Chiều 25/10, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, ĐH Đà Nẵng phối hợp với Viện Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức trao Chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn Thiết kế vi mạch bán dẫn cho sinh viên (khóa đầu tiên).
Khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về Thiết kế vi mạch bán dẫn dành cho sinh viên được tuyển sinh từ tháng 1/2024 và chính thức khai giảng vào ngày 23/3 với 15 học viên từ các ngành liên quan như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điện tử, Điện tử viễn thông…
Khóa bồi dưỡng được thiết kế thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (3 tháng đầu), tập trung vào việc cung cấp lý thuyết và thực hành cơ bản về thiết kế vi mạch. Giai đoạn 2 (3 tháng sau), học viên tham gia các dự án thực tế. Khóa học được triển khai trên hệ thống phần mềm có bản quyền của Synopsys.
Đặc biệt, sau khi kết thúc khóa học, nhóm sinh viên được đào tạo đã tham gia chương trình về Thiết kế vi mạch (UNIC-CASS 2024) do Hiệp hội mạch và hệ thống IEEE tổ chức và là 1 trong 4 đội xuất sắc nhất Việt Nam vào vòng tiếp theo triển khai thực hiện ý tưởng. Dự kiến tháng 4/2025 sẽ công bố kết quả sản phẩm chip thực tế được chế tạo.
Theo TS. Huỳnh Ngọc Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), khoá đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn thiết kế vi mạch bán dẫn là một bước tiến quan trọng của VKU trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; giúp sinh viên tự tin tiến bước vào thị trường công nghiệp bán dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực trong nước và quốc tế.
GS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, khi triển khai chương trình đào tạo về vi mạch, ông lo các sinh viên sẽ nản sau vài buổi học bởi đây là một ngành khó, đòi hỏi sự cần cù, sáng tạo. Tuy nhiên, các sinh viên đã hoàn thành khoá học và thể hiện năng lực, thành quả bước đầu.
Mặc dù mới tham gia khoá học thiết kế vi mạch trong 6 tháng nhưng đã là 1 trong 4 nhóm sinh viên của Việt Nam được triển khai thực hiện ý tưởng sản xuất chip với sự hỗ trợ của các chuyên gia IEEE.
Ông hi vọng trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có nguồn lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng góp cho sự phát triển công nghiệp vi mạch.
Phó Hiệu trưởng VKU cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, trong thời gian qua trường đã công bố chương trình đào tạo thiết kế vi mạch; xây dựng trung tâm nghiên cứu vi mạch.
Năm 2024, VKU tuyển sinh 71 sinh viên chuyên ngành thiết kế vi mạch với điểm đầu vào 27 điểm. Trường cũng đã chuyển tiếp hơn 200 sinh viên các ngành gần sang chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn…