thành những con khủng long già cỗi. Palm đặt cược số phận công ty vào một chiếc điện thoại hoàn toàn mới mang tên Pre, nhưng kết cục bị HP thâu tóm và tiêu diệt.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 7.

BlackBerry Z10

BlackBerry Z10 (2013)

Z10 là chiếc điện thoại đầu tiên chạy hệ điều hành BlackBerry 10, một nỗ lực muộn mạng nhằm hiện đại hóa điện thoại BlackBerry trong thời đại màn hình cảm ứng. Dù phần cứng mạnh mẽ, sự thiếu hụt phần mềm dành cho BlackBerry 10 ngay lập tức trở thành bản án tử đối với nền tảng còn non trẻ, chưa kể bản thân nó gặp phải một vài phiền toái nho nhỏ. Đối với hầu hết người hâm mộ BlackBerry, chẳng có lý do gì khiến họ phải cân nhắc mua Z10, thay vào đó họ quyết định đợi chiếc Q10 với bàn phím vật lý ra mắt vào cuối năm đó.

Z10 được trang bi một số tính năng thú vị về mặt phần mềm, như điều hướng cử chỉ, ứng dụng Hub đóng vai trò trung tâm thông báo tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, và một bàn phím ảo với tính năng dự đoán từ cực tốt.

BlackBerry vẫn kiên trì với BlackBerry 10 cho đến tận năm 2015, trước khi quyết định đầu hàng và chuyển sang sản xuất điện thoại Android.

ZTE Open (2013)

ZTE Open chạy hệ điều hành Firefox OS do Mozilla - hãng phi lợi nhuận đứng sau trình duyệt Firefox - phát triển nhằm mang lại cho người tiêu dùng một hệ điều hành có khả năng chạy trên các thiết bị siêu rẻ ở các thị trường mới nổi, nơi những chiếc điện thoại Android giá rẻ vẫn là quá đắt. Nhưng so với những chiếc điện thoại Android có giá chỉ cao hơn một chút, chiếc ZTE Open giá 80 USD lại chậm chạp, tốc độ phản hồi kém, và khả năng thực hiện các cuộc gọi, chụp ảnh, hay các tác vụ khác đều kém hơn nhiều. Và Firefox OS, vốn được kỳ vọng sẽ đơn giản và dễ sử dụng, lại trở nên thô sơ quá mức.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 8.

ZTE Open

ZTE Open có hai màu xanh dương và cam - chính là những màu đặc trưng của Firefox.

Chính vì những chiếc điện thoại Android rẻ nhất có giá cũng chỉ dưới 100 USD, nên Firefox OS nhanh chóng mất đi lý do tồn tại của nó. Nền tảng này không bao giờ bắt kịp được các đối thủ và bị Mozilla chính thức khai tử vào năm 2016.

SANG KHÔNG ĐÚNG CHỖ

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 9.

Motorola Aura R1

Motorola Aura R1 (2009)

Một thập kỷ trước, hai trong số những ứng dụng được nhiều người yêu thích nhất trên điện thoại di động là chụp ảnh và lướt web. Thời điểm đó, cả ảnh và các trang web đều có hình vuông. Nhưng Motorola Aura R1 - một chiếc dumbphone giá 2.000 USD - lại có màn hình tròn và do đó, bất kỳ nội dung gì có góc nhọn đều hiển thị một cách tệ hại trên màn hình của chiếc điện thoại siêu sang này. Giống như Vertu, Moto có ý định tạo ra một chiếc điện thoại mang đến cảm giác như một chiếc đồng hồ đeo tay chế tác thủ công tuyệt đẹp; chiếc Aura của họ thậm chí còn có một cửa sổ để người dùng nhìn thấy các bánh răng xoay bên trong mỗi khi họ xoay để mở máy. Quả là hay ho, nhưng Moto đã phí phạm thời gian trong thời điểm iPhone đang bận rộn thay đổi thị trường điện thoại mãi mãi.

Vào năm 2009, Moto rung ra phiên bản đặc biệt của chiếc Aura nhằm kỷ niệm 40 năm tàu Apollo 11 hạ cánh xuống mặt trăng. Hãng đã tặng chiếc máy đầu tiên cho Neil Armstrong, người chắc chắn xứng đáng được có một chiếc điện thoại miễn phí!

