- Hàng trăm hộ dân thuộc xã vùng sâu, vùng xa Vũ Linh (huyện Yên Bình, Yên Bái) nhiều năm qua sống trong cảnh chờ đợi một cây cầu. Nhiều gia đình còn có ý định cho con nghỉ học, vì lo sợ trời mưa, lũ lên, trẻ qua suối sẽ bị nước lũ cuốn mất.
Ông Phạm Văn Nhân bên "cây cầu" qua suối Vũ Linh vừa bị lũ cuốn trôi. |
Đó là thực trạng nhiều năm nay tại xã Vũ Linh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Hơn 90 hộ dân thuộc thôn Vũ Sơn và 60 hộ dân thuộc thôn Đá Trắng hàng ngày phải đi trên “chiếc cầu tự chế” bắc qua dòng suối Vũ Sơn.
“Đây là con đường độc đạo để ra trung tâm xã. Trường học, bệnh viện, chợ… đều ở phía bên ngoài. Nếu không đi qua con suối này thì không có đường đi nào khác” – chị Nguyễn Thị Hoa (trưởng chi hội phụ nữ thôn Vũ Sơn) cho biết.
Theo lịch sử, người dân thôn Vũ Sơn hoàn toàn là quê gốc Hà Nam lên làm kinh tế mới từ những năm 1960. Ban đầu gồm có 60 hộ, theo thời gian, số hộ, số khẩu đã tăng lên như thời điểm hiện tại. Liền kề với Vũ Sơn là thôn Đá Trắng, 100% dân tộc thiểu số.
Người dân đã tự đi quyên góp và huy động ngày công để khắc phục lấy đường đi lại. |
Con suối Vũ Sơn lúc bình thường giống như một con mương thoát nước, có thể lội bộ qua được. Mùa khô, lòng suối cạn nước, trơ lòng, nhìn tựa như một cái hõm, hoặc như một cái “ổ voi” dưới vùng xuôi. Thế nhưng, mùa mưa nó mới bộc lộ hết sự hung hãn của nó.
Năm 2013, nhờ một đơn vị sản xuất chế biến sắn trong vùng tài trợ cho bà con hai ống cống bê-tông, bà con góp sức bảo nhau đắp đất, làm bờ kè đá để hình thành một “cây cầu” đi lại cho đỡ vất vả.
Cơn mưa lớn cuối tháng 7 vừa giờ, nước lên nhanh tạo thành lũ ống, đã cuốn trôi “cây cầu” bắc tạm của bà con.
Theo người dân, kế hoạch xây dựng một cây cầu đã được đưa ra "họp bàn" hàng chục năm nay!!! |
“Nước xối đánh tung bờ kè đá, thộc mạnh vào hai bên ngách và khoét sâu như hở hàm ếch. Cây cột điện nằm trên mép suối cũng bị nước kéo tuột xuống” – ông Phạm Quang Nhân (người dân thôn Vũ Sơn kể).
Cây cầu bị cuốn mất, đường duy nhất ra trung tâm xã không còn. Hai chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn (chị Nguyễn Thị Hoa và chị Vương Thị Tám) đã đứng lên vận động, kêu gọi bà con góp tiền, góp công sức để sửa lại cây cầu vừa bị lũ cuốn.
“Tổng số tiền hội phụ nữ đi quyên góp được hơn 20 triệu, bà con góp trên 200 công. Vật liệu xây dựng để kè bờ là đá hộc, bà con tự lên núi phá đá mang về. Những gia đình có điều kiện hơn thì hỗ trợ thêm cát, sỏi, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, điều bà con chờ đợi nhất là có một cây cầu” – chị Tám bày tỏ.
Trong lúc người dân tự "làm cầu" cho mình, chính quyền xã Vũ Linh đã có thông báo yêu cầu bà con dừng lại, tuy nhiên không có bất cứ kế hoạch khắc phục hay sửa chữa để bà con có đường qua suối. |
Cụ Trần Thị Trong (80 tuổi) thì buồn rầu: Đến ngót 20 năm nay, người dân chúng tôi háo hức chờ đợi được xây dựng một cây cầu để người dân đi lại. Thế nhưng, mấy đời chủ tịch xã đã nghỉ hưu mà cây cầu vẫn chỉ là lời hứa. Đã có đận, xã họp dân thông báo, đã được huyện chấp nhận đầu tư xây cầu cho bà con, thế nhưng đợi mãi chả thấy cầu đâu.
Ông Lê Mạnh Hà (bí thư chi bộ thôn Vũ Sơn), trưởng thôn kiêm công an viên Lê Văn Từ cũng chia sẻ: chi bộ, chính quyền thôn đã kiến nghị lên xã nguyện vọng của bà con, nhưng vì xã còn nghèo, kinh phí không có nên bà con đành phải… chờ đợi.
“Chúng em lo lắm. Đã có mấy trường hợp người lớn đi qua cầu lúc mưa, bị nước đẩy đi một đoạn xa, may chưa có người nào bị cuốn trôi. Nhiều bà con trong thôn lo lắng, tính chuyện cho con nghỉ học, vì sợ lũ lên bất thường sẽ cuốn trôi các cháu” – trưởng chi hội phụ nữ thôn Đá Trắng, chị Vương Thị Tâm lo lắng.
Kiên Trung