Vietnam ICT Day.jpg
Hoạt động kết nối doanh nghiệp CNTT Việt Nam – Nhật Bản được VINASA tổ chức khá thường xuyên những năm gần đây. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

>> Doanh nghiệp gia công phần mềm sang Nhật tìm khách hàng / Ngày CNTT Nhật Bản 2012 kết nối doanh nghiệp Việt - Nhật / Đối tác Nhật lo nhân lực phần mềm Việt hay "nhảy việc"

Vietnam IT Day in Japan 2013 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Tập đoàn FPT, cùng Tạp chí Nikkei Computer (Tạp chí hàng đầu về CNTT tại Nhật Bản) phối hợp tổ chức với mục đích thu hút quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường CNTT Việt Nam, đồng thời thể hiện sự chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác cơ hội phát triển tại thị trường Nhật Bản.

Phát biểu tại Vietnam IT Day in Japan 2013, ông Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thành viên của nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt – Nhật, khẳng định: “Năm 2013 là dấu mốc 40 năm quan hệ ngoại giao Nhật- Việt. Chính phủ Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu, hợp tác lâu dài bền vững. Riêng trong lĩnh vực CNTT, lĩnh vực được coi là “hạ tầng của hạ tầng”, chúng tôi mong muốn và đã chuẩn bị sẵn môi trường, nguồn lực để hợp tác với Nhật Bản”.

Đại diện Bộ TT&TT cũng cam kết tạo những điều kiện tốt nhất cho các công ty Nhật Bản đang có ý định đầu tư vào Việt Nam, và lưu ý thêm rằng Việt Nam là nơi các công ty Nhật Bản có thể triển khai các sản phẩm CNTT, không chỉ cho Việt Nam mà còn các thị trường khác trong khu vực ASEAN, một khu vực kinh tế phát triển năng động.

Hiện nay, nhiều công ty phần mềm của Việt Nam đã, đang và sẵn sàng trở thành đối tác, bạn hàng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Điển hình như Tập đoàn FPT với gần 15 năm kinh nghiệm  hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản và đội ngũ lập trình viên đông đảo trên 5.000 người.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc FPT cho biết: “Vietnam ICT Day in Japan 2013 đã thu hút được sự quan tâm của 167 doanh nghiệp Nhật Bản, điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm đến Việt Nam. Còn về phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho một giai đoạn hợp tác mới sâu rộng hơn với doanh nghiệp Nhật Bản về nhân lực; triển khai các dự án hạ tầng CNTT trọng điểm trong các lĩnh vực y tế, chính phủ, giáo dục và xu hướng công nghệ mới như Mobility (di động), Cloud Computing (điện toán đám mây), Big Data (dữ liệu lớn)”.

Chẳng hạn như FPT đang có sáng kiến kết hợp với 1 số trường đại học lớn thiết kế một mô hình đào tạo sinh viên CNTT theo đơn đặt hàng (“made to order”), một mô hình kết hợp Recruitment - Enrolment (Tuyển dụng sinh: sinh viên trở thành nhân viên của một công ty ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường), để đề xuất cho thị trường Nhật. Chỉ tính riêng Đại học FPT đang có 6.000 sinh viên theo học hệ tiếng Nhật, chiếm 40% tổng số sinh viên đang theo học của trường.

Vietnam IT Day 2013 là một phần trong chuỗi các hoạt động quảng bá ngành gia công phần mềm của Việt Nam tại Nhật do FPT, VINASA và Tạp chí Nikkei Computer đồng phối hợp tổ chức trong năm nay.

Theo Kết quả Điều tra về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương được Cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (JETRO) công bố vào tháng 1 vừa qua, 57,8% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi trả lời sẽ mở rộng đầu tư ở nước ngoài, trong đó, số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời sẽ mở rộng chiếm tới 65,9%. Các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực thông tin, phần mềm; bán buôn, bán lẻ sản phẩm; hóa học, y tế. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời tình hình kinh doanh trong năm 2013 sẽ cải thiện đạt 34,2 điểm, tăng 13,8 điểm so với năm 2012.

Còn theo khảo sát của Nikkei Computer, trong bối cảnh căng thẳng Nhật - Trung, tỷ lệ 80% đơn đặt hàng gia công phần mềm từ các công ty Nhật Bản do các doanh nghiệp Trung Quốc đảm nhận được coi là một nguy cơ  tiềm ẩn  nhiều “rủi  ro”. Hiện các công ty CNTT của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển hướng một phần đơn đặt hàng gia công phần mềm sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc để “giảm  rủi ro” và đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn trên, theo báo cáo của JETRO các doanh nghiệp Nhật Bản đang có những quan ngại khi đầu tư vào Việt Nam như lo ngại về tăng tiền lương cho người lao động; lo ngại về năng lực ý thức của người lao động tại địa phương …