“Lớn già đầu rồi còn xem phim hoạt hình!”, câu này quen không nhỉ? Đây gần như là câu cửa miệng của người-lớn-không-thích-xem-hoạt-hình khi nói với một người không còn nhỏ nữa hay của cha mẹ hay nói với những đứa con đang lớn. Câu nói “nhẹ tênh” đó thật ra khá nặng nề, không chỉ xâm phạm đến sở thích cá nhân mà còn thể hiện sự phiến diện trong cách nhìn nhận. Hoạt hình tuyệt đối không chỉ phục vụ trẻ em! Rõ ràng nhất chính là hoạt hình Nhật Bản (anime), đó gần như là một hạng mục điện ảnh có giá trị lâu đời của xứ Phù Tang và có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Năm 1914, việc truyện tranh của Mỹ và Châu Âu du nhập vào Nhật Bản đã làm cho những họa sĩ tranh biếm họa thời đó cảm thấy hứng thú với loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Qua đó, dẫn đến việc bộ phim hoạt hình chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản đã được chào đời vào năm 1917.
Trích đoạn anime đầu tiên trên thế giới “Namakura Gatana” (Thanh Kiếm Cùn)
Anime Nhật thời khởi sinh có nét vẽ hơi đơn thuần và giàu tính tượng hình
Tác phẩm dài hai phút của họa sĩ Kouchi Junichi xoay quanh một samurai (võ sĩ đạo) ngốc nghếch đã mua phải thanh kiếm có lưỡi cùn, chàng phải vượt qua bao thử thách để đổi lại thanh kiếm tinh xảo khác. Bạn có nhận ra sự tương đồng về ý tưởng của khá nhiều anime nổi tiếng hiện nay như Bleach, Naruto, Fairy Tail... so với “ông tổ” của mình? Đúng vậy, các bộ phim này đều có cốt truyện với các nhân vật chính luôn phải trải qua nhiều thử thách để đạt được điều họ mong muốn.
Đoạn phim siêu ngắn Katsudou Shashin
Song, một số nghiên cứu lại cho rằng sản phẩm có tên gọi Katsudou Shashin (tạm dịch: Tấm Ảnh Chuyển Động), mới là tiền thân của anime sau này. Đoạn phim là hình ảnh một cậu bé mặc đồ thủy thủ đang viết lại tựa đề phim trên chiếc bảng. Cho tới nay, vẫn chưa ai tìm ra được danh tính của người thực hiện tác phẩm này.
Anime nổi tiếng đầu tiên trên phạm vi quốc tế là Momotaro (Cậu Bé Quả Đào) được hoạ sĩ Kitayama Seitaro phát triển dựa trên câu truyện cổ tích dân gian. Trong truyện, hai ông bà lão đã nhặt được một quả đào ở suối. Khi đem về nhà bổ ra thì có một cậu bé chui từ trong đào ra, lớn nhanh như thổi và trở thành một vị tướng nổi danh tại Nhật. Ở Việt Nam cũng có một cốt truyện gần giống kể về thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương.
Trích đoạn anime “Momotaro” (1928)
Dù vậy, hoạt hình Nhật Bản vẫn chưa trở thành loại hình giải trí được ưa chuộng, huống hồ lúc đấy người ta đang mải bàn luận về một tác phẩm cực kỳ thành công là Snow White (Nàng Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn) của cây đại thụ Walt Disney. Phải đến tận thập niên 60, mới xuất hiện một nhà tiên phong xuất sắc như Tezuka Osamu.
Chân dung “thuyền trưởng” ngành anime những năm 60 – Tezuka Osamu
Những tác phẩm của Tezuka Osamu tại Việt Nam đã gắn liền với nhiều thế hệ nay đã trưởng thành như “Bác sĩ quái dị” (Black Jack), “Siêu Nhí Astro” (Astro Boy), hay “Phượng Hoàng Lửa” (Hi no Tori). Nhưng đối với nước Nhật, ông còn đóng một vai trò lớn hơn, được ví như “Walt Disney” của phương Đông, ông tổ của ngành công nghiệp manga (truyện tranh Nhật Bản).
Hình ảnh Tezuka vẽ chính mình và những “con cưng” của ông
Nét vẽ tròn, đậm nhưng vô cùng mềm mại và đặc trưng được Tezuka áp dụng cho anime do chính ông sản xuất mang tên Three Tales (tạm dịch: Ba Câu Chuyện Kể), đây cũng là chương trình kể chuyện dưới dạng anime đầu tiên được chiếu trên truyền hình quốc gia. Sự thành công của chương trình này là tiền đề để anime dài tập đầu tiên Otogi Manga Calendar (tạm dịch: Lịch Sử Qua Nhanh) được xuất xưởng, phát sóng liên tục từ năm 1961 – 1964.
