VinaRen (http://www.vinaren.vn) là mạng viễn thông về nghiên cứu và đào tạo phi lợi nhuận, được nối vào Mạng thông tin xuyên Âu - Á (TEIN2), bằng đường kết nối riêng với tốc độ 45 Mbps, tạo ra một môi trường kết nối mạng toàn cầu tốc độ cao để các tổ chức nghiên cứu, đào tạo Việt Nam và các tổ chức nghiên cứu và giáo dục trên thế giới có kết nối vào mạng TEIN2 trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu khoa học, phối hợp sử dụng chung các nguồn lực (thông tin, dữ liệu, trung tâm tính toán, tri thức... kể cả nguồn nhân lực), cùng hợp tác giải quyết các bài toán khoa học trên quy mô quốc tế.
Tại Hội nghị VinaREN lần thứ 4 khai mạc ngày 20-3, TS Tạ Bá Hưng, Giám đốc Trung tâm thông tin Khoa học công nghệ, thuộc Bộ KH-CN cho biết, nếu như một năm trước, chỉ có 5 tỉnh, thành phố được kết nối gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, thì đến nay, VinaREN đã có thêm 6 trung tâm mới là Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An, Nha Trang, Đà Lạt và An Giang. Số đơn vị, thành viên được kết nối cũng tăng từ 44 lên 53.
Cũng theo ông Hưng, dù việc ứng dụng các dịch vụ mạng hiện đại trên VinaREN còn rất mới mẻ với đa số các thành viên, nhưng năm qua, ngày càng nhiều những ứng dụng được triển khai. Nếu như trong năm 2007, một sóo ứng dụng như y học từ xa mới chỉ được triển khai ở một số rất ít thành viên như Bệnh viện Nhi trung ương, thì năm 2008, các ứng dụng này đã được nhana rộng và được tiến hành khá thường xuyên ở nhiều thành viên khác như Viện Mắt trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TƯ Đà Nẵng, Bệnh viện Quân đội 108…
Nhờ có VinaREN đã giúp triển khai đào tạo trực tuyến giữa ba trung tâm nhãn khoa lớn trong toàn quốc là Bệnh viện Mắt trung ương, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, ông Đặng Trần Đạt, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết. Hai khoá học, với điểm đầu cầu chính tại Hà Nội, có sự tham gia của nhóm giáo sư nhãn khoa hàng đầu thế giới, hàng chục bác sĩ nhãn khoa trên toàn quốc đã được tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới với chi phí thấp, tiết kiệm thời gian.
Đào tạo từ xa e-learning cũng được nhiều thành viên sử dụng để thúc đẩy các chương trình hợp tác trong nước và quốc tế. Mới đây, ngày 6-3, Đ H Bách khoa Hà Nội đã khai trương phòng máy trực tuyến kết nối mạng giáo dục Á – Âu (TEIN2) và sử dụng mạng VinaREN tổ chức hội thảo truyền hình kết nối với các trường đối tác ở Mỹ và một số thành viên trong nước khác.
Thứ trưởng Thường trực Bộ KH-CN Trần Quốc Thắng, Trưởng Ban chỉ đạo VinaREN cho biết, nếu như trước đây toàn bộ chi phí xây dựng, vận hành và triển khai các hoạt động trên mạng đều do Bộ KH-CN cấp, chi phí đường truyền kết nối quốc tế được Cộng đồng châu Âu tài trợ rút dần từ 80% năm 2006 xuống 60% trong năm 2011, thì từ năm 2009 trở đi, cần phải nghiên cứu xây dựng chính sách tài chính hợp lý để duy trì và phát triển VinaREN. Phương châm của Bộ KH-CN đưa ra là: Nhà nước tiếp tục hỗ trợ VinaREN như một hạ tầng thiết yếu cho nghiên cứu và đào tạo. Các đơn vị thành viên có trách nhiệm đầu tư, đóng góp một cách hợp lý.
Nhân dịp Hội nghị, Mạng nghiên cứu xuyên Á TEIN3, dự án do Ủy ban châu Âu đầu tư với số vốn 25 triệu USD, được khai trương tại Việt Nam. Theo đó, mạng VinaREN được kết nối TEIN3 với tốc độ 155 Mbps, tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nh nghiên cứu và đào tạo trong nước với các đồng nghiệp trên toàn thế giới. Việc khai trương TEIN3 ở Việt Nam lần này được tổ chức sau sự phê chuẩn TEIN3 của các nguyên thủ quốc gia châu Á và châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM 7 tại Bắc Kinh tháng 10 năm ngoái.
Theo Nhandan