Tại Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3; đồng thời tích cực triển khai để cung cấp dịch vụ công mức độ 4. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; và ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo việc ban hành các Danh mục các dịch vụ công trực tuyến thực hiện trong năm 2016.

Thông báo cho hay, trên cơ sở xem xét đề nghị của Văn phòng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các dịch vụ công trực tuyến ưu tiên thực hiện trong năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý ban hành Danh mục 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành thực hiện và Danh mục 44 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để các địa phương thực hiện trong năm 2016.

Cụ thể, đối với các địa phương, trong 44 dịch vụ công mức 3 thực hiện trong năm nay, có 36 nhóm dịch vụ cấp tỉnh gồm 5 nhóm dịch vụ về đất đai, xây dựng; 13 nhóm dịch vụ về doanh nghiệp; 12 nhóm dịch vụ về người dân; và 6 nhóm dịch vụ về giấy phép. Với cấp huyện có 4 nhóm dịch vụ: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; cấp giấy phép các hoạt động sử dụng vỉa hè, lề đường. Còn ở cấp xã, có 4 nhóm dịch vụ ưu tiên thực hiện trực tuyến ở mức độ 3 trong năm nay là cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, khai sinh, kết hôn và đăng ký giám hộ.

Trong danh mục 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành thực hiện trong năm 2016, đa số các nhóm thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức 3 và chỉ có 15 nhóm ở mức 4. Thống kê từ danh mục này cho thấy, Bộ Ngoại giao là cơ quan có số nhóm thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến ở mức độ cao nhiều nhất, với 8 nhóm; tiếp đó là Bộ Y tế (7 nhóm); 3 bộ Giao thông vận tải, Công Thương, NN&PTNT cùng có 6 nhóm; 5 bộ: Công an, VHTT&DL, Nội vụ, LĐTB&XH và TT&TT mỗi bộ đều có 5 nhóm; Bộ Xây dựng có 4 nhóm; 6 cơ quan gồm 5 Bộ Tài chính, KH&ĐT, TN&MT, Tư pháp, KH&CN và Ngân hàng Nhà nước cùng có 3 nhóm thủ tục/cơ quan; Bộ GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thanh tra Chính phủ mỗi đơn vị đều có 1 nhóm thủ tục hành chính sẽ được thực hiện trực tuyến ở mức độ 3 trong năm nay.

Theo đại diện Vụ Khoa giáo Văn xã của Văn phòng Chính phủ, các dịch vụ công đưa vào Danh mục ưu tiên cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 trong năm 2016 được Văn phòng tổng hợp trên cơ sở bàn bạc, thống nhất với các bộ, ngành, địa phương về những dịch vụ được cho rằng cấp thiết của các cơ quan, đơn vị.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, hiện Văn phòng đang phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và các doanh nghiệp thiết lập, sớm đưa  vào vận hành thử nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời đang thí điểm tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 từ các cơ quan, tiến tới tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến trong Danh mục này về Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2016. Thời điểm Văn phòng Chính phủ dự kiến đưa Cổng dịch vụ công quốc gia vào hoạt động chính thức là từ tháng 9 năm nay.