Ban-quyen.jpg
Ý thức tôn trọng bản quyền phần mềm cần được nâng cao hơn nữa trong các doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tin từ Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch cho biết cơ quan này cùng với Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA), Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) và Cục bản quyền tác giả vừa cùng nhau ký vào thư khuyến cáo về những hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng phần mềm không có bản quyền để gửi tới hơn 10.000 doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo đại diện của Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, đây là đợt khuyến cáo về tôn trọng bản quyền phần mềm tới số lượng doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay.

Thư khuyến cáo này cho rằng hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền không chỉ gây ra những rủi ro lớn về an ninh doanh nghiệp mà còn đe dọa nghiêm trọng đến uy tín và danh tiếng của mỗi doanh nghiệp. Theo các điều khoản bổ sung, sửa đổi gần đây của Bộ Luật Hình sự, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ máy tính với quy mô thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, nghị định 47 có hiệu lực từ ngày 30/7/2009 quy định vi phạm sở hữu trí tuệ về phần mềm có thể bị phạt tới 500 triệu đồng.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch cho biết:  “thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra để thuyết phục các đơn vị, cá nhân vi phạm phải có trách nhiệm bàn thảo, sở hữu bản quyền phần mềm theo đúng luật pháp quy định đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.”

Theo ông Thành, trong một năm qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện được hơn 30 cuộc thanh tra tại các doanh nghiệp sử dụng phần mềm bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài và các công ty kinh doanh máy tính. Theo ước tính tổng giá trị các phần mềm vi phạm được phát hiện trong 1 năm qua lên tới hơn 10 tỷ đồng.