|
Dù người sử dụng Internet đang ngày càng quen hơn với quảng cáo trên mạng xã hội, nhưng vẫn có tới 14,72% người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy khó chịu với hình thức quảng cáo này. (Ảnh minh họa) |
>> Doanh thu Internet Việt Nam năm 2012 chỉ đạt dưới 15.000 tỷ đồng / VNNIC công bố báo cáo tài nguyên Internet năm 2013 / Internet Việt Nam sẽ phát triển thế nào trong 5 - 15 năm tới?
Chia sẻ về "bức tranh" toàn cảnh Internet Việt Nam 2013, ông Vũ Hoàng Liên dẫn một loạt số liệu khảo sát của InfoQ cho biết, thời gian sử dụng Internet của người dùng ở Việt Nam ngày càng tăng, năm 2013 tính trung bình có tới 62% người dùng sử dụng Internet trên 3h/ngày; 22% dùng từ 1,5 - 3h/ngày, 14% dùng từ 30 phút - 1,5h/ngày và chỉ có 2% dùng dưới 30 phút/ngày. Độ tuổi truy nhập Internet nhiều nhất từ 25 -35 tuổi. Công cụ sử dụng để dùng Internet nhiều nhất là điện thoại di động và máy tính cá nhân. Địa điểm truy nhập Internet chủ yếu là tại nhà (88,25% người sử dụng) và tại nơi làm việc (58,76%). Có tới 94% số người sử dụng Internet là để tìm kiếm thông tin; 61% người dùng mạng xã hội có kết nối và theo dõi thông tin các trang Fanpage trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, dù rằng người sử dụng Internet đang ngày càng quen hơn với quảng cáo trên mạng xã hội, nhưng vẫn có tới 14,72% người tham gia khảo sát cho biết quảng cáo trên mạng xã hội làm họ cảm thấy khó chịu; 10,28% nói quảng cáo trên mạng xã hội làm họ thấy khó chịu hơn những quảng cáo trực tuyến khác.
Ông Vũ Hoàng Liên cũng dẫn nguồn từ Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho thấy các nhà cung cấp dịch vụ OTT đang phát triển mạnh mẽ và làm thay đổi đáng kể tương quan giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và nhà cung cấp nội dung (CP). Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng các dịch vụ OTT qua smartphone đang tăng dần từ 24,7% trong năm 2012 lên 33,8% vào năm 2013. Dự kiến 3 năm 2014 - 2015 - 2016 sẽ tiếp tục đạt được các mức 41% - 44,2% - 45,5%.
Về thương mại điện tử, trong số 36% dân số dùng Internet, hơn một nửa đã tham gia thương mại điện tử nhưng giá trị tiêu dùng còn ở mức khiêm tốn (trung bình mỗi người chỉ chi tiêu thương mại điện tử khoảng 120 USD/năm). Nhiều loại thẻ thanh toán có địa chỉ từ Việt Nam chưa được nước ngoài chấp nhận sử dụng để thanh toán trực tuyến. Nhiều website thương mại điện tử cũng chưa đủ sức hấp dẫn cũng như uy tín đối với khách hàng nước ngoài.
Đánh giá chung về vai trò và hiệu quả của Internet đối với sự phát triển đất nước, tại Ngày Internet 2013, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chia sẻ: “Trải qua 16 năm phát triển kể từ ngày đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với con người trong xã hội, đã và đang tác động tích cực tới hầu hết các lĩnh vực như truyền thông, y tế, giáo dục, kinh tế, kỹ thuật, ngân hàng…, từ thành thị đến nông thôn, biên giới, hải đảo… Tuy nhiên, trước thách thức phải mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ truy nhập và sử dụng Internet trong 1 thị trường cạnh tranh và chi phí hợp lý, đồng thời duy trì 1 môi trường mở, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chúng ta cần ngồi lại và nhìn nhận một cách khách quan về thực trạng phát triển, những điểm mạnh và tồn tại trong việc phát triển hạ tầng Internet tại Việt Nam. Đây là những yếu tố sống còn để tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững của Internet Việt Nam cũng như là động lực cần thiết nhằm khuyến khích người sử dụng Internet nói chung và người tiêu dùng nói riêng tăng cường giao dịch trực tuyến, trao đổi thông tin lẫn nhau và góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp với nền kinh tế Internet”.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, để phát triển nền kinh tế Internet và nâng cao độ tin cậy, giảm thiểu các nguy cơ trên không gian mạng, thời gian tới, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần tiếp tục chung sức xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT-TT hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng Internet trong sản xuất kinh doanh, tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ, an toàn, an ninh mạng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, ứng dụng mới, hấp dẫn, thỏa mãn nhiều hơn nhu cầu của người sử dụng, đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến, phổ cập Internet và thu hẹp khoảng cách số cho người dân.