- Cái nghèo và bệnh tật đeo bám đã khiến đôi vợ chồng già suốt 17 năm qua không biết đến niềm vui hưởng một cái Tết ấm cúng và đầy đủ là như thế nào. Đó là trường hợp đáng thương của vợ chồng ông Thạch Sươi (SN 1939) và bà Triệu Thị Phinh (SN 1939) thường trú tại ấp Tân Nam, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. 

TIN BÀI KHÁC:

Nhọc nhằn thời trẻ

Cưới nhau về ông bà có đến 6 mặt con (5 gái và 1 trai). Cuộc sống của gia đình đông miệng ăn nhưng lại không có đất đai canh tác, hai vợ chồng chủ yếu đi làm thuê làm mướn nên cuộc sống rất chật vật.

Công việc làm thuê của hai vợ chồng là bốc vác muối, lao động nặng nhọc nhưng đồng lương bèo bọt. 6 đứa con cứ thế lớn lên trong lam lũ nghèo đói, vừa biết vài mặt chữ đã phải bỏ học lăn lóc kiếm cái ăn cái mặc cùng cha mẹ.

Các con lớn lên có gia đình riêng và tự bươn chải lo cho cuộc sống, giờ chỉ còn hai vợ chồng già nương tựa nhau. Vùng quê nghèo vốn không có nhiều công ăn việc làm nên những cô con gái của ông bà lại tiếp tục kiếp làm thuê của cha mẹ. Lo cho gia đình nhỏ đã khó nhọc nên các con ông cũng không thể giúp được gì cho cha mẹ già. Cậu con trai duy nhất vì không chịu nổi cuộc sống quá lam lũ nơi quê nhà nên quyết tâm đi xa lập nghiệp, mấy năm nay vẫn chưa một lần trở về thăm nom cha mẹ.

Hẩm hiu tuổi xế chiều

Ông Thạch Sươi đã nằm liệt giường đến nay ngót nghét 17 năm.
Những ngày cuối năm trong ngôi nhà nhỏ rách tơi tả không thể ngăn những cơn mưa tạt, gió lùa, dường như mưa lạnh là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với đôi vợ chồng già. Ông Thạch Sươi sau cơn tai biến năm 1995 đã nằm liệt giường đến nay ngót nghét 17 năm.

Những tháng ngày mưu sinh của thời trẻ chỉ vừa đủ nuôi các con, không có của dành dụm phòng khi về già nên khi ông lâm bệnh, cuộc sống hai vợ chồng già càng trở nên khó khăn hơn. Ông nằm đấy xem như chấp nhận số phận, còn với bà Triệu Thị Phinh kể từ ngày ấy nỗi cơ cực tăng lên, bà triền miên túng quẫn.

Vốn tuổi cao sức yếu, bà chỉ có thể trồng vài luống rau để bán kiếm sống qua ngày. Cuộc sống dựa vào vài luống rau nhỏ nên hai ông bà bữa đói bữa no. Mỗi khi mắc bệnh không có tiền mua thuốc ông bà chỉ biết cắn răng chịu đựng cơn đau hành hạ, gắng gượng cho hết quãng đời còn lại.

Khi nhận được sự quan tâm hỏi han, nước mắt của niềm vui và những tủi cực dồn nén bấy lâu nay có dịp tuôn trào. Bà khóc và kể về ước mơ cuối đời bà: “Mấy hôm nay trời mưa tôi cứ lạy ông trời thương xót đừng cho mưa gió làm sập nhà, nếu nhà mà sập thật vợ chồng tôi chẳng biết ở đâu. Nhưng cái nhà này cũng không thể trụ lâu hơn nữa, rách nát cả rồi cô ạ. Tôi chỉ hy vọng ngôi nhà được sửa sang lại, mấy tháng nay lạnh quá cô à.”

Ước mơ có một cái Tết ấm áp trong căn nhà lành lặn của đôi vợ chồng già có lẽ chỉ có thể trông chờ vào những tấm lòng nhân ái của bạn đọc gần xa. Cầu mong Tết này ước mơ của ông bà sẽ thành hiện thực để ngôi nhà nhỏ không còn những cơn mưa tạt gió lùa nào nữa.

Gia Minh

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp: bà Triệu Thị Phinh thường trú tại ấp Tân Nam, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ bà Triệu Thị Phinh (Sóc Trăng))
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

Qua TK ngân hàng Viettinbank
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 1020.1000.158.2330
Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand
- Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Swift code:ICBVVNVX122

3. Hoặc trực tiếp đến báo VietNamNet
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: [email protected]