Thời bấy giờ, các công ty như Motorola xem những chiếc điện thoại siêu xang là thị trường cho họ độc bá, đưa ra những mức giá chỉ có trời mới trả nổi. Đến năm 2010, Apple giới thiệu iPhone 4 với thiết kế công nghiệp bóng bẩy và chất liệu cao cấp đến nhiều người dùng di động trên toàn thế giới - một động thái gây ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp di động, và biến những chiếc điện thoại như Aura trở nên vô nghĩa.

Aesir AE+Y (2011)

Nhà thiết kế Yves Behar đã giúp hãng Aesir của Đan Mạch tạo ra chiếc điện thoại này. Nghe có vẻ hoành tráng, nhưng đây là chiếc điện thoại được đánh giá là..."ngu" như một chiếc dumbphone giá rẻ, khi mà nó chẳng hề có kết nối Internet lẫn khả năng cài đặt các ứng dụng. Nhưng chiếc điện thoại mạ vàng này lại có một số tính năng cao cấp như vỏ sứ và các nút bấm tháo rời được. Ngay cả những con ốc của máy cũng được làm bằng kim loại chứ không phải nhựa như thông thường. Và đây là giá của nó: 8.100 USD với bản thường, và...60.000 USD cho bản mạ vàng 18K.

Theo Aesir, AE+Y được thiết kế với điểm mạnh là ăng-ten bắt sóng cực mạnh và chất lượng âm thanh cực tốt... Ai phản đối được điều đó chứ?

Nhà sáng lập Aesir cho biết ông mong muốn AE+Y sẽ không bị lỗi thời trong một thập kỷ kể từ ngày ra nó ra đời. Nhưng đến nay, có vẻ chẳng còn ai dùng chiếc máy này nữa.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 10.

Aesir AE+Y

Vertu Constellation Quest Blue (2012)

Vertu, một nhãn hiệu tách ra từ Nokia, là đứa con tinh thần của một nhà thiết kế từng làm cho Nokia, người đã nung nấu ý tưởng về một công ty điện thoại siêu sang từ năm 1997. Vertu không sản xuất được chiếc điện thoại nào cho đến năm 2002, nhưng khi chiếc điện thoại đầu tiên của họ ra mắt, nó đã khiến cả thế giới trầm trồ với chất liệu hạng sang, nạm đá quý, và có giá lên đến 19.450 USD. Vertu chỉ quan tâm đến thú vui chứ không màng đến công nghệ: chiếc Constellation Quest Blue, ra mắt 5 năm sau chiếc iPhone đầu tiên, chạy hệ điều hành Symbia từ thời cô Lựu và không hề có màn hình cảm ứng. Giá của nó là bao nhiêu? Chẳng ai biết được, bởi chỉ có những người đặt hàng mới được báo giá.

Constellation Blue có một nhạc chuông độc quyền được thu âm bởi dàn nhạc giao hưởng London, nghe có vẻ đầy cao ngạo nhưng rất hay.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 11.

Vertu Constellation Quest Blue

Vertu (đã phá sản và hồi sinh năm ngoái) được thành lập để trả lời cho câu hỏi "Tại sao một chiếc điện thoại không thể sang trọng như một chiếc đồng hồ cao cấp?". Câu trả lời là, bởi điện thoại không phải là những khoản đầu tư dài hạn, trừ khi đó là vật gia truyền, nhưng dường như các nhà sáng lập lẫn khách hàng của Vertu đều chẳng quan tâm cho lắm.

CHẾT VÌ QUẢNG CÁO LÁO

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 12.

Bạn không thể thấy tính năng lớn nhất của HTC EVO 3D - màn hình 3D của nó - trong bức ảnh này!

HTC EVO 3D (2011)

Tính năng độc đáo của EVO 3D là màn hình hiển thị nội dung 3D có thể xem không cần kính và cụm camera kép để chụp ảnh 3D. Tuy nhiên, đây là những tính năng chỉ để cho vui, khi mà camera chỉ đạt chất lượng trung bình, pin máy thì yếu, và thiết kế máy không có thanh đỡ sau lưng tiện lợi như chiếc HTC EVO 4G cao cấp hơn.

