- Đến sáng 16/12, đã có 18 công nhân cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) được xuất viện sau khi ổn định sức khỏe. 11 công nhân còn lại đang tiếp tục được theo dõi vì có triệu chứng bỏng đường hô hấp.

TIN LIÊN QUAN:
“Cháy toà nhà EVN giống vụ tháp đôi ở Mỹ “
Giải cứu nạn nhân vụ cháy tòa nhà 33 tầng
Kinh hoàng kể lại vụ cháy tháp đôi EVN
Những hình ảnh kinh hoàng vụ cháy tháp đôi EVN
Sáng nay, tòa nhà Điện lực lại bùng cháy
Tình cảnh bất lực kêu cứu từ tòa nhà bị cháy
Những vụ cháy nhà cao tầng kinh hoàng ở VN
Vụ cháy kinh hoàng: Tập đoàn Điện lực VN lên tiếng
Hình ảnh cứu người từ toà nhà 33 tầng cháy
Clip: Cháy tháp đôi điện lực ở Hà Nội
Vụ cháy kinh hoàng: Hơn 20 người cấp cứu

Bỏng đường hô hấp

Bác sỹ Nguyễn Thống, trưởng khoa Bỏng, bệnh viện Xanh Pôn cho biết đêm 15/12, 29 công nhân nhập viện cấp cứu (không phải 24 như con số ban đầu, bởi lúc đêm tối và trong lúc gấp gáp, việc thống kê cụ thể chưa chính xác) đều có các dấu hiệu say khói, ngạt thở, có người bị suy hô hấp. Nguyên nhân là do công nhân đã chạy, thở dốc và hít phải khí nóng lẫn khí độc thoát ra từ đám khói nên họ dễ dàng bị bỏng hô hấp.

Ngay lập tức số công nhân này đã được điều trị. Đến sáng 16/12, tình hình sức khỏe của đại đa số các công nhân tiến triển theo chiều hướng tốt, ổn định. Sau khi kiểm tra, bệnh viện đã cho 18 người xuất viện (ngoài 16 người của khoa bỏng thì còn 2 người của khoa khác).

Số công nhân còn lại được cứu trong đám cháy đang tiếp tục điều trị trong bệnh viện đa khoa Xanh Pôn

11 người còn lại, theo bác sỹ Nguyễn Thống, hiện đang có các triệu chứng của bỏng hô hấp như đau họng, rát họng, chóng mặt, nhức đầu. Bác sỹ Thống cho biết có thể họ đã hít phải khí độc và nóng trong khi chạy đôn chạy đáo.

“Bỏng hô hấp rất nguy hiểm, bởi cổ họng là “cửa ngõ” dẫn vào nội tạng của cơ thể. Nếu hít phải khí nóng (tầm 40 độ trở lên) sẽ rất độc với tế bào. Trong khói độc có chất oxit các bon, hít phải dễ gây ra suy hô hấp do cơ thể bị chiếm mất oxy”, bác sỹ Thống giải thích.

Đến thời điểm này, 11 công nhân vẫn đang được theo dõi sát sao. “May mắn là họ được đưa vào kịp thời. Chúng tôi chưa đưa ra nhận định cụ thể nào về những trường hợp này vì cần phải theo dõi thêm. Sau 5 ngày điều trị, nếu sức khỏe ổn định thì họ có thể xuất viện”, ông Thống nói.

Chưa hết bàng hoàng

Tại khoa bỏng của bệnh viện Xanh Pôn, bác Nguyễn Văn Lung, 49 tuổi, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn run run khi nghĩ đến sự cố kinh hoàng vào tối 15/12.

“Tôi làm thợ sơn ở tầng hầm thứ 2. Khi đang làm việc thì nghe tiếng nổ (không lớn lắm) nhưng khói ở đâu tuôn ra rất nhanh chóng. Chúng tôi hô nhau bỏ chạy nhưng khói đen kịt, không ai nhìn thấy gì, chỉ gọi nhau trong bóng tối”, bác Lung kể lại.

Con trai bác Lung là Nguyễn Văn Thịnh (17 tuổi) cũng làm thợ sơn ở tầng hầm thứ 2 và đã cùng bố vượt cơn nguy hiểm khi tòa nhà bị cháy. Hiện tại, Thịnh đã được xuất viện.

Bàn tay bám đầy khói đen của bác Lung sau khi được cứu thoát. Có lau rửa bằng chất gì thì lớp khói đen này vẫn không hết

Anh Đào Trọng Tiếp, 30 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội, làm công nhân lắp điện (mới làm tại tòa nhà được 3 tuần) kể lại: "Sự việc xảy ra khoảng 4 giờ 30 phút. Lúc đó tôi đang ở tầng 30, thấy khói bốc lên, tối om, đen kịt, không nhìn thấy ai với ai, mọi người định chạy xuống nhưng được mấy tầng rồi lại phải chạy lên tầng áp mái vì thấy khói nhiều quá.

Khoảng 7 giờ 30, anh được đưa xuống đất trong tình trạng, ho, khó thở. Anh là một trong những người đầu tiên được đưa ra khỏi tòa nhà 33 tầng. Lúc đặt chân được xuống đến đất mới có cảm giác sống rồi".


Còn bà Trương Thị Xây, 53 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, nạn nhân nữ duy nhất trong đám cháy kể lại: Lúc đó bà đang làm vệ sinh ở tầng 4. Khoảng 4h30 đi xuống cầu thang thì thấy khói bốc lên nghi ngút, tối không nhìn thấy đường, lần mò cầu thang đi lên được đến tầng 7 thì bị ngất. Sau đó có mấy người dìu bà ra ngoài.


"Thực sự lúc đấy tôi hoảng, sợ lắm, không nghĩ được cái gì, chỉ nghĩ là phải chạy nhanh nhất có thể. Mặt thì bịt khẩu trang, dù trên tay mình đang cầm nước, nhưng không nhớ ra là đổ nước ra khẩu trang để bịt. Nghĩ mình chắc chết, chứ không sống nổi", bà Xây nói.

Đêm 15 vá sáng 16/12, chủ thầu thuê đội công nhân của bác Lung, bà Xây, anh Tiếp đã đến bệnh viện theo dõi tình hình, động viên tinh thần và lo viện phí cho các công nhân.


Cẩm Quyên