Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) chính thức công bố, đã tổ chức thành công Chương trình Vietnam IT Day 2016 tại Nhật Bản từ ngày 22-26/2/2016. Đây là chương trình xúc tiến hợp tác thường niên do VINASA, Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) với sự hỗ trợ của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức từ năm 2013 với mục đích thúc đẩy hợp tác CNTT giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT.
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam bao gồm 16 doanh nghiệp với lịch trình làm việc tại 3 thành phố Tokyo, Osaka và Kyoto với nhiều hoạt động bao gồm: Hội thảo hợp tác CNTT Việt – Nhật tại Tokyo, hội thảo hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp CNTT Osaka, thăm và làm việc với các hiệp hội phần mềm Nhật Bản (NSA), ICT Kyoto và các doanh nghiệp CNTT tại Kyoto, Hiệp hội công nghiệp hệ thống thông tin vùng Kansai (KIA), các hoạt động giao lưu và thăm một số doanh nghiệp CNTT Nhật Bản.
Chương trình chính của Vietnam IT Day 2016 là “Hội thảo hợp tác CNTT Việt Nhật” tại Tokyo ngày 22/2 với chủ đề: “Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản hướng tới TPP” thu hút trên 130 doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tham dự. Tại hội thảo, VINASA chia sẻ những thông tin về thị trường CNTT Việt Nam với sự tăng trưởng nhanh, mạnh, những ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ và tầm nhìn mới: coi CNTT là động lực quan trọng nhất của phát triển kinh tế xã hội; là nền tảng cơ sở hạ tầng quốc gia để phát triển kinh tế, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại Hội thảo, VINASA đã giới thiệu ấn phẩm giới thiệu 40 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam: “Vietnam’s 40 Leading IT Companies 2015” phiên bản tiếng Nhật. Đây là ấn phẩm giới thiệu 40 doanh nghiệp CNTT của Việt Nam, do VINASA tiến hành bình chọn cuối năm 2015, có năng lực, uy tín rất tốt trên thị trường, là đối tác tin cậy để hợp tác. Cũng tại Hội nghị, 16 doanh nghiệp Việt Nam tha gia đoàn đã giới thiệu những năng lực, sản phẩm, dịch vụ của mình tới các doanh nghiệp Nhật, là cơ sở cho hoạt động giao thương, gặp gỡ tại chương trình.
Tại Hội thảo, 2 Tọa đàm với 2 chủ đề nóng đã thu hút được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp hai nước. Trong tọa đàm 1 với chủ đề: “Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản: Làm thế nào kết nối nhu cầu hợp tác của cả 2 bên”, ông Lê Quang Lương, Phó Chủ tịch CLB VJC, Tổng Giám đốc Công ty Luvina Software, Chủ trì tọa đàm cho biết: các đối tác Nhật Bản đã đưa ra 12 kỳ vọng mà họ rất mong muốn phía doanh nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện nhằm hướng tới sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa, trong đó có những vấn đề quan trọng như: Nâng cao chất lượng, năng lực quản trị, năng lực kỹ thuật, tăng thêm số lượng nhân sự có khả năng làm việc onsite, phát triển hơn nữa khả nẵng giao tiếp và tìm hiểu rõ văn hóa. Trong khi đó, về phía Việt Nam, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng đối tác Nhật Bản: tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, tăng cường chuyển giao kỹ thuật và nghiệp vụ cho các kỹ sư Việt Nam, chấp nhận kỹ sư cầu nối và tăng cường sử dụng tiếng Anh.
Trong khi đó, tại tọa đàm “Hợp tác CNTT Việt – Nhật trong phát triển nguồn nhân lực”, ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch CLB VJC, TGĐ Công ty LZT Việt Nam, Chủ trì tọa đàm cho hay: trong vòng 4 năm tới, Nhật Bản có nhu cầu tuyển 30.000 kỹ sư CNTT người nước ngoài làm việc tại Nhật chủ yếu từ Ấn Độ và Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nỗ lực tìm cách hợp tác với các trường của Nhật Bản và Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn này. Tiêu biểu như FPT Software với chương trình đào tạo 10.000 Kỹ sư CNTT nói tiếng Nhật, hay Rikkeisoft với mục tiêu 1000 kỹ sư CNTT phục vụ thị trường này. Việc đáp ứng nhu cầu rất lớn này của thị trường quan trọng này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực tối đa và phải có chương trình hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cả số lượng và chất lượng. Nếu không, thị trường offshore sẽ ngày càng suy giảm và các công ty Nhật Bản sẽ tìm kiếm các thị trường khác thay thế, trong đó Myamar là một trong những quốc gia hấp dẫn.
Tại Kyoto, đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã thăm và làm việc với các doanh nghiệp CNTT thuộc Hiệp hội CNTT-TT Kyoto (ICT Kyoto). Đây cũng là lần đầu tiên VINASA chính thức đặt quan hệ đối tác với ICT Kyoto, kỳ vọng thúc đẩy cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và DN tại Kyoto. Kyoto tập trung các doanh nghiệp CNTT cỡ vừa và nhỏ rất phù hợp cho việc hợp tác cùng phát triển với các doanh nghiệp Việt Nam. Việc hợp tác với ICT Kyoto kỳ vọng đặt nền móng cho sự hợp tác mạnh mẽ trong tương lại cho các doanh nghiệp. Tại Osaka, Ban tổ chức đã phối hợp với JETRO và Hiệp hội CNTT Kansai (KISA) tổ chức hội thảo hợp tác với sự tham dự của các DN Việt Nam và hơn 20 DN Nhật Bản. Osaka thị trường CNTT lớn thứ 2 Nhật Bản sau Tokyo. Đây đang là thị trường phát triển mạnh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên lề Vietnam IT Day 2016, VINASA và VJC đã tiếp xúc với nhiều các tổ chức của Nhật Bản như: JISA, JETRO, KISA, ICT Kyoto, Hiệp hội Phần mềm Nhật Bản (NSA), Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), Liên hiệp hội Công nghiệp Thông tin toàn Nhật Bản (ANIA) nhằm vận động hỗ trợ tổ chức đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam tham dự chương trình kỷ niệm 10 Năm Ngày CNTT Nhật Bản 2016 (Japan ICT Day) – chương trình quan trọng nhất trong hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản năm 2016. Sự kiện sẽ được tổ chức vào tháng 10/2016 tại Hà Nội và Đà Nẵng.