- Dù tiếp xúc trực tiếp, khả năng lây nhiễm HIV cũng chỉ vài phần ngàn, hơn nữa bệnh nhân đã được điều trị ARV nên có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.

Đây là khẳng định của TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Ông Long cho rằng, 18 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV là một rủi ro nghề nghiệp. Tuy nhiên, trường hợp cùng lúc có nhiều cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV trong khi cấp cứu người bệnh như trường hợp này là cực kỳ hiếm gặp.

Ông Long cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV chỉ xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV. Tuy vậy, dù tiếp xúc trực tiếp thì khả năng bị lây nhiễm HIV cũng rất thấp, chỉ khoảng vài phần nghìn, tùy theo tính chất, mức độ phơi nhiễm, vị trí phơi nhiễm, tình trạng bệnh nhân nhiễm HIV đó có được điều trị hay không…

{keywords}
Bệnh nhân N.T.H bình phục sau ca phẫu thuật. Ảnh: T.Loan

Trường hợp xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cán bộ y tế đã xử lý đúng quy trình khi đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm, tư vấn và liên hệ ngay với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội để cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm cho tất cả 18 y bác sĩ.

Việc điều trị dự phòng đúng quy định và sớm trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV (nếu sau 72 giờ, việc điều trị dự phòng không có tác dụng)

"Hơn nữa, bệnh nhân nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) tại Quảng Ninh đã 2 năm nay nên tải lượng virus HIV trong máu xuống thấp, có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm cho người khác", ông Long thông tin.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV tin tưởng, với quy trình đã xử lý, 18 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không bị lây nhiễm HIV.

Với trường hợp này, các y bác sĩ sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trong vòng 4 tuần, tư vấn xét nghiệm lại sau 1, 3, 6 tháng.

Trước đó như đã đưa tin, vào ngày 4/7, 18 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành cấp cứu cho nữ bệnh nhân N.T.H (Quảng Ninh) đang nguy kịch vì xuất huyết âm đạo, máu chảy không ngừng.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập và rất nguy kịch. Nếu chỉ chậm 1-2 phút bệnh nhân sẽ không qua khỏi.

Trước tình hình nguy cấp, 18 y bác sĩ tại bệnh viện đã được huy động để thực hiện ca phẫu thuật ngay tại chỗ. Tất cả đều không có thời gian để mặc áo và đeo kính phòng vệ hay đưa bệnh nhân lên phòng mổ.

Khi ca mổ được tiến hành được chừng 10 phút, cả kíp mới nhận được kết quả xét nghiệm cho biết bệnh nhân bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, trước tình trạng ngàn cân treo sợi tóc của bệnh nhân, cả êkíp vẫn tiếp tục ca mổ cắt bỏ tử cung hoại tử. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền 4 lít máu.

Sau ca phẫu thuật, sức khỏe chị H. đã hồi phục nhanh chóng và được xuất viện vào chiều 8/7.

T.Hạnh