Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ the Sea Eyes do Công ty cổ phần phát triển Lý Sơn (thuộc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Hợp Nghĩa) làm chủ đầu tư có diện tích hơn 54,65 ha được đề xuất nằm tại vị trí phía tây nam của đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Dự án nằm cạnh cảng Bến Đình (thuộc xã An Vĩnh) đang được xây dựng và ven tuyến cơ động của đảo. Toàn bộ diện tích, gần như dự án sẽ nằm trên thềm lục địa - vũng nước cạn.
The Sea Eyes được quy hoạch thành 2 chức năng chính và 4 phân khu. Hai chức năng chính là thương mại dịch vụ và ở; 4 phân khu là: phân khu đô thị biển, và 3 khu cộng đồng dân cư (gồm khu cộng đồng dân cư Việt, khu cộng đồng dân cư Sa Huỳnh và khu cộng đòng dân cư Chăm Pa),... Tổng mức đầu tư của dự án là 1.713 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2019-2022.
Cảng Bến Đình đang trong quá trình hoàn thiện - Khu vực nằm cạnh dự án đô thị The Sea Eyes |
Ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký thẩm định, trình phê duyệt dự án qua văn bản số 7515/ UBND-CNXD ngày 10/12/2018. Văn bản này đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp khẩn trương nghiên cứu, thẩm định hồ sơ đề xuất dự án và trình UBND tỉnh trước ngày 22/12/2018.
Qua đánh giá, thẩm định hồ sơ, ngày 19/12/2018 UBND huyện Lý Sơn nhận định: theo quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 huyện Lý Sơn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 579/QĐ-UBND ngày 21/8/2017, phần giáp với cảng Bến Đình là mặt bằng dự kiến phát triển phù hợp với quy hoạch, một phần còn lại là khu vực phục hồi rong biển.
Bản vẽ quy hoạch vị trí dự án (vũng màu đỏ) |
Bản vẽ dự án The Sea Eyes có diện tích không phù hợp vì nằm trong khu vực bảo tồn |
Vậy, vị trí xin chủ trương đầu tư một phần phù hợp với quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000, phần còn lại không phù hợp là khu vực phục hồi rong biển. UBND huyện Lý Sơn cũng đề nghị chủ đầu tư xin ý kiến Sở NN-PTNT tỉnh về khu vực phục hồi rong biển.
Ngoài ra, vị trí xin thực hiện dự án của công ty cổ phần phát triển Lý Sơn một phần diện tích phía trong đường cơ động Đông Nam chồng lấn với diện tích dự án quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu dân cư dọc đường cơ động.
Tuy nhiên, qua hai lần lấy ý kiến dân cư nơi bị trực tiếp ảnh hưởng về việc xây dựng khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes hồi cuối năm 2018 và đầu năm 2019, hầu hết người dân tỏ ra lo ngại về việc triển khai dự án này.
Dân cư trên đảo Lý Sơn nằm sát biển và trải dài quanh đảo |
Trong văn bản báo cáo buổi tham vấn ý kiến dân ngày 11/1 tại nhà văn hóa thôn Đông (xã An Vĩnh) có 18 ý kiến chưa đồng thuận trên tổng số 21 ý kiến đóng góp.
Trao đổi với bà Lê Thị Được, Bí thư chi bộ thôn Đông, xã An Vĩnh một trong những người không đồng thuận dự án cho biết: “Tôi cùng nhiều người dân không tán thành việc xây dựng dự án này. Dự án tàn phá đi một mảng hệ sinh thái biển rất lớn mà thiên nhiên ban tặng, chưa nói dự án này còn chồng chéo lên nhiều phần quy hoạch khác”.
Còn ông Phạm Thoại Tuyền (xã An Vĩnh), người có nhiều nghiên cứu, am hiểu đời sống văn hóa ở đảo Lý Sơn, cho rằng dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống tâm linh của người dân. Bởi, dự án kéo dài khoảng 2,5km che khuất hàng loạt đình, dinh - vốn được xây dựng sát biển để thờ cúng thần linh che chở người dân trên đảo.
“Không chỉ vậy, nguy cơ xóa sổ đường đua thuyền, lễ hội truyền thống từ bao đời nay trên đảo để tưởng nhớ ơn đức đội Hùng binh Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa sẽ trở thành dĩ vãng” - ông Tuyền chia sẻ.
Theo văn bản kết luận dự án báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi của Ban thường vụ Huyện ủy Lý Sơn; Văn bản đề nghị cần tổ chức thẩm định về quốc phòng, an ninh, đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái, khảo sát địa chất, nghiên cứu giải pháp nguồn nước sạch phục vụ dân cư.
Đặc biệt chú trọng đến việc tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa tinh thần, truyền thống lâu đời của cư dân không ảnh hưởng đến đường đua thuyền truyền thống của lễ hội.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối khu vực điện cáp ngầm tiếp bờ; xây dựng phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ an sinh xã hội cho những hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án.
Về dự án khu đô thị The Sea Eyes, Ban quản lý công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh ( BQL CVĐC) đã tham vấn các nhà khoa học thuộc viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ tài nguyên môi trường và có ý kiến cho rằng các dự án cần thận trọng trước khi triển khai. Nhà đầu tư nên tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm một số khu vực trên thế giới như CVĐC đảo Jeju (Hàn Quốc), đảo Oki (Nhật Bản) hoặc Langkawi (Malaysia).
Cần đánh giá về tác động của việc sang lấp, mở rộng đạo đối với hệ sinh thái động thực vật gần bờ. Khảo sát, đánh giá chi tiết địa hình đáy biển quanh đảo và mô hình hóa thay đổi của các dòng hải lưu, thủy triều do dự án gây ra và mức độ đến đảo.
Với dân số trên 21.000 người như hiện nay, đảo Lý Sơn đang đối mặt với nhiều vấn đề nóng như nguồn nước ngọt, nước sạch sinh hoạt và sản xuất, rác thải môi trường, nghĩa trang và cơ sở hạ tầng khác.
BQL CVĐC đề nghị nên xem xét dự án một cách toàn diện hơn để tính khả quan dự án được khả thi hơn.
Bãi nước cạn, thềm lục địa là nơi tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trước nguy cơ "xóa sổ" để làm khu đô thị |
Sẽ trình hồ sơ 'Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh' lên UNESCO
Hồ sơ “Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh” để trình UNESCO sẽ được hoàn thiện vào tháng 11/2019.
Văn Châu