Xây dựng Bộ TT&TT điện tử
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Bộ TT&TT điện tử giai đoạn 2016 - 2020.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ TT&TT nhằm: Rút ngắn quy trình và giảm thời gian, chi phí xử lý công việc, đẩy mạnh tính hiệu lực, hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch trong thực thi công vụ của các đơn vị thuộc Bộ; Quản lý, cung cấp đầy đủ, đúng quy định thông tin và dịch vụ công chất lượng cao theo hướng sử dụng văn bản điện tử và xử lý các giao dịch, hồ sơ trên môi trường mạng. Qua đó giảm số lần người dân, doanh nghiệp phải đến thực hiện trực tiếp thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, thúc đẩy hoạt động giám sát hoạt động quản lý nhà nước.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ, thành công các nhiệm vụ, giải pháp giao cho Bộ TT&TT tại Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Một trong những mục tiêu cụ thể của Kế hoạch này là hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng CNTT, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ TT&TT đồng bộ, kết nối, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Trong đó, giai đoạn 2016 - 2017, hệ thống mạng nội bộ thống nhất về mặt cấu trúc logic, vận hành ổn định, liên tục 24/7, kết nối Internet tốc độ cao, thông suốt; một số các hệ thống, dịch vụ CNTT cơ bản của Chính phủ điện tử được giám sát về an toàn thông tin, nâng cao năng lực ứng cứu, xử lý sự cố, phòng chống tấn công, mã độc, thư rác; 100% cán bộ, công chức, viên chức đã được cấp chứng thư số sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Năm 2018, quản lý, vận hành 50% hệ thống máy chủ trong các cơ quan, đơn vị tập trung tại Trung tâm dữ liệu thuộc Bộ. 100% cơ quan, đơn vị được sử dụng dịch vụ Trung tâm dữ liệu thông qua hệ thống mạng của Bộ.
Bên cạnh đó, phát triển và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung để bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết hoạt động quản lý, thực hiện hành chính công vụ, tạo nền tảng thông tin triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ, có khả năng kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Hết năm 2016, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 50%
Với mục tiêu quản lý, cung cấp trực tuyến đầy đủ thông tin và dịch vụ công có chất lượng, Bộ TT&TT xác định đến hết năm 2016, phấn đấu 100% các dịch vụ công quan trọng, lượng hồ sơ xử lý hàng năm lớn được cung cấp trực tuyến ở mức 3 (cho phép nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng) thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 50%.
Đến hết năm 2017, phấn đấu 100% dịch vụ công liên quan đến thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp được cung cấp trực tuyến mức độ 4 (có thể thanh toán lệ phí trực tuyến) và kết nối với hệ thống Hải quan một cửa quốc gia.
Và đến hết năm 2018, phấn đấu 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Về ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ, Kế hoạch nêu rõ mục tiêu, năm 2016, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai tới 100% các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT. Thực hiện kết nối, liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ theo kế hoạch và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Từ năm 2017, 100% văn bản không mật trình Lãnh đạo Bộ và 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy); 100% hồ sơ quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị được quản lý, tác nghiệp thống nhất trên môi trường mạng; Triển khai thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử).
Đến năm 2018, công nghệ, nền tảng phát triển ứng dụng Chính phủ điện tử toàn diện, tích hợp được ứng dụng, từng bước kết nối liên thông các hệ thống thông tin tại Bộ TT&TT. Bảo đảm trên 50% các hệ thống thông tin đầu tư mới phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ TT&TT.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Kế hoạch chỉ rõ những nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp cụ thể sẽ được Bộ TT&TT tập trung triển khai trong thời gian tới.
Bộ trưởng giao Trung tâm Thông tin chủ trì tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch; xây dựng trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch triển khai chi tiết hàng năm; đồng thời tuyên truyền, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.
Cùng với việc ra quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Bộ TT&TT điện tử giai đoạn 2016 - 2020, Bộ TT&TT cũng ban hành kèm theo quyết định này Danh mục 6 nhóm với 18 dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 tại Bộ TT&TT.
18 dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 tại 6 đơn vị thuộc Bộ gồm: Cục Báo chí; Cục PHTT&TTĐT; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Viễn thông; Cục An toàn thông tin; và Trung tâm Internet Việt Nam. Đó là các dịch vụ: Cấp, đổi thẻ nhà báo (báo in, báo điện tử); Cấp, đổi thẻ nhà báo (phát thanh, truyền hình); Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; Cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội; Cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản; Cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản; Cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị thu, phát, thu - phát sóng vô tuyến điện; Phân bổ mã số viễn thông; Cấp, gia hạn mã số quản lý đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn; nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử và nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet; Đăng ký sử dụng tên miền quốc gia “.VN”…