HTC sau đó không bao giờ làm thêm chiếc điện thoại 3D nào nữa, nhưng họ lại mang cụm camera kép lên chiếc HTC One M8 vài năm sau đó.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 13.

HTC Surround

HTC Surround (2010)

Microsoft cần một đội quân điện thoại thực sự vượt trội để đưa hệ điều hành di động mới của họ - Windows Phone 7 - lên bản đồ của ngành công nghiệp di động. HTC Surround đã không thể giúp được gì. Cụm loa trượt ra của máy khiến nó cồng kềnh hơn, nhưng lại chẳng cải thiện được bao nhiêu chất lượng âm thanh. Kết hợp với sự thiếu hụt ứng dụng và các tính năng phải có như sao chép/dán (lỗi của Windows Phone), điều duy nhất Surround giúp được Microsoft là đảm bảo cho Windows Phone 7...tụt hậu xa hơn đằng sau các đối thủ khác.

Surround là một trong số ít các điện thoại HTC đươc trang bị thanh chống ở mặt lưng - một tính năng hiếm có nhưng thuận tiện.

Dù thất bại, nhưng HTC vẫn tiếp tục tung ra nhiều điện thoại Windows Phone cho đến năm 2014, bao gồm những chiếc điện thoại tốt hơn nhiều, như HTC 8X chẳng hạn. Nhưng nền tảng Windows Phone không bao giờ bắt kịp iOS và Android, dẫn đến việc Microsoft phải ngừng phát triển nó vào năm 2017.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 14.

Kyocera Echo

Kyocera Echo (2011)

Để có thể nổi bật giữa một rừng điện thoại Android, Kyocera Echo được trang bị thêm một màn hình thứ 2, có thể mở hướng ra ngoài quanh một bản lề, cho phép người dùng chạy hai ứng dụng song song, gõ văn bản trên một màn hình mà không che mất đi màn hình còn lại, và kéo giãn các ứng dụng để phủ kín hai màn hình. Công nghệ lúc đó đơn giản là vẫn chưa sẵn sàng, khi mà người dùng phải chấp nhận phần cứng nặng nề, pin yếu, và phần mềm được tối ưu hóa chưa tốt.

Ngay cả những nhà phê bình mạnh miệng cũng phải thừa nhận rằng chạy hai ứng dụng smartphone song song trên hai màn hình riêng biệt là một trải nghiệm đầy thú vị.

Concept điện thoại 2 màn hình này sau đó đã được ZTE vay mượn vào cuối năm 2017 với chiếc Axom M độc quyền bán trên nhà mạng AT&T. Axon M rõ ràng tốt hơn Echo, nhưng đều có cùng những vấn đề cốt lõi. Có lẽ một ngày nào đó, điện thoại với màn hình gập sẽ trở nên tốt hơn nhiều so với những năm 2011.

RED Hydrogen One (2018)

Dù RED nổi danh với các camera chuyên nghiệp độ phân giải cao, large format, nhưng chiếc smartphone Hydrogen One của họ lại tập trung vào 3D, với màn hình holographic cho phép xem nội dung 3D không cần kính và cụm camera kép để chụp ảnh 3D. Giống như HTC EVO 3D từ 7 năm trước, những tính năng nói trên có vẻ chỉ là mánh lới quảng cáo. Nhiều reviewer chê thiết bị này có màn hình tốt, thiết kế cồng kềnh, và hiệu năng camera kém khi chụp ảnh 2D. Chưa hết, những mô-đun bổ trợ được RED hứa hẹn từ bấy lâu - đặc tính chung lớn nhất mà Hydrogen One có với các camera của RED - vẫn chưa được hiện thực hóa và thậm chí đã biến mất hoàn toàn khỏi các chương trình khuyến mãi/quảng cáo của công ty.

Những mô-đun của Hydrogen One có thể trở nên thú vị một ngày nào đó, dù cho lịch sử khá rắc rối của các điện thoại mô-đun lại cho thấy điều ngược lại.

Hydrogen One mới chỉ ra mắt vào cuối năm ngoái, do đó số phận của nó vẫn chưa an bài. Nhưng xét việc chiếc điện thoại này chỉ được nhắc đến rất ít ỏi trên website của RED cho thấy nó sẽ không thọ lâu.