Một trong ba phần của chương trình truyền hình Three Tales được chiếu trên kênh NHK
Không dừng lại ở đó, trong những năm 70, Tezuka Osamu tiếp tục là người đứng đầu ngọn sóng, truyền cảm hứng cho hàng nghìn lớp hậu bối, từ đó thúc đẩy nền công nghiệp phim hoạt hình với nhiều thể loại và phong cách khác nhau lần lượt ra đời. Nhiều khái niệm mới cũng được hình thành, sơ lược nhất thì có thể loại kodomo-muke dành cho trẻ em tập đọc, shounen dành cho thiếu niên, shoujo dành cho thiếu nữ và cả những dòng phim có lát cắt nội dung, hình ảnh phù hợp hơn cho những giới trưởng thành như seinen (nam giới) và josei (nữ giới) cùng hàng chục dòng phim riêng biệt khác.
Chính cụm từ otaku (đối tượng đọc truyện tranh manga và xem phim anime) trong tiếng Nhật có ý nghĩa tiêu cực cũng trở nên phổ biến và tích cực hơn khi được dùng để định danh cho cộng đồng những người có cùng sở thích này trên toàn cầu.
Thập niên 70 cũng đánh dấu việc manga (truyện tranh), light novel (tiểu thuyết ngắn kiểu Nhật) và anime (phim hoạt hình) bắt đầu được đón nhận. Nhiều bộ manga và anime ra đời trong thời gian này đã trở thành những tượng đài trong tâm trí của cộng đồng otaku. Những tác phẩm này hầu hết đều phản ảnh được lối tư duy tích cực của người dân Nhật Bản. Chẳng hạn, câu chuyện về mèo máy Doraemon cùng những cô cậu bé cùng lớp với Nobita được vẽ bởi hai họa sĩ Fujimoto Hiroshi và Abiko Motoo (nhóm Fujiko Fujio) có ý nghĩa khích lệ tinh thần đồng đội, tình bạn cũng như nỗ lực vươn lên vượt nghèo đói của người Nhật.
Doraemon xuất bản từ năm 1969 – 1996, tập phim hoạt hình đầu tiên được phát sóng vào năm 1973.
Nền công nghiệp manga và anime ở Nhật Bản vốn có tính chất cộng sinh. Vì manga trở nên cực thịnh trong thập niên 80 và 90, nên anime cũng thuận đà theo đó mà đơm hoa kết trái. Hầu hết những tựa manga ăn khách đều nhanh chóng được chuyển thể thành anime và ngược lại, sự phổ biến của anime sẽ giúp manga tiêu thụ được nhiều hơn. Tuần san truyện tranh thiếu niên Jump (Weekly Shonen Jump) cũng là một trong những bìa sách bán chạy nhất, không hề thua kém các tác phẩm văn học đương đại. Đây cũng là cái nôi của những bộ truyện tranh nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng đến tận ngày nay như Dragon Ball (Bảy Viên Ngọc Rồng), Saint Seiya (Áo Giáp Vàng), Slam Dunk (Cao Thủ Bóng Rổ),…
Nửa cuối thế kỷ 20, anime du nhập sang các nước phương Tây và được người xem khắp thế giới yêu mến. Khán giả phương Tây, phần còn lại của thế giới nói chung, đã thấy và công nhận những điểm mới mẻ, sáng tạo trong những bộ phim hoạt hình Nhật Bản. Huyền thoại Miyazaki Hayao cùng xưởng phim hoạt hình Ghibli đã chính thức khẳng định được rằng anime là một thứ nghệ thuật cao quý.
Hayao Miyazaki và xưởng phim Ghibli là những huyền thoại sống có công đưa anime vươn tầm thế giới.
Năm 2001, Spirited Away (Vùng Đất Linh Hồn) của Ghibli ra đời và đóng một cột mốc lịch sử cho anime Nhật Bản khi trở thành bộ phim hoạt hình đầu tiên cho đến thời điểm này đoạt giải Oscar danh giá cho Hạng mục Phim Hoạt hình xuất sắc nhất, vốn luôn là sân nhà của Walt Disney và Pixar.
