1. Tình yêu là yếu tố duy trì hôn nhân chứ không phải các tiêu chuẩn khắt khe
Theo cuộc khảo sát của dịch vụ mai mối trực tuyến Harmony, các cặp đôi kết hôn vì tình yêu thường hạnh phúc hơn người tiến đến hôn nhân vì áp lực xã hội hay vật chất.
Khảo sát cũng cho thấy các cặp vợ chồng có cùng tư tưởng về các vấn đề chính trị, ngang bằng về trình độ học vấn, luôn tin tưởng và giao tiếp cởi mở cũng giúp cuộc hôn nhân trở nên viên mãn.
2. Không còn lãng mạn như hồi mới yêu
Lúc mới yêu, người ấy có thể tặng cho bạn nhiều món quà quý giá vào những ngày đặc biệt, không quên chúc mừng sinh nhật bạn…
Tuy nhiên khi kết hôn một thời gian, bạn sẽ nhận ra một điều rằng, những ngày kỷ niệm chỉ là dĩ vãng, những ngày sinh nhật cũng không còn là điều đáng để tâm.
Và rồi, vợ chồng không còn dành cho nhau những tình cảm đặc biệt, tạo cho nhau những niềm vui bất ngờ nữa.
3. Hôn nhân thường nhàm chán
Cố vấn nổi tiếng Jonathan Bennett cảnh báo các cặp đôi nên có những kỳ vọng hợp lý về "yếu tố ly kỳ" trong đời sống hôn nhân. Bennett cho biết: "Ngay từ đầu, các mối quan hệ rất thú vị. Sự hồi hộp đó tăng lên nhờ sự phấn khích của lễ đính hôn, đám cưới và tuần trăng mật.
Tuy nhiên, theo thời gian, những cảm giác phấn khích đó dần phai nhạt và bạn sẽ nhận ra rằng hôn nhân thực sự khá nhàm chán".
Tin tốt là sự nhàm chán không hẳn là xấu. Bí quyết để có một cuộc hôn nhân thành công đơn giản là tìm thấy hạnh phúc ở những điều đơn giản và nhàm chán trong cuộc sống hằng ngày.
4. Giai đoạn yêu chỉ kéo dài trong năm đầu tiên
Một nghiên cứu của Đại học Pavia ở Italy chỉ ra cảm xúc lãng mạn, nồng cháy chỉ kéo dài trong năm đầu, sau đó sẽ giảm dần. Tuy nhiên đây là thời điểm quan trọng để các cặp đôi đặt nền móng, duy trì cuộc sống hôn nhân cho những năm tiếp theo.
Năm đầu tiên chung sống có thể rất tuyệt vời nhưng cũng dễ trở nên khủng khiếp nếu cả hai bất đồng quan điểm, không hòa hợp trong lối sống. Lời khuyên cho các cặp đôi mới cưới là tập trung xây dựng hôn nhân, học cách chia sẻ và chấp nhận đối phương.
5. Vợ chồng không còn sự ngưỡng mộ lẫn nhau
Lúc mới yêu, mọi thứ đều màu hồng. Mọi thứ của đối phương bạn đều thấy đẹp, ngưỡng mộ, dù họ có nhiều điều chưa hoàn thiện bạn cũng chấp nhận.
Nhưng rồi khi về chung sống, những gì trước đây bạn cho rằng tốt đẹp lại thấy xấu tệ, họ hoạt bát, hoạt ngôn nhưng bạn lại thấy đau đầu vì "sao mà nói lắm thế", họ đi làm tiếp khách, nhậu nhẹt bạn lại thấy sao mà vô tâm thế… Chúng ta đến với nhau từ những sự ngưỡng mộ nhưng rồi lại rời xa nhau vì những điều xấu tệ.