TỰ CAO TỰ ĐẠI

HTC First (2013)

Mark Zuckberberg từ lâu đã không vui khi iOS và Android chiếm được sự tin tưởng của đại đa số người dùng trước khi Facebook có cơ hội bước chân vào cuộc chiến: "Một trong những nuối tiếc lớn của tôi là Facebook không có cơ hội thực sự để gây dựng nên một hệ sinh thái hệ điều hành di động". Do đó không bất ngờ khi công ty này tạo ra Facebook Home, một ứng dụng màn hình chính và màn hình khóa dành cho Android, trong đó tập trung hiển thị hoạt động của bạn bè trên Facebook thay vì các ứng dụng đang cài đặt trên thiết bị như thông thường. HTC First là chiếc smartphone đầu tiên (và cũng là duy nhất) được cài đặt sẵn ứng dụng này. Ý tưởng có vẻ thú vị, nhưng nó khiến việc khởi chạy các ứng dụng khác trở nên tốn thời gian, và tính hữu dụng của nó cũng không cao vì người dùng thà mở ứng dụng Facebook lên còn nhanh hơn. Trong khi đó, phần cứng của HTC lại chỉ có một camera thường thường bậc trung, quả là một lựa chọn tồi tệ cho một chiếc điện thoại có mục đích chính là để chia sẻ ảnh lên Facebook.

Một số reviewer cho biết bạn có thể ngừng kích hoạt Facebook Home hoàn toàn để có được một chiếc điện thoại không hề có phần mềm rác, chạy Android gốc, với giá hợp lý.

Một nguồn tin cho biết HTC First chỉ bán được 15.000 máy trong tháng đầu tiên. Nhà mạng đối tác của HTC là AT&T thì nhanh chóng ngừng bán thiết bị và bán số hàng tồn với giá chỉ 99 cent kèm hợp đồng. Một chiếc điện thoại Facebook vào năm 2013 có thể là một ý tưởng không mấy hấp dẫn, còn hiện nay, đó lại là một ý tưởng có phần đáng sợ.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 15.

HTC First

Amazon Fire Phone (2014)

Tin đồn về một chiếc smartphone của Amazon bắt đầu xuất hiện vào năm 2011, khiến người ta kỳ vọng rằng thiết bị với phần cứng giá tốt và phần mềm đơn giản này sẽ là một mối đe dọa thực sự đến hệ sinh thái Android của Google. Tuy nhiên, sản phẩm cuối cùng lại không rẻ hơn các điện thoại flagship khác, nhưng có số lượng ứng dụng ít hơn nhiều - trong đó không có ứng dụng nào từ Google cả - và phần mềm thì chưa mượt mà. Những tính năng độc nhất của Fire Phone, bao gồm camera theo dõi khuôn mặt để tạo hiệu ứng đồ họa ba chiều và một nút bấm để xác định các đồ vật trong thế giới thực - cả hai đều không đủ hữu dụng để người tiêu dùng bỏ tiền ra.

Chiếc điện thoại này còn bao gồm 1 năm thành viên Amazon Prime, nhờ đó người dùng có thể tận hưởng phim, sách, và nhạc có bản quyền ngay khi mua. Tính năng "Mayday" cho phép ngay lập tức gọi một hỗ trợ viên để giải quyết vấn đề cũng là một tính năng thú vị.

Nhận thấy chiếc điện thoại của mình là một cứ bước hụt, Amazon nhanh chóng đại hạ giá và dọn sạch kho hàng, tiêu tốn một khoản tiền 170 triệu USD. CEO Jeff Bezos - người tham gia rất sâu vào quá trình phát triển Fire Phone - đã khẳng định rằng dù thất bị, Fire Phone đã giúp công ty học hỏi từ sai lầm của chính mình.

ĐƠN GIẢN LÀ KỲ QUẶC

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 16.

Toshiba G450

Toshiba G450 (2008)

Chiếc điện thoại/máy nghe nhạc MP3 tí hon này có những thành phần với thiết kế quái lạ, như bàn phím số được chia thành 2 vòng tròn. Nó còn thiếu các tính năng cơ bản như Bluetooth và camera. Chưa hết, mỗi nút bấm nói trên lại thực hiện những chức năng khác nhau tùy thuộc vào phần menu hệ thống bạn đang thấy trên màn hình... Quả là khó hiểu?!

