Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật 2021 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Hồ Chí Minh), mô hình thăm khám tận nhà cho người mắc bệnh nền được đánh giá đã bảo vệ được hơn 1.000 bệnh nhân.
“Có những bệnh nhân sống trong hẻm sâu, đường đất trơn trợt, trời mưa tầm tã, đội y bác sĩ xắn quần đến ngang gối, đi bộ gần 1km để đến tận nhà.
Có gia đình nuôi hàng chục con chó, khi vào khám bệnh, chúng tôi rất căng thẳng”, bác sĩ Nguyễn Duy Tài nhớ lại kỷ niệm những ngày đến nhà bệnh nhân giữa cao điểm Covid-19.
Người lớn tuổi có bệnh nền được thăm khám tận nhà, tiêm vắc xin trong đỉnh dịch. |
Anh là 1 trong 15 thành viên của đội, được thành lập nhằm bảo vệ những người lớn tuổi, có bệnh nền hoặc những thai phụ không đến bệnh viện theo dõi thai kỳ.
Trước khi có dịch bệnh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận từ 2.000 – 2.500 bệnh nhân mỗi ngày. Trong đó, tỉ lệ người bệnh cao tuổi có nhiều bệnh lý nên như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, suy tim, sau tai biến, thoái hóa khớp rất cao.
Trong giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, những bệnh nhân này không thể đến bệnh viện thăm khám và nhận thuốc. Đây cũng là đối tượng nguy cơ cao chuyển nặng và tử vong khi bị mắc Covid-19, vì các bệnh lý nền không được điều trị ổn định.
3 tổ y bác sĩ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh được thành lập, phục vụ riêng việc khám, tiêm vắc xin, cấp thuốc trước bối cảnh căng thẳng trên. Ý tưởng này nhanh chóng được Ban giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đồng ý triển khai và tạo mọi điều kiện hoạt động.
“Đều đặn mỗi ngày, 8 giờ chúng tôi đi đến từng hộ gia đình theo danh sách đăng ký được tiếp nhận từ cổng thông tin điện tử, facebook và hotline cho người dân thuộc thành phố Thủ Đức”, bác sĩ Nguyễn Duy Tài cho biết.
Hơn 1 ngàn người bệnh tại TP. Thủ Đức đã được ứng cứu trong mùa dịch. |
Bà Nguyễn Thị B. (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) bị tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, tăng lipid máu, parkinson nhưng suốt 20 ngày không có thuốc uống 20.
Khi đăng ký danh sách đến bệnh viện, ê kip nhanh chóng có mặt. Khi đó, bà đã trở nặng, không thể cầm được đồ dùng. Bà B. được cấp thuốc và theo dõi trong suốt 4 tuần. 28 ngày sau, bà đã có thể tự đón các bác sĩ đến tái khám, tự chăm sóc được cho bản thân mình.
Tương tự, các bệnh nhân khác được thăm khám, đo điện tim, đo đường huyết, tư vấn toa thuốc. Với bệnh nhân có BHYT, y bác sĩ sẽ nhận thuốc tại bệnh viện và trao tận nơi cho gia đình.
Theo phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ ngày 2/9 đến ngày 16/10, gần 1.200 bệnh nhân đã được thăm khám, phát thuốc, tiêm vắc xin tại nhà.
Trong đó, 70% là người già từ 75 tuổi trở lên. Người cao tuổi nhất là 100 tuổi.
Việc thăm khám, cấp thuốc và tiêm vắc xin cho người bệnh đã được thực hiện hoàn toàn miễn phí, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.
“Đây là một việc làm nhỏ như với chúng tôi rất ý nghĩa. Việc mang lại sức khỏe, sự an toàn cho người bệnh, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người khuyết tật do bệnh hoặc do tai nạn, thai phụ… là việc chưa từng có”, BS Tài chia sẻ.
Linh Giao
TP.HCM đề xuất F0 tại nhà có thể chọn bác sĩ tư nhân
F0 cách ly tại nhà có thể sẽ được lựa chọn bác sĩ tư nhân điều trị, chi trả theo thỏa thuận. Chi phí không quá 200.000 đồng mỗi lượt khám.