Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương đang điều trị cho 13 bệnh nhi mắc Covid-19. Trong đó, cháu lớn nhất 12 tuổi, cháu nhỏ nhất mới chỉ 21 ngày tuổi khi nhập viện.
TS.BS Phạm Văn Đếm (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) là một trong những chuyên gia được điều động về Bệnh viện dã chiến số 2 trực tiếp điều trị cho các trường hợp này.
Chia sẻ với VietNamNet, TS Đếm cho biết, bệnh nhi nhỏ nhất hiện vừa tròn 1 tháng tuổi. Các bác sĩ đặt cháu bé trong diện nguy cơ cao, theo dõi sát sao các diễn biến mỗi ngày. Đến nay, toàn trạng bé khá ổn, bú tốt, không nôn trớ, không sốt, không có các biểu hiện của khó thở.
Trường hợp nhỏ tuổi thứ hai đang điều trị tại bệnh viện là cháu bé 9 tháng tuổi, có bệnh viêm tiểu phế quản kèm theo. Bệnh nhi cũng đang có toàn trạng khá ổn, không còn sốt, ho ít hơn, tươi tỉnh, chơi ngoan, bắt đầu ăn tốt trở lại.
TS.BS Phạm Văn Đếm (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) tại Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương - Ảnh: Nguyễn Liên |
TS Đếm thông tin, hiện các nước trên thế giới hay Việt Nam đều chưa có phác đồ chuẩn điều trị Covid-19 cho trẻ em, bởi số lượng bệnh nhi Covid-19 không nhiều. Tuy nhiên, theo khuyến cáo chung, việc chữa cho trẻ cũng gần giống với người lớn, tức điều trị triệu chứng. Nếu bệnh nhi diễn tiến nặng lên, bác sĩ sẽ cho dùng thêm các thuốc kháng virus.
Những trường hợp có bệnh kèm theo như bệnh nhi 9 tháng tuổi nói trên được xếp vào nhóm nguy cơ cao. Bác sĩ sẽ theo dõi sát sao các chỉ số sống của trẻ để phát hiện sớm biểu hiện của Covid-19 và điều trị tích cực bệnh kèm theo.
Đối tượng trẻ sơ sinh (từ 0-28 ngày tuổi) được xếp vào nhóm nguy cơ do dễ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nguy cơ ngừng thở cao.
Với nhóm này, bệnh nhi cũng được theo dõi kỹ để kịp thời xử lý nếu có tình huống xấu. Do trẻ nhỏ diễn biến bệnh rất nhanh, các bác sĩ phải thường xuyên lưu tâm tới vấn đề ăn uống, nhịp thở, nhiệt độ của trẻ hoặc các biểu hiện ở đường tiêu hóa như nôn trớ, tiêu chảy.
Ngoài 2 bệnh nhi nói trên, bác sĩ Đếm cho biết 11 trẻ còn lại đều có các chỉ số sống ổn định, không sốt, không đau mỏi cơ, không có các biểu hiện tiêu hóa hay hô hấp. Trẻ chơi ngoan, ăn ngủ được.
Điều trị bệnh nhi mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương - Ảnh: Trung Sơn |
Thời gian đầu khi mới nhập viện, đa số các bệnh nhi đều quấy khóc vì nhớ nhà. Với những em bé quá nhỏ, khó khăn trong việc hợp tác như bé 21 ngày tuổi và 9 tháng tuổi, người mẹ được theo kèm chăm sóc. Mẹ của bé trước đó đã tiếp xúc ở nhà với con, là đối tượng F1.
Tại khu điều trị, bác sĩ hướng dẫn người mẹ mở cửa phòng thông thoáng để hạn chế phát tán virus quá nhiều trong phòng. Ngoài ra, cả mẹ và bé đều phải đeo khẩu trang hàng ngày. Các buồng bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 2 được bố trí thoáng đãng, nhiều ánh sáng, giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm.
Đến nay, tất cả bà mẹ đi theo chăm sóc con đều có kết quả âm tính SARS-CoV-2.
Bác sĩ Đếm tâm sự, những bệnh nhi không có phụ huynh đi theo chăm sóc thường gặp một số vấn đề tâm lý lúc ban đầu. Bởi vậy, các bác sĩ luôn cố gắng lắng nghe, khích lệ tinh thần và dành cho các cháu tình yêu thương.
Bác sĩ tặng đồ chơi cho trẻ vơi đi nỗi buồn trong khu cách ly
“Vì đặc thù Covid-19 là bệnh truyền nhiễm, chủng mới của virus lại có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ kín mít nên không thể tương tác với trẻ quá nhiều. Chúng tôi chỉ có thể gửi gắm tình cảm tới các cháu qua lời nói, ánh mắt, cử chỉ”, bác sĩ Đếm chia sẻ.
Những bé ít tuổi hơn được sắp xếp buồng bệnh gần phòng trực bác sĩ để tiện cho việc quan sát, hỗ trợ. Ngoài ra, khu phòng bệnh còn có nhiều tình nguyện viên thường ghé tới giúp đỡ các con. Buổi tối, các bác sĩ thường xuyên qua lại quan sát để đảm bảo các bé luôn an toàn.
Được biết, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa tài trợ cho bệnh nhi tại Bệnh viện dã chiến số 2 rất nhiều đồ chơi, tạo sân chơi thu nhỏ thoáng đãng, giúp trẻ tạm quên đi nỗi buồn vì nhớ nhà.
Nguyễn Liên
Lý do số ca Covid-19 ở Mỹ giảm mạnh
Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đang giảm nhưng các chuyên gia nhận định nguyên nhân không phải do vắc xin.