ẤN TƯỢNG HÌNH ẢNH CÁC TÀI XẾ XẾP HÀNG NGHIÊM NGẮN CHỜ ĐÈN ĐỎ Ở HÀ NỘI
Chưa đầy 15 ngày sau khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ có hiệu lực, ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông đã có sự thay đổi rõ rệt. Minh chứng rõ nét nhất cho điều này là hình ảnh dòng phương tiện chấp hành nghiêm chỉnh trong việc dừng đèn đỏ tại các ngã ba, ngã tư... ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
Nếu như trước khi áp dụng Nghị định 168/2024, tại nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn có tình trạng người đi xe máy cố tình vượt đèn đỏ, lấn vạch dừng, đi ngược chiều... gây hỗn loạn giao thông, ách tắc kéo dài, thì đến nay, tình trạng này đã không còn, các phương tiện dừng chờ đèn đỏ nghiêm chỉnh, thẳng hàng.
Bà Nguyễn Bích Thủy (45 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đa số người tham gia giao thông đã biết mức phạt với hành vi vượt đèn đỏ đã tăng cao nên tự giác chấp hành.
"Những ngày qua, tôi thấy mọi người nói chuyện với nhau về việc tăng mức phạt khi vi phạm giao thông, ở đường còn có người nhắc là không được vượt đèn đỏ vì sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng. Tôi thấy rằng, nếu duy trì việc xử lý nghiêm thì người dân sẽ hình thành được thói quen luôn chấp hành pháp luật", bà Thủy chia sẻ.
Đáng chú ý, người tham gia giao thông còn tự giác chấp hành việc dừng đèn đỏ ngay cả khi vắng bóng lực lượng CSGT. Điển hình vào tối 3/1, sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam ở trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, hàng nghìn cổ động viên đổ ra đường ăn mừng nhưng vẫn chấp hành nghiêm chỉnh về an toàn giao thông.
Bạn Ngô Duy Anh (27 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, ở các lần ăn mừng chiến thắng trước đây, rất nhiều người điều khiển xe máy không tuân thủ luật giao thông. Nhưng nay, mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi nghiêm ngắn dừng chờ đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm đầy đủ.
DÒNG XE ÙN DÀI NHƯNG ÍT NGƯỜI ĐI XE MÁY LÊN VỈA HÈ NHƯ TRƯỚC
Không chỉ với hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều đường... mà việc không điều khiển xe máy đi lên vỉa hè cũng được đa số người dân tự giác chấp hành.
Tại TPHCM, vào khung giờ cao điểm buổi sáng, tại các điểm nóng ùn tắc giao thông như: Trường Chinh - Cộng Hòa (quận Tân Phú, Tân Bình), đường Quang Trung (quận Gò Vấp), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1)... không còn cảnh dòng xe máy nối đuôi đi lên vỉa hè.
Chị Hồ Thị Phượng (ngụ quận 12) cho biết, đường TPHCM thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là tuyến đường Cộng Hòa vào giờ cao điểm sáng và chiều.
“Trước đây, tôi cũng như nhiều người thường chạy xe 'tắt' lên vỉa hè để tránh ùn tắc. Tuy nhiên, những ngày qua, tôi không dám leo vỉa hè nữa do mức phạt rất cao”, chị Phượng chia sẻ.
GIẢM CẢ 3 TIÊU CHÍ VỀ TAI NẠN GIAO THÔNG
Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 14/1, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ và thời gian liền kề.
Cụ thể, toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết và 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ, giảm 47 người chết, giảm 426 người bị thương. Trong đó, trên đường bộ xảy ra 677 vụ, 363 người chết, 452 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 352 vụ, giảm 45 người chết, giảm 426 người bị thương.
Đại diện Cục CSGT đánh giá, Nghị định 168/2024 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông.