Tại phiên chất vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, phủ sóng vùng sóng lõm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) nhắc đến con số 761 thôn chưa có sóng di động (tính tháng 9/2024) và đặt câu hỏi: “Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này và đến bao giờ các thôn mới có sóng di động để người dân giảm bớt khó khăn?”. 

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19, chúng ta mới phát hiện ra khá nhiều vùng lõm sóng viễn thông. Bởi lúc đó chỉ còn mỗi cách là làm việc, học trực tuyến. Gần đây, khi chúng ta chuyển lên môi trường số nhiều hơn, mua bán thương mại điện tử, làm việc thì mới chú ý nhiều hơn đến vùng lõm sóng.

Trong giai đoạn COVID-19, mặc dù chưa có Nghị định mới, chúng ta đã bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép và đã phủ sóng được 2.500 thôn, bản lõm sóng; hơn 700 vùng lõm sóng mới gần đây phát hiện. Bộ trưởng cho rằng thời gian tới chắc sẽ còn phát hiện thêm.

Với hơn 700 vùng lõm sóng này, để phủ sóng viễn thông, cần phải tuân theo quy định của Luật Viễn thông mới và Nghị định mới. Đến nay, Nghị định chưa được ban hành, chậm trễ do nhiều nguyên nhân, song Bộ trưởng nhận trách nhiệm cá nhân về việc này.

Theo Bộ trưởng, Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông theo kế hoạch phải ban hành đúng ngày 1/7/2024. Bộ Thông tin và Truyền thông đang cố gắng để trong tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm nay.

Thông tin thêm về Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Nghị định sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn rất nhiều để xây dựng các trạm phủ sóng viễn thông ở vùng sâu, vùng xa. Trước đây, cơ chế cũ là trong vòng mười mấy năm không làm được hỗ trợ hạ tầng phủ sóng viễn thông. Cho nên khi Nghị định mới ban hành, chuyện phủ sóng viễn thông sẽ được diễn ra rất nhanh.

Đối với những trạm phủ sóng viễn thông ở khu vực chưa có điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực song tiến độ chưa thể nhanh và hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tính thêm phương thức phủ sóng qua vệ tinh.

"Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi mà chúng ta không thể phủ sóng bằng di động mặt đất được hoặc không hiệu quả, khó triển khai. Đây cũng là một giải pháp để phủ sóng hầu hết được các cụm dân cư, thôn, bản lõm sóng hiện nay," Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh tháng 6/2025 sẽ phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng. Và đây là mục tiêu và cũng là lời hứa của Bộ trưởng.

"Bộ rất cương quyết bởi không có sóng viễn thông lúc này là ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, vì gần như toàn bộ cuộc sống chúng ta đã chuyển lên môi trường số," Bộ trưởng khẳng định và thông tin thêm hiện nay, đã phủ sóng 4G đến 99% dân số Việt Nam, tiệm cận các nước phát triển ở mức 99,4%.

Cũng liên quan đến phủ sóng di động tại các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng lõm sóng, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nêu rõ vấn đề phủ sóng di động tại các thôn vùng sâu, vùng xa đã được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh qua nhiều kỳ họp. Tuy nhiên, đến nay còn 721 thôn chưa có băng thông di động, trong đó có 124 thôn chưa có điện. Việc phủ sóng các thôn đã có điện cần có sự hỗ trợ của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi Covid-19 xảy ra mới phát hiện khá nhiều vùng lõm sóng. Đặc biệt gần đây, khi thương mại điện tử phát triển, nhu cầu hoạt động trên môi trường số tăng cao, thì các vùng lõm sóng cũng được quan tâm hơn.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong giai đoạn Covid-19, bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép, Bộ TT&TT đã chỉ đạo phủ sóng được 2.500 thôn bản. Hiện còn 761 vùng lõm sóng mới phát hiện, tuy nhiên phải thực hiện theo quy định mới của Luật Viễn thông và hiện tại nghị định hướng dẫn về Luật này chưa được ban hành. “Sự chậm trễ này có nhiều nguyên nhân và tôi nhận trách nhiệm này thuộc về cá nhân mình, đáng lẽ nghị định này phải được ban hành vào ngày 1/7/2024”, Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Trong năm 2024, Bộ TT&TT sẽ cố gắng để ban hành nghị định này. Khi nghị định này ra đời với nhiều cơ chế thông thoáng, việc phủ sóng cho 761 vùng lõm sóng sẽ được thực hiện rất nhanh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Mục tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) là phổ cập việc truy cập Internet băng rộng tới 100% hộ gia đình và 100% người dân có smartphone. Để đạt được điều này, vùng phủ sóng viễn thông rộng khắp cả nước.

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho biết theo khảo sát năm 2024, chỉ số hạ tầng viễn thông, internet tăng trưởng khá mạnh trong 2 năm gần đây. Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp ở nước ta đang hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ và ứng dụng số. Tuy nhiên, việc tiếp cận băng thông rộng di động của người dân hiện nay chưa nhiều, có sự chênh lệch khá rõ giữa các khu vực, các vùng miền, trong đó ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lại càng khó khăn hơn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ có chính sách gì để hỗ trợ người dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận băng thông rộng di động giữa các vùng, miền trong cả nước.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đối với vấn đề phủ sóng Internet, còn có độ vênh giữa các vùng thành phố với nông thôn về vấn đề này. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng cho biết chúng ta đã thực hiện phủ sóng, có nguồn lực để đầu tư phủ sóng vào những vùng lõm sóng.

Theo Bộ trưởng, trong năm nay, khi Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông được ban hành sẽ có hướng dẫn cụ thể. Về điện thoại di động, Bộ đang xây dựng chương trình, huy động từ Quỹ viễn thông công ích, ngân sách từ chương trình Sóng và máy tính cho em để có đủ máy điện thoại hỗ trợ bà con sử dụng.

Boxbai2.jpg