Thế giới công nghệ hôm nay không thể tồn tại nếu thiếu những nhà đổi mới này. Một số nhà lãnh đạo thế hệ đầu đã chuyển giao quyền lực cho lớp kế cận, song mọi thành tựu liên quan tới kĩ thuật, lập trình, âm nhạc, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác không thể tồn tại nếu thiếu phát minh ban đầu và tài lãnh đạo của họ. Có thể trong danh sách 13 lãnh đạo công nghệ dưới đây có nhiều cái tên không quen thuộc với độc giả Việt Nam, tuy nhiên, đó đều là những tên tuổi đáng kính trọng và được đánh giá cao vì họ là người mở đường cho sự đội mới chưa từng có tiền lệ của ngành công nghệ và của cả thế giới.
1. Kenneth Olsen, DEC (6/2/1926 – 6/2/2011)
Kenneth Olsen là đồng sáng lập kiêm kĩ sư của Tập đoàn thiết bị kĩ thuật số Digital Equipment Corporation (DEC), nổi tiếng khi từng trở thành công ty máy tính lớn thứ 2 thế giới. Olsen được xem là người có công giúp “tái định hình nền công nghiệp máy tính”. Ông mất ở tuổi 84.
2. Jean Bartik, ENIAC (27/12/1924 – 23/3/2011)
Jean Jennings Bartik là phụ nữ cuối cùng của ENIAC, hay công ty máy tính Electronic Numerical Integrator & Computer. Theo thời báo New York, bà là “người tiên phong trong lĩnh vực phần mềm” và là một trong những người đầu tiên của công nghiệp lập trình máy tính. Bartik thọ 86 tuổi.
3. Max Mathews, Computer Music (13/11/1926 – 21/4/2011)
Max Mathews được xem là “cha đẻ của âm nhạc kĩ thuật số”. Ông tạo ra chương trình có tên MUSIC có thể chơi đoạn nhạc dài 17 giây trên máy tính IBM. Ông cũng phát triển phần mềm nhạc và nhiều thiết bị khi còn là kĩ sư tại phòng nghiên cứu và phát triển Bell Laboratories. Ông thọ 84 tuổi.
4. Norio Ohga, Sony (29/1/1930 – 23/4/2011)
Norio Ohga là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) Tập đoàn Sony, nơi ông “hình thành sự phát triển của đĩa compact (CD)”. Sự sáng tạo này đã giúp Sony bùng nổ, từ công ty sản xuất điện tử tiêu dùng thành đế chế giải trí hùng mạnh. Ông mất năm 81 tuổi.
5. Michael Hart, Dự án Gutenberg (8/3/1947 – 6/9/2011)
Michael Hart là tác giả Mỹ nổi tiếng đã xuất bản cuốn ebook (sách điện tử) đầu tiên, người “đặt nền móng cho Dự án Gutenberg”, dịch vụ ebook miễn phí cho máy đọc sách Kindle, Android, iOS. Ông mất năm 64 tuổi.
6. Julius Blank, Fairfield Semiconductor (2/6/1925 – 17/9/2011)
Là người tiên phong trong lĩnh vực sản xuât chip máy tính, Julius Blank là một trong tám nhà sáng lập ra tập đoàn chất bán dẫn Fairfield Semiconductor. Ông thọ 86 tuổi.
7. Steve Jobs, Apple (24/2/1955 – 5/10/2011)
Là một tượng đài và nhà cách mạng của thế giới công nghệ, Steve Jobs là đồng sáng lập, Chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của Apple. Khi Jobs qua đời, Apple đã thiết kế trang web tưởng nhớ ông. Công ty thông báo đã “mất đi con người có đầu óc sáng tạo và tầm nhìn vĩ đại, thế giới mất đi một con người tuyệt vời”. Ông mất ở tuổi 56 vì bệnh ung thư.
8. Roberg Galvin, Motorola (9/10/1922 – 11/10/2011)
Roberg Galvin là con trai của người sáng lập Motorola, Paul Galvin, và sau đó trở thành CEO của công ty. Trong suốt thời gian lãnh đạo, doanh số bán hàng Motorola đã tăng từ 216,6 triệu đô-la tên 6,7 tỉ đô-la. Galvin được xem là “một trong những doanh nhân có tầm nhìn nhất nước Mỹ”. Ông thọ 89 tuổi.
9. Dennis Ritchie, Unix (Ngôn ngữ C) (9/9/1941 – 12/10/2011)
Dennis Ritchie là người sáng tạo ra ngôn ngữ lập trình C và hệ điều hành Unix. Ông là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử điện toán máy tính và cùng với Ken Thompson (nhân vật nổi tiếng khác cùng tham gia phát triển Unix) nhận Huân chương Quốc gia lĩnh vực Công nghệ từ Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 1999. Ông thọ 70 tuổi.
10. Ashawna Hailey, HSPICE (8/10/1949 – 14/10/2011)
Ashawna Hailey là đồng sáng lập của công ty phần mềm Meta-Software - công ty tạo ra chương trình HSPICE, tiêu chuẩn của mô phỏng mạch tương tự trong công nghiệp bán dẫn. Không chỉ thành công trong sự nghiệp, bà còn tham gia đấu tranh đòi bình đẳng giới. Bà mất ở tuổi 62.
11. John McCarthy, A.I.Pioneer (4/9/1927 – 24/10/2011)
John McCarthy nổi tiếng là người sáng tạo thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” nhưng đồng thời cũng là nhà phát minh ngôn ngữ lập trình Lisp, tiêu chuẩn của mọi ứng dụng trí tuệ nhân tạo. McCarthy còn là một trong số những người đầu tiên đề xuất “điện toán đám mây” nổi tiếng ngày nay. Ông thọ 84 tuổi.
12. John Opel, IBM (5/1/1925 – 3/11/2011)
John Opel được xem là người “biến IBM thành gã khổng lồ”. Ban đầu Opel phục vụ như một nhân viên bán hàng cho IBM, và sau đó trở thành CEO “người khổng lồ xanh” (Big Blue). Opel mất năm 86 tuổi.
13. Charles Walton, RFID (1921 – 6/11/2011)
Charles Walton là cha đẻ của RFID, công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến. Ông sau đó đã thành lập công ty riêng, Proximity Devices và sở hữu 10 bằng sáng chế cho các thiết bị liên quan. Ông thọ 89 tuổi.
Theo Mashable