Chiếc G450 có thể kiêm vai trò modem di động cho laptop của bạn, một tính năng khá hữu dụng vào năm 2008. Bạn cũng có thể dùng nó làm ổ đĩa USB nữa.

Dù ra mắt sau iPhone, nhưng G450 làm chúng ta nhớ đến thời kỳ tiền iPhone, khi mà các hãng sản xuất điện thoại cố nhồi nhét nhiều chức năng nhỏ lẻ vào một thiết bị, để rồi cuối cùng tạo ra một thứ chẳng hề tuyệt chút nào.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 17.

Motorola Flipout

Motorola Flipout (2010)

Vào năm 2010, Motorola vẫn chưa bị thuyết phục rằng mọi chiếc smartphone nên được thiết kế theo hình chữ nhật. Do đó, hãng tung ra một chiếc điện thoại hình vuông với màn hình xoay ra để lộ bàn phím vật lý, mang tên FlipOut. Theo một cách nào đó, FlipOut giống như một chiếc BlackBerry có thể thu gọn được, nhưng lúc này, phần lớn thế giới smartphone đã tạm biệt bàn phím vật lý. Màn hình 2.8-inch của máy thì quá nhỏ, không thể tận dụng được hệ điều hành Android, và giao diện MotoBlur của Motorola cũng chẳng khiến nó hấp dẫn hơn là bao.

Màn hình trượt ra sẽ để lộ một tấm gương ở mặt sau nhằm hỗ trợ người dùng selfie - một ý tưởng tuyệt vời trươc skhi camera trước trở thành quy chuẩn chung.

Dù Motorola tung ra một loạt các điện thoại sau này với bàn phím vật lý, hãng không bao giờ tung ra một chiếc smartphone khác với màn hình nhỏ như FlipOut nữa. Thực ra là mọi hãng khác đều làm điều tương tự.

SUÝT LỌT TOP 20

Đây là những chiếc điện thoại "may mắn" không lọt vào top 20 điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, nhưng vẫn xứng đáng bị bêu tên trong bài viết này.

LG 1010 (2002): chiếc điện thoại này bị người dùng tố là có đến 90% số thiết bị bán ra có thể bị mất sóng và không bao giờ lên lại được nữa, biến nó thành một cục gạch không hơn không kém. Có người còn cho biết điều đó từng xảy ra với một khách hàng mua 1010 chỉ sau 2 tiếng mang về nhà.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 18.

Bang & Olufsen Serene

Bang & Olufsen Serene (2005): B&O hợp tác với Samsung để làm ra cheiecs điện thoại giá 1275 USD này. Nó có một dialpad vòng tròn ở nửa trên, màn hình ở nửa dưới, và camera ở bên cạnh (bạn có thể lật nó để đưa màn hình lên trên nếu muốn). "Trông nó như trò lừa đảo, nhưng không phải" - một người nói.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 19.

Nokia 7280

Nokia 7280 (2005): chiếc điện thoại son môi của Nokia gây ấn tượng bởi thiết kế táo bạo, nhưng lại không có dialpad. Bạn có thể nhập số thông qua một bánh xe lăn như iPod - chậm chạp và tẻ nhạt.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 20.

Pantech Jest

Pantech Jest (2010): một chiếc điện thoại hình vuông kỳ quái với bàn phím bé tí trượt ra, kèm một cái tên kỳ lạ.

20 chiếc điện thoại củ chuối nhất thế kỷ, và tại sao chúng lại tệ đến thế - Ảnh 21.

HTC Rhyme

HTC Rhyme (2011): hướng đến nữ giới, tính năng độc đáo của chiếc Rhyme màu tìm là một món phụ kiện phát sáng khi bạn nhận được cuộc gọi. Trên lý thuyết, điều đó có vẻ hữu dụng nếu chiếc điện thoại bị vùi lấp trong túi xách, nhưng món phụ kiện này lại chiếm dụng jack headphone, bỏ túi đã khó, đèn lại không sáng lắm khiến bạn khó thấy được trong mọi môi trường.

Tham khảo: FastCompany