UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Một trong các nội dung cụ thể của kế hoạch là xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Mục tiêu đến năm 2025, 80% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại.
100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh được thực hiện trực tuyến và liên thông với hệ thống báo cáo quốc gia. Triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến UBND tỉnh, UBND cấp huyện: 100% đơn vị cấp tỉnh, 80% UBND cấp huyện thực hiện họp liên thông qua Hệ thống này đối với các cuộc họp của UBND. 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước có thể thực hiện được thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ cần thực hiện, đó là hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, phát triển dữ liệu, phát triển ứng dụng, dịch vụ nội bộ, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Trong đó, triển khai dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Điện Biên Phủ. Đến năm 2030, 100% các huyện, thị xã, thành phố triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản.
Hải Lam