Cụ thể, theo thông tin nhận được từ các nhà mạng, kể từ 0h ngày 6/1 đến 22h00 ngày 7/1/2018, hệ thống cáp quang biển quốc tế APG sẽ tiến hành di chuyển cáp tại Singapore phục vụ việc mở rộng sân bay Changi của Chính phủ Singapore. Được biết, trong dịp này, sự cố xảy ra trên cáp nhánh hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore cũng sẽ được xử lý.
Cũng theo kế hoạch của đối tác quốc tế mới được thông tin tới các nhà mạng Việt Nam, kể từ ngày 6/1/2018, đối tác sẽ tiến hành cấu hình lại nguồn tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, dự kiến đến ngày 9/1/2018 khôi phục xong hoàn toàn tuyến cáp AAG.
Trong quá trình 2 tuyến cáp biển quốc tế AAG, APG được tiến hành di dời và cấu hình hệ thống, lưu lượng kênh truyền kết nối Internet quốc tế trên các tuyến cáp biển này có thể tạm thời bị gián đoạn, ảnh hưởng đến các nhà mạng quốc tế và Việt Nam.
Trao đổi với ICTnews, đại diện các ISP tại Việt Nam như VNPT, FPT Telecom, CMC Telecom, NetNam… đều khẳng định, do nắm được kế hoạch nên đều đã có phương án để đảm bảo dịch vụ cung cấp cho các khách hàng. Tuy nhiên, các nhà mạng cũng cho biết AAG và APG là 2 tuyến cáp quốc tế đang chiếm tỷ trọng dung lượng Internet Việt Nam kết nối đi quốc tế lớn, do đó trong dịp cuối tuần này, chất lượng dịch vụ Internet quốc tế của một số khách hàng vẫn bị ảnh hưởng.
Thông tin từ VNPT cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo, VNPT đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức định tuyến, ưu tiên lưu lượng trên các hướng cáp biển khác và tuyến cáp quốc tế chạy trên đất liền đang hoạt động ổn định nhằm đảm bảo chất lượng kết nối quốc tế cho các khách hàng. Song không thể tránh khỏi tình trạng ảnh hưởng đến chất lượng kết nối Internet của một số khách hàng.
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác và sẽ cập nhật thông tin tới khách hàng khi có tình hình mới. VNPT rất mong khách hàng thông cảm và chân thành xin lỗi khách hàng vì sự bất tiện trên”, đại diện VNPT cho hay.
Đại diện CMC Telecom cho biết, đã mua dung lượng ứng cứu qua tuyến cáp đất liền để bù đắp dung lượng kết nối đi quốc tế bị ảnh hưởng do các tuyến cáp biển APG và AAG gián đoạn liên lạc trên kênh truyền trong những ngày tới.
Tuyến cáp AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Là tuyến cáp biển mới, APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư. Có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom, APG được nhận định sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.
Với tổng chiều dài khoảng 10.400 km, APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tb/s và con số này mang lại tốc độ Internet nhanh hơn khoảng gần 20 lần nếu so với AAG. APG là tuyến cáp biển sử dụng công nghệ mới nhất: 40Gbps/1 bước sóng (có khả năng chuyển lên công nghệ 100Gbps/1 bước sóng) giúp kết nối trực tiếp các nước châu Á - Thái Bình Dương đến các nền kinh tế lớn: Mỹ, Úc, Ấn Độ, châu Phi với dung lượng lớn từ đó đáp ứng sự tăng trưởng theo cấp số nhân nhu cầu băng rộng khu vực châu Á. Dự án APG đã thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)…