Nhắc đến Spirited Away là nhắc đến một trong những giấc mơ tuyệt vời nhất mà Miyazaki nói riêng và Studio Ghibli nói chung mang đến cho thế giới. "Một khi cháu đã từng gặp ai đó, cháu sẽ không bao giờ thực sự quên họ. Chỉ là cần chút thời gian để ký ức của cháu trở về thôi" - Miyazaki Hayao đã diễn giải chân lý giản dị này bằng câu chuyện về chuyến phiêu lưu kỳ diệu và phi thường.
Sprited Away: Giấc mơ tuyệt vời nhất mà anime Nhật Bản mang đến cho thế giới.
Với Spirited Away, trí tưởng tượng của con người dường như được đẩy tới cực hạn. Người xem cứ đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên với khác những nhân vật thú vị như chú bồ hóng làm việc, ông khách củ cải, những linh hồn đến tắm rửa, những chú ếch Tiểu Nhị, những chị Sên làm phục vụ cho khách... hay cả một dây chuyền "sản xuất" nước tắm cho nhà tắm chẳng hạn. Và trong sự hư ảo huyền diệu đó, chúng ta lại thấy được thấp thoáng hình bóng của xã hội con người với biết bao vấn đề bức bối: Mối quan hệ chủ tớ trong xã hội tư bản; bà mẹ tham công tiếc việc nhưng luôn thiếu thời gian để yêu thương săn sóc con cái; sự tham lam khiến con người mất đi bản ngã...
Nhắc đến những điều trên, cũng để thấy rằng, anime Nhật Bản nói riêng hay hoạt hình nói chung, đã bước lên một tầm cao mới. Bên trong những nét vẽ tay mềm mại đó, nếu để ý kĩ, chúng ta có thể thấy được những điều lớn lao và vĩ đại.
Bên cạnh đế chế Ghibli, Nhật Bản cũng không thiếu những đạo diễn tài năng như Kon Satoshi, Oshii Mamoru. Nhắc đến Kon Satoshi là nhắc đến “bố già” đứng đằng sau những tác phẩm nổi tiếng trường tồn sau nhiều thập kỷ như Perfect Blue (1997), Tokyo Godfathers (2003), Paprika (2006)... Đóng vai trò họa sĩ, biên kịch kiêm đạo diễn trong hầu hết các thành phẩm của mình, anime của Kon luôn được đánh giá cao bởi phần hình ảnh mang vẻ đẹp hư ảo, thường xoáy sâu vào những góc khuất trong tâm lý của con người. Đồng thời, ông cũng là một trong những họa sĩ ngông cuồng, khi thường chọn nhân vật chính là nữ thay vì nam giới.
Kon Satoshi - Người tạo ra ảnh hưởng không chỉ với nền anime Nhật Bản, mà còn mang đến cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh trên thế giới.
Không dừng lại ở đó, hoạt hình Nhật Bản còn tạo ra một sự ảnh hưởng lớn lên những bộ phim đình đám của Hollywood. Điển hình như phim điện ảnh The Matrix (Ma Trận) của chị em nhà Wachowski được lấy cảm hứng từ anime điện ảnh Ghost in the Shell (1995) của Oshii Mamoru. Đạo diễn Darren Dronofsky, người làm nên bộ phim đầy ám ảnh Requiem for A Dream (2000) thú nhận rằng anh đã vay mượn lại một số khuôn hình trong Perfect Blue của Kon Satoshi vì nó quá ấn tượng. Hay như Dark City (Thành Phố Bóng Đêm) cùng nhiều phim khoa học viễn tưởng sau này đều thừa hưởng từ anime nổi tiếng Akira ra mắt năm 1985.
Anime Ghost In The Shell ra mắt thành công vào năm 1995 đến mức được lấy làm cảm hứng cho siêu phẩm The Matrix vào năm 1999
Trong năm nay 2017, Ghost In The Shell đã được mua bản quyền để remake thành bom tấn điện ảnh cùng tên với sự tham gia của Scarlett Johansson.
Ghost in the Shell - Siêu phẩm được làm lại từ bộ manga/ anime cùng tên nổi tiếng của Nhật Bản.
Đến tận năm 2013, cộng đồng otaku cũng phát hiện nhiều yếu tố trong bộ phim hành động – khoa học viễn tưởng Pacific Rim (Đại Chiến Robot) cũng chịu ảnh hưởng từ nhiều anime như loạt phim Gundam, Mazinger Z, Attack on Titan,… Điều này cũng dễ hiểu, khi bản thân đạo diễn Guillermo del Toro cũng là một otaku đích thực.
Attack on Titan là bộ anime mang đến rất nhiều cảm hứng cho các nhà làm phim Hollywood.
Câu thoại này ăn sâu vào nhân vật cũng như tác phẩm Naruto, giúp cho hành trình anime kéo dài 15 năm của nó luôn giữ được sức hút tầm cỡ.
