Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực I, thuộc 4 huyện của thành phố. Cụ thể, tại huyện Ba Vì có 7 xã, huyện Thạch Thất có 3 xã, huyện Quốc Oai có 3 xã, huyện Mỹ Đức có 1 xã. Toàn thành phố có trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số.
Diện tích tự nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 33.458ha, chiếm khoảng 10% diện tích toàn thành phố, thuận lợi cho việc phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi như: Chè, sắn, dong riềng, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, bò sữa, cây thuốc nam, cây ăn quả... Ngoài ra, các địa phương vùng dân tộc thiểu số các huyện có tiềm năng khai thác và phát triển du lịch sinh thái, tâm linh.
Những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được thành phố quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực lớn thông qua đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đã cân đối dành nguồn lực 2.144,523 tỷ đồng để thực hiện chương trình, đến nay đã bố trí 1.172,065 tỷ đồng. Sau gần 3 năm thực hiện, thành phố đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025 của Nghị quyết của Quốc hội (19/35 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu).
Nổi bật, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%; trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%...
Tính bình quân thu nhập đầu người các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thành phố đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Đến nay đã có 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố đạt chuẩn Nông thôn mới.
Đối với các chỉ tiêu đến năm 2025, định hướng 2030; hiện nay tiếp tục triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành (14 chỉ tiêu) theo Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch của UBND thành phố; còn 2 chỉ tiêu, gồm: Thu nhập bình quân của người DTTS; chỉ tiêu xã đạt nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn khó khăn, dự báo đến năm 2025 khó hoàn thành.
Ngoài ra, thành phố đã bố trí vốn cho 95/114 dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đạt 83% kế hoạch với kinh phí đã bố trí hơn 1.050 tỷ đồng, đạt 71,76% kế hoạch; đã thực hiện giải ngân được 883,548 tỷ đồng, đạt 83%; đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư 52 dự án, còn lại 15 dự án cơ bản hoàn thành, 13 dự án đang thi công, 15 dự án chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành và cơ bản hoàn thành trong năm 2025...
Tuy nhiên với điều kiện đặc thù xuất phát điểm thấp, xa trung tâm, hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, thu ngân sách còn thấp, việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao thu nhập bình quân đầu người của các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, nhất là Ba Vì cũng còn khó khăn.
Bởi vậy, tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố, nghe báo cáo về kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền về các mục tiêu phát triển vùng đồng bào DTTS theo các nghị quyết của trung ương và Thành ủy Hà Nội, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Thành phố sẽ ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân DTTS và miền núi. Đối với 35 dự án mới của các huyện đề xuất, thành phố sẽ nghiên cứu đề xuất HĐND thành phố điều chỉnh, bổ sung, cập nhật vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư giai đoạn 2025-2030.