Ngay sau khi Công ty CP Dược phẩm TƯ CPC 1 có thông báo gửi các cơ sở y tế về việc tạm dừng xuất thuốc gây tê Bupivacaine do Ba Lan sản xuất, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu CPC 1 khẩn trương có giải pháp thay thế thuốc gây tê do Ba Lan sản xuất đã trúng thầu để đảm bảo hợp đồng đã ký kết theo quy định, đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Ngay sau đó, Cục Quản lý Dược đã có công văn hỏa tốc kèm danh sách 181 cơ sở y tế, nhà thầu, thuốc tiêm chứa Bupivacaine trúng thầu năm 2018 - 2019 và thông tin về 18 cơ sở sản xuất thuốc chứa Bupivacaine đang được lưu hành tại Việt Nam để cơ sở y tế liên hệ, thực hiện mua thuốc kịp thời đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân.
Danh sách 18 thuốc gây tê chứa Bupivacaine được cấp giấy lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực |
Theo tổng hợp báo cáo kết quả trúng thầu thuốc năm 2019 từ các Sở Y tế, các bệnh viện lớn gửi về Bộ Y tế, tính đến ngày 10/10/2019 có hơn 591.000 ống Bupivacaine trúng thầu của nhiều nhà sản xuất từ Pháp, Ba Lan, Italia, Na Uy, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam...
Trong số này, thuốc Bupivacaine của Pháp trúng thầu nhiều nhất với 229.000 ống, tiếp đó là thuốc Bupivacaine của công ty Warsaw Pharmaceutical Works Polfa S.A. do Ba Lan sản xuất với 222.000 ống.
Địa phương có thuốc Bupivacaine do Ba Lan sản xuất trúng thầu gồm có Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Nội, Đà Nẵng...
3 loại thuốc gây tê của Pháp chứa Bupivacaine là Bupivacaine Aguettant 5mg/ml, Bupivacaine for spinal anaesthesia Aguettant 5mg/ml và Marcaine Spinal Heavy đều là thuốc nhóm 1- uy tín nhất trong bản phân hạng 5 nhóm.
Cùng với thuốc gây tê của Pháp, các thuốc gây tê của Italia, Đức cũng được xếp vào nhóm 1, thuốc Việt Nam xếp nhóm 3, thuốc của Ấn Độ và Indonesia chủ yếu là nhóm 2 và nhóm 5.
Theo xếp hạng của Bộ Y tế, hãng dược Polfa của Ba Lan cùng với nhiều hãng dược của EU, Úc, Nhật... cũng nằm ở nhóm 1.
Cục Quản lý Dược nói rõ, trong trường hợp cần thay thế thuốc đã trúng thầu, các đơn vị phải chủ động liên hệ với cơ sở kinh doanh đã được Cục Quản lý Dược cung cấp trong phụ lục đính kèm nhằm nhập thuốc kịp thời, đảm bảo đủ thuốc sử dụng.
Trong trường hợp không lựa chọn được nhà thầu cung ứng thuốc thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, các cơ sở y tế có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp như mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn theo quy định luật đấu thầu của Bộ Y tế.
Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu cũng khẩn trương rà soát tình hình tồn kho, đảm bảo cung ứng thuốc, chủ động tăng cường nguồn cung trong trường hợp có nhu cầu thay thế thuốc.
Trước đó như đã đưa tin, tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng có 2 sản phụ tử vong và 1 sản phụ nguy kịch sau khi được dùng thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy của Ba Lan do Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC I cung ứng. Ngay sau đó, phòng mổ của BV này đã được niêm phong, lô thuốc gây tế trên đã được gửi mẫu đi kiểm tra.
T.Thư