Không ngoa khi người ta ví von anime của nước Nhật là sinh thể vô hình có linh hồn và có ý chí sống vô cùng mãnh liệt. Một thế kỷ vốn rất dài. Trong quá trình đó, có biết bao sản phẩm nghệ thuật được sản sinh, phát triển, bão hoà rồi thoái trào. Nhưng đố ai biết được khi nào anime sẽ chạm tới cực hạn trong quá trình phát triển?
Bản thân anime cũng giống như người Nhật, luôn bền bỉ và kiên trì với “nhẫn đạo” của họ. Dù cho công nghệ hoạt hình của Hollywood được trẻ em cả thế giới ngưỡng mộ, dù chắc là Oscar sẽ không bao giờ gọi tên một tác phẩm anime nào khác, thì anime của người Nhật vẫy dày công kiên nhẫn xây đắp những thành lũy của riêng nó. Tuyệt đối không có những sự thỏa hiệp để chiếm lấy ngai vàng, anime giống như một vương quốc riêng cho những ai yêu mến phong vị Nhật Bản rồi tự động bước vào trong, sống và cảm nhận chính cái thế giới kì công ấy. Không phải cố chứng tỏ mình khác biệt mà vốn dĩ anime đã có những giá trị rất khác biệt của riêng mình.
Những ngày này, cộng đồng anime ở Việt Nam rộn rã với việc sẽ được tận mục sở thị “kỳ tích năm 2016 của nền anime Nhật Bản” mang tên Your Name (Tên Cậu Là Gì?) của đạo diễn Makoto Shinkai, người từng trực tiếp nhào nặn nên những siêu phẩm anime như 5 Centimeters per Second (5cm/s), The Garden of Words (Khu Vườn Ngôn Từ), The Place Promised in Our Early Days (Bên Kia Đám Mây Nơi Ta Hẹn Ước). Điều gì khiến họ lại rạo rực đến thế chỉ vì một bộ phim được trình chiếu ngoài rạp, một việc rất đơn giản mà thậm chí nếu không được ra rạp, các fan anime vẫn hoàn toàn có thể tự... xem trên mạng mà?
“Kỳ tích anime 2016” Your Name cũng sẽ là "kỳ tích" của cộng đồng otaku Việt Nam.
Nhưng điều ý nghĩa ở đây không chỉ đơn giản là xem một bộ phim. Your Name không chỉ là một “kì tích” của anime trong giai đoạn này, khi “hãng phim hy vọng” Ghibli đã đóng cửa, mà còn là “kì tích” của những người xem anime tại Việt Nam. Những người vốn cho rằng anime chỉ dành cho con nít làm sao hiểu được cảm giác của những kẻ đã vào U30 nhưng vẫn mong mỏi một ngày nào đó ngoài rạp phim chiếu thật nhiều anime. Làm sao hiểu được cái cảm giác gần như tuyệt vọng khi số đông cho rằng anime chỉ kể về những cuộc đấu phục vụ bọn thiếu niên mới lớn trong khi thế giới của anime đâu “hẹp hòi” như vậy!?
Công nhận đi, nếu không phải là Doraemon, Conan hay Naruto thì gần như chẳng ai biết anime có tồn tại. Chính vì vậy mà thông tin Your Name được chiếu ngang hàng với những bộ phim điện ảnh bom tấn khác - như một cơn mưa tưới tắm cho sự cằn cỗi của giới mộ điệu. Những kẻ cuồng si anime sống trong cái thế giới riêng của họ quá lâu đã có thể hy vọng một tương lai khác hơn. Họ mong rằng Your Name, sẽ chứng minh được những định kiến mà người ta dành cho anime bấy lâu đã sai rồi. Họ mong rằng Your Name sẽ lấy lại được vị trí xứng đáng hơn cho hành trình 100-chưa-dừng-lại đáng ngưỡng mộ hơn là phớt lờ. Người Nhật vốn quan trọng TPO trong giao tiếp (time – place – occasion) và Your Name ở Việt Nam lúc này như có một TPO hoàn chỉnh, thiên thời – địa lợi – nhân hòa, một ‘điểm rơi’ tuyệt vời khi mà một năm rộn rã của các phim hoạt hình Âu Mỹ vừa khép lại. Hãy thử bắt bản thân một lần xem thử cái loại hoạt hình 2D lỗi thời ấy đi, biết đâu bạn sẽ phát hiện ra một thế giới ngủ quên trong mình bấy lâu thì sao!?
Theo Trí Thức Trẻ