Ngày 3/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, dịp Tết Dương lịch 2023, bệnh viện đã ghi nhận gần 20 trường hợp ngộ độc rượu. Trong đó, có 2 trường hợp tử vong trước khi vào viện. Các nạn nhân đều sử dụng nhiều bia rượu trong các buổi liên hoan cuối năm.
BS Nguyễn Văn Thiện - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, ngộ độc rượu có hai loại là ngộ độc ethanol và ngộ độc methanol, đa số các trường hợp là ngộ độc ethanol.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (không kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Ngộ độc rượu diễn ra khi người bệnh uống rượu quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.
Theo BS Thiện, một số trường hợp ngộ độc do methanol trong rượu, đây là loại rượu bán trôi nổi trên thị trường. Methanol là dung môi được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp như pha sơn, lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, mực máy in…
Ngộ độc rượu có pha methanol là nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều so với ngộ độc ethanol. Sau một vài giờ uống rượu, methanol đi vào cơ thể chuyển hóa nhanh thành các axit gây độc cho tất cả các tế bào, đặc biệt các tế bào não, gan và thị giác.
Người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực. Nặng hơn có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những trường hợp người bệnh được cấp cứu cũng có thể phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…
Ngoài ra, lái xe khi đã uống rượu là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông, có những năm số lượng vụ tai nạn giao thông tăng đột biến, gây khó khăn cho việc cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Uống rượu cũng là yếu tố gây ra các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý mạch máu não, loạn thần do rượu…”, BS Thiện thông tin.
Tương tự, dịp lễ Tết, khi nhu cầu sử dụng rượu, bia gia tăng, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cảnh báo, không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong.
Cụ thể, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong.
Để phân biệt hai loại rượu này, TS.BS Nguyên cho biết, khi uống rượu pha methanol có vị hơi ngọt, chứ không đắng như rượu thông thường. Thậm chí, khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.
Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu, co giật, hôn mê… Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tiết chế, điều độ khi uống rượu, tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khi thấy có biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.