- Không có cầu, vào mùa nước lũ hàng nghìn người dân và trẻ em thôn Lương Đông phải “nhắm mắt, đưa chân” lội qua con đê trơn trượt để sang bờ bên kia kiếm sống, phó mặc tính mạng của mình cho số phận.
 
Hàng ngày, hàng trăm người dân Lương Đông và phương tiện phải qua sông Lũy bằng cách như thế này.
Những vụ tai nạn thương tâm…


Ngày 19/6, sau một trận mưa, nước sông Lũy (thuộc địa phận thôn Lương Đông, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình) đục ngầu và chảy xiết. Con đập rộng chưa tới 1 m, chìm trong nước..

Đang loay hoay tìm cách qua sông, ông Nguyễn Văn Tàu (45 tuổi), người thôn Lương Đông quay về phía chúng tôi nói: “Mỗi lần qua sông là tôi ớn lạnh cả sống lưng. Nước chảy xiết thế này, nếu không quen thì xe đạp, công cụ sản xuất có thể bị cuốn trôi, làm “mồi” cho mấy tảng đá phía dưới..”

Ông Nguyễn Bè (60 tuổi) người cùng thôn, hàng ngày cũng phải vượt qua “cửa ải” là con sông Lũy để tới phần đất canh tác nhà mình. Ông nói: “Tôi từng 2 lần bị trượt chân rơi xuống sông, vì rêu trơn và nước xiết. Cách đây 2 tuần, khi dắt chiếc xe máy City qua bờ đập, tôi xẩy chân bị nước cuốn trôi, phải nhờ bà con trục vớt lên…Đó là còn may, nhiều người bị cuốn luôn cả xe lẫn người, bị thương, phải nằm viện”
                       
Còn theo thống kê của ông Trương Ngọc Hoàng – Bí thư thôn Lương Đông, hàng ngày có hơn 200 lượt người đi lại khúc sông này. Cả thôn có 1.300 nhân khẩu, sống bằng nghề nông, tuy nhiên nghịch lý ở chỗ: nhà của họ bên này sông Lũy nhưng đất canh tác, hoa màu của họ lại nằm cả bên kia sông. Ước tính hàng năm, lượng lương thực vận chuyển qua lại là 100 tấn lúa, 200 tấn mỳ. Thế nhưng, để đến nơi sản xuất, người dân buộc phải…lội bộ qua sông, hoặc đi vòng quãng đường 14km. Do bức bách cuộc sống, nhiều người phải “nhắm mắt” qua sông, và vì vậy xảy ra các tai nạn đau lòng…            

Năm 2008, người dân thôn Lương Đông không thể quên được cái chết tức tưởi của em Nguyễn Văn Minh (SN 1995). Vào đêm rằm Trung thu, Minh cùng bạn sang bên kia đập chơi đón trăng rằm. Do liều mình dắt xe đạp qua con nước, em đã bị cuốn trôi. Người dân Lương Sơn đổ đi tìm…những phải mấy ngày sau mới thấy xác em nơi cuối nguồn.

Chiếc đò mỏng manh và người đàn ông chèo thuyền “chui”, giúp người dân mỗi khi nước lớn, không thể lội qua con đập.
Hay cách đây vài tháng, cái chết của em Phòng Xướng Mựa (SN 2000, dân tộc Nùng), học sinh lớp 5 trường tiểu học Lương Sơn 1 cũng khiến người dân thôn nghèo Lương Đông không khỏi đau lòng. Trong lúc qua sông, Mựa bị trượt chân ngã, người đụng vào mỏm đá, tử vong. Hay vụ chìm đò, khiến 6 nông dân đi làm ruộng suýt chết…vẫn còn là ám ảnh kinh hoàng đối với người dân nơi đây.   

Tại bờ đập, chúng tôi thấy một con đò nhỏ đang neo bến, hỏi ra đây là chiếc thuyền chở người dân qua sông khi nước lớn, nhưng bị chính quyền địa phương phạt, đình chỉ hoạt động nhiều lần vì không đảm bảo an toàn. Ông Đặng Phụng – người chèo đò cho biết: sau khi bị đình chỉ, ông đã xếp thuyền không dám chèo nữa, nhưng bà con năn nỉ, nay ông chở miễn phí, nhưng cũng chỉ làm…lén thôi.

“Nước mùa lũ rất lớn, trăng cả dòng, khi đấy có “cược tiền” triệu tôi cũng không dám chèo đò. Ước gì có một cây cầu cho bà con chúng tôi đỡ khổ” – ông Phụng nói.                                 

Bức “tâm thư” của một nhà sư…

“Tôi đã được mời nhiều lần đến đây để cầu hồn cúng tế, khi nghe tin những người thân báo tin nhiều người phải bỏ mạng bởi dòng sông này. Chính vì điều này là động cơ để thúc đẩy tôi phát nguyện, làm sao để thực hiện được chiếc cầu treo trên dòng sông này…”

Sư thầy Thích Giác Hạnh mong sẽ huy động được đủ kinh phí, làm cầu treo cho người dân qua sông, để không phải thấy cảnh tai nạn thương tâm trên dòng sông này nữa.          
Đó là một đoạn trích trong bức thư ngỏ được gửi đi từ tháng 1/2011 của nhà sư Thích Giác Hạnh - chủ trì tịnh xá Ngọc Hải, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, người đã vận động người thân, phật tử trong và ngoài nước góp tiền xây dựng một cây cầu treo trên sông Lũy.

Tiếp xúc với chúng tôi, sư thầy Thích Giác Hạnh xúc động: ”Thầy mong một ngày, không còn phải tới đây để cầu hồn cho những người xấu số bên dòng sông Lũy nữa. Một cây cầu hiện diện tại nơi này có thể thực hiện được mong ước đó..”

Theo thầy Giác Hạnh, để thi công công trình cầu treo dài 80 m, rộng 2,5 m cần một khoản kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Việc xây cầu đã được đơn vị thi công là Tam gia cầu treo tại An Giang đảm nhận.

Việc một vị hòa thượng đứng ra vận động xây cầu cho dân nghèo thôn Lương Đông cũng được chính quyền địa phương ủng hộ. Giữa tháng 6/2011, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản đồng ý chủ trương cho xây dựng cầu qua sông Lũy; đồng thời lưu ý Sở Giao thông vận tải hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hồ sơ liên quan nhằm đảm bảo công trình được xây dựng đạt yêu cầu về chất lượng…

Đến nay, sư thầy Giác Hạnh đã vận động được số tiền 420 triệu đồng…tuy nhiên vẫn chưa đủ để hình thành cây cầu cho người dân nơi đây.

“Sư thầy đã bàn với địa phương, có lẽ thời gian tới sẽ cho khởi công công trình, sau đó vận động phật tử, mạnh thường quân trong cả nước giúp thêm kinh phí…Thầy tin công việc “đắp đường làm cầu” cũng là “phụng sự chúng sanh” sẽ có nhiều người tham gia ủng hộ” – thầy Giác Hạnh tự tin nói.

Chia tay thôn Lương Đông, chúng tôi nhớ mãi cái bắt tay chân tình, câu nói ngắn gọn trong sự hy vọng của trưởng thôn Trương Ngọc Hoàng: “1.300 nhân khẩu Lương Đông mong lắm một cây cầu, hãy nói giúp chúng tôi nhà báo nhé !”  

  • Thái Thiện