6. Sống chung khác với kết hôn
Chuyển đến sống cùng nhau trước khi kết hôn cho bạn cơ hội tìm hiểu những thói quen và cách sinh hoạt của nửa kia, nhưng nó không thể hiện tất cả bộ mặt của hôn nhân. Ngay cả khi hai bạn đã từng sống chung với nhau trước khi chính thức làm đám cưới thì vẫn có sự khác biệt so với sau khi kết hôn.
"Hôn nhân thay đổi mối quan hệ của hai bạn, và thay đổi luôn cách bạn được nhìn nhận trong cộng đồng, bạn bè và gia đình của mình", cố vấn Julienne Derichs cho biết.
7. Mâu thuẫn về tài chính cảnh báo hôn nhân khó bền
Đây không phải chủ đề nên bàn luận trước hôn nhân, nhưng rõ ràng về tiền bạc, thống nhất tài sản chung, riêng từ sớm giúp bạn tránh xích mích không đáng có.
Nghiên cứu năm 2013 của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Kansas (Mỹ) phát hiện những tranh cãi liên quan đến tiền bạc là yếu tố dự báo hàng đầu cho việc ly hôn.
Để tránh tranh cãi hoặc vỡ mộng sau hôn nhân, các cặp đôi cần thảo luận vấn đề này trước khi xác định kết hôn.
8. Không còn nhiều không gian riêng tư
Lúc mới yêu các cặp đôi có thể hứa hẹn rằng sẽ cho nhau những khoảng thời gian được là chính mình, luôn lắng nghe, tôn trọng những quyết định của nhau. Tuy nhiên khi bước vào hôn nhân thì đó lại là điều hoàn toàn ngược lại.
Khi ở đâu đó chúng ta vẫn luôn muốn áp đặt quyền của mình cho đối phương giống như việc khi người chồng đi ra ngoài thì vợ luôn muốn biết "anh đi đâu, anh làm gì, ở đâu với ai?".
Hay người chồng cũng có những mong muốn về người vợ của mình phải "chu đáo, đảm đang, quan tâm gia đình, chăm sóc chồng, con cái,…". Đến cuối cùng, những gì chúng ta nói, những gì chúng ta hứa hẹn cũng chỉ là "lời nói gió bay", bước vào hôn nhân mọi thứ thay đổi đến chóng mặt.
9. Bạn sẽ luôn xin lỗi và tha thứ, hãy tập làm quen với nó
Vì tất cả chúng ta đều phạm sai lầm, nói những điều ngu ngốc và làm những điều dại khờ, nên bạn phải chắc chắn rằng mình biết cách nhận lỗi lầm và đưa ra lời xin lỗi chân thành. Ở đây chúng ta không nói đến những câu xin lỗi bằng lời chỉ để cho qua. Vấn đề nằm ở cách xin lỗi, sự chân thành và biện pháp để sửa sai.
10. Không thể thay đổi được ai đó bằng hôn nhân
Nếu bạn cho rằng thời gian có thể giúp thay đổi những phần chưa hoàn hảo của đối phương thì hãy suy nghĩ lại, bởi người bạn cưới không thể giống với hình mẫu trong tưởng tượng.
Cố vấn mối quan hệ Mindy Uaty từng nói: "Chúng ta đang lý tưởng hóa một cách vô vọng về khả năng thay đổi người khác của bản thân. Thay đổi một người rất khó và đừng trông chờ vào nó". Điều này có nghĩa bạn cần học cách sống hiệu quả, chấp nhận những nhược điểm và cùng nhau sửa chữa.
11. Những điều nhỏ nhặt thực sự quan trọng
Nếu bạn nỗ lực một chút cho mối quan hệ của mình mỗi ngày, bạn sẽ gặt hái được nhiều thành quả. Những cử chỉ dù nhỏ, những phép lịch sự thông thường như nói lời cảm ơn và "anh yêu em/em yêu anh", thậm chí là nắm tay nhau đi dạo, tất cả đều góp phần tạo nên sự an toàn trong hôn nhân. Đừng bao giờ xem thường những điều nhỏ nhặt trong mối quan hệ vợ chồng.
Theo Sức khỏe và Đời sống