So-HN-1.jpg
Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội được Sở TT&TT Hà Nội tổ chức sáng nay, ngày 24/9.

>> 2020: Mỗi người dân Hà Nội sẽ dùng 2 thuê bao di động/ Hà Nội: 100% BĐVHX có dịch vụ Internet băng rộng vào 2015/ Hà Nội mở đầu “làn sóng” dùng chung trạm BTS/ Hà Nội mở rộng dùng chung trạm BTS.

Các DN vừa cam kết sẽ thúc đẩy việc chung cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm có: VNPT Hà Nội, Chi nhánh Viettel Hà Nội, Công ty CP Viễn thông FPT, Công ty CP Hạ tầng viễn thông CMC, Trung tâm Thông tin di động khu vực 1 (MobiFone 1), Trung tâm Dịch vụ viễn thông khu vực 1 (VinaPhone 1), Công ty CP Viễn thông di động Toàn cầu (GMobile), Công ty CP viễn thông Hà Nội (Vietnamobile), Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam thuộc Đài truyền hình Việt Nam, Công ty CP Dịch vụ truyền thanh thuộc Đài truyền hình Hà Nội, Công ty  TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, Công ty CP Truyền thông Hanel và Bưu điện TP.Hà Nội.

Công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung là các công trình được xây dựng để bố trí, lắp đặt đường dây, cáp và đường ống bao gồm: cột ăng-ten, cột treo cáp, cống bể cáp, hào và tuy-nel kỹ thuật, đường đô thị, hầm đường bộ, hầm đường sắt, cống ngầm, cầu đường bộ và cầu đường sắt.

Theo Biên bản thỏa thuận mới được ký kết, việc sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: tổ chức sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung có trách nhiệm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã được xây dựng theo quy định; các loại đường dây, cáp và đường ống bố trí, lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải có ký hiệu để nhận biết và thông tin cơ bản của ký hiệu nhận biết gồm chủ sở hữu, ký hiệu, màu sắc…

Việc quản lý, khai thác và vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các quy định về kỹ thuật bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị. Việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật phải được thực hiện thông qua hợp đồng và giá thuê theo quy định của Chính phủ và thành phố.

Trong biên bản thỏa thuận trên, 13 DN bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp hoạt động trên địa bàn Hà Nội cũng thống nhất thực hiện các nội dung cụ thể về sử dụng chung cống bể cáp, hào, tuy-nel kỹ thuật cũng như việc dùng chung cột ăng-ten, nhà trạm, cột treo cáp.

Đơn cử như với việc dùng chung cống bể cáp, hào và tuy-nel kỹ thuật, thỏa thuận nêu rõ, các DN viễn thông có trách nhiệm tham gia phối hợp và đóng góp kinh phí để hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông, truyền hình theo quy định của Nhà nước.

So-HN-2.jpg
Tại Hà Nội hiện có trên 5.000 trạm BTS đang hoạt động, trong đó hơn 1.000 trạm dùng chung cơ sở hạ tầng (cột ăng-ten, nhà trạm). Ảnh: M.T

Đối với việc sử dụng chung cột ăng-ten, nhà trạm và cột treo cáp, các DN cam kết triển khai Nghị định 72 ngày 24/9/2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ  tầng kỹ thuật và Thông tư 14 ngày 21/6/2013 của Bộ TT&TT hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.

Theo kế hoạch, thời gian tới, các DN thông tin di động gồm: MobiFone, Viettle, VinaPhone, Vietnamobile, Gmobile sẽ tiếp tục cùng Sở TT&TT Hà Nội rà soát, thống kê danh sách các trạm BTS phát triển mới năm 2013 để thống nhất các vị trí triển khai xây dựng trạm BTS dùng chung cơ sở hạ tầng (nhà trạm, cột ăng-ten) tại các vị trí đất công trên địa bàn. Trong quá  trình triển khai xây dựng trạm BTS mới có vị trí (tọa độ) trùng hoặc gần với vị trí (tọa độ) các trạm BTS đang hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông khác thì các doanh nghiệp thông tin di động sẽ chủ động, phối hợp sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Đáng chú ý, các DN viễn thông cũng thống nhất cam kết sẽ phối hợp với Bưu điện TP.Hà Nội để dùng chung cơ sở hạ tầng (các điểm Bưu điện văn hóa xã, bưu cục các cấp) để triển khai xây dựng trạm BTS dùng chung và làm địa điểm để cung cấp các dịch vụ viễn thông khác. 

Đồng thời, khuyến nghị sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông (cột ăng-ten, nhà tram) giữa các DN thông tin di động theo tinh  thần "một đổi một" và tự thỏa thuận cho thuê lại nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, tránh lãng phí trong đầu tư.

Thỏa thuận sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Hà Nội sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 9/2018. Trong quá trình triển khai các dự án hạ ngầm và chỉnh trang các đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn, Sở TT&TT Hà Nội là đầu mối, phối hợp với các chủ đầu tư và DN viễn thông cùng thực hiện. Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận/huyện/thị xã và các đơn vị có liên quan để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các DN bưu chính, viễn thông trong quá trình xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng TT&TT tại Hà Nội.