Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ tại sự kiện ký kết hợp tác về đào tạo và khoa học công nghệ giữa FPT với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) vào ngày 7/3 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Khoa kể, cách đây khoảng 5 năm, FPT hơi “hụt hơi” trong việc tuyển dụng những nhân sự công nghệ giỏi mới ra trường. Một trong những lý do là khó cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam. “Khi xem xét lại toàn bộ lương, thưởng, đãi ngộ dành cho sinh viên công nghệ mới ra trường, chúng tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam đang thua xa các công ty đa quốc gia”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.
Từ thực tế đó, trong 4 năm trở lại đây, FPT đã có nhiều thay đổi để thu hút và giữ chân các nhân sự công nghệ chất lượng cao, cụ thể như: điều chỉnh mức lương, thưởng để bằng thậm chí là nhỉnh hơn các công ty toàn cầu tại Việt Nam; đưa ra nhiều bài toán lớn, thách thức và có tính toàn cầu tạo sức hút. Ngoài ra, FPT còn mạnh dạn tuyển dụng 1 Giám đốc nhân sự thế hệ 9x, góp phần tạo ra nhiều thay đổi trong công tác nhân sự của tập đoàn.
Tổng giám đốc FPT cho hay, tại cuộc họp chiến lược năm 2023 của VINASA mới đây, lần đầu nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội cho biết rất khó lấy nhân sự của FPT, khác với mấy năm trước chỉ cần trả mức lương nhỉnh hơn là có thể lấy được. Hai điểm cơ bản đưa đến sự thay đổi này là thu nhập của nhân sự công nghệ tại FPT đã được điều chỉnh hấp dẫn hơn và các bài toán mà đơn vị đang giải là những bài toán toàn cầu, đưa lại nhiều cơ hội cho những người làm công nghệ.
Nói về mối quan hệ hợp tác với PTIT, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định, Học viện là 1 trong những trường cung cấp nhiều nhân sự chất lượng cao cho FPT. Thống kê cho thấy, hiện có 1.042 cựu sinh viên PTIT làm việc tại FPT. Trong đó, có những người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, nắm giữ nhiều trọng trách quan trọng ở Việt Nam và trên thế giới như: Giám đốc phụ trách thị trường châu Âu của FPT Software Lê Hồng Hải, Giám đốc Phụ trách sản xuất của FPT Software Vũ Tiến Đạt, Phó Giám đốc chi nhánh - Công ty FPT Telecom Nguyễn Xuân Bách.
Theo chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng PTIT, hai đơn vị đã có nhiều hợp tác ý nghĩa. Khóa đào tạo đầu tiên của PTIT chỉ có hơn 40 sinh viên thì có tới 1/4 làm việc tại FPT. Có những năm 1 khoa có hơn 200 sinh viên thực tập tại FPT. Ngoài ra, những dự án lớn của FPT đều có bóng dáng của thầy và trò PTIT.
“Thời gian tới, PTIT đặt mục tiêu tăng trưởng lớn, chúng tôi sẽ nỗ lực đồng hành cùng FPT để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của tập đoàn”, Tiến sĩ Từ Minh Phương cam kết.
Để mở rộng hơn nữa mạng lưới nhân lực, đào tạo và nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực công nghệ và điện tử viễn thông, FPT và PTIT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác mới.
Theo đó, ở lĩnh vực đào tạo, FPT sẽ tạo điều kiện để sinh viên, giảng viên của PTIT đi thực tập, nghiên cứu tại các cơ sở, công ty thành viên trực thuộc. FPT cũng hỗ trợ học bổng cho các chương trình đào tạo đại học và sau đại học của PTIT và hỗ trợ xây dựng học liệu, phòng thí nghiệm.
Cùng với đó, PTIT sẽ phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo đại học, sau đại học và chuyên sâu đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho FPT. Hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu thương hiệu và cơ hội công việc tại FPT tới sinh viên học viện mỗi năm.
Ở lĩnh vực Khoa học và công nghệ, 2 đơn vị sẽ đồng hành phát triển tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu chung.
Đầu năm 2023, FPT chào đón nhân sự thứ 60.000 trong năm sinh nhật lần thứ 35. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang giúp doanh nghiệp công nghệ này tăng trưởng bền vững. Kết thúc năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 100% lợi nhuận được thông qua tại Đại hội đồng Cổ